TRUYỆN KIỀU

HNTĐ

Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm này từ khi in ra đã được nhân dân ta truyền đời đón đọc. Nó đã trở thành viên ngọc sáng đẹp nhất, độc đáo nhất, lan tỏa và trường tồn trong đời sống văn học của nước ta.

Những năm gần đây các nhà nghiên cứu Truyện Kiều đã đi theo một xu hướng mới là tìm về những bản Kiều Nôm cổ nhất, gần với nguyên tác nhất để đặng khôi phục lại nguyên bản Truyện Kiều của chính Nguyễn Du. Công cuộc tìm kiếm của các nhà Kiều học đã mang lại một kết quả khả quan là tìm được một số bản Kiều Nôm cổ. Đó chính là các bản: Liễu Văn Đường, in khắc gỗ năm 1871, Duy Minh Trị năm 1872 và bản chép tay năm 1870 cảu Nọa Phu (Nguyễn Hữu Lập)…Các bản Kiều năm 1871, 1872 đều được phát hiện ở Pari. Phải chăng, các nhà Kiều học mải lo tìm kiếm các bản Kiều ở nước ngoài mà quên mất việc tìm kiếm ở chính quê hương của tác giả và tác phẩm?

Tôi có may mắn là được gặp gỡ, thân quen với thầy Nguyễn Thế Quang, quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An dạy văn ở trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng – TP Vinh. Biết tôi đam mê tìm hiểu về các loại sách cổ và có chút ít hiểu biết về chữ Hán, thầy Quang đưa cho tôi xem một số sách và tài liệu Hán Nôn của gia đình còn lưu giữ được. Số tài liệu này là của ông nội thầy- nhà Nho, cử nhân Nguyễn Thế Cát (1855-1937). Cụ Nguyễn Thế Cát đã từng làm quan đến Phụng thành đạt phu Hàn lâm viện Thị giảng với hàm Trước tác. Cụ về nhà mở trường dạy học và nổi tiếng có nhiều trò thành danh trong khoa bảng, như Đình nguyên tiến sĩ Vương Hữu Phu, Phó bảng Vương Đình Trân, Phó bảng Lê Trọng Phiền và nhiều cử nhân, tú tài khác…Trong số tài liệu của cụ Nguyễn Thế Cát, có cuốn “Đại đồng tổng Hương Hội khoa Lục” là một tài liệu quý, vì tôi đang cố công sưu tầm các tài liệu viết về các nhà khoa bảng xứ Nghệ đậu đạt dưới thời Lê.

Tháng 3 năm 2003 thầy Nguyễn Thế Quang có đưa cho tôi xem một cuốn sách giấy đó có chữ in khắc mộc, gồm có ba tên sách đóng lại thành tập. Tôi xem qua và phát hiện trong đó có bản Kiều Nôm cổ nhất của Liễu Văn Đường, in năm 1866 (Tự Đức năm thứ 19. Nguyên văn chữ Nôm: Tự Đức thập cửu niên trọng xuân tân san Kim Vân Kiều Tân truyện…). Thầy Quang rất mừng rỡ vì gia đình mình còn lưu giữ được bản Kiều Nôm cổ nhất. Thầy cho tôi phô tô một bản và dành cho tôi đặc ân là người đầu tiên giới thiệu bản Kiều Nôm cổ nhất này. Tôi dự định sẽ đọc kỹ và khảo đính so sánh với các bản Kiều Nôm khác rồi mới công bố, nhưng lực bất tòng tâm, vì trình độ chữ Nôm không đủ và vì thời gian quá hạn hẹp, tôi chưa thể thực hiện được dự định của mình.

Nay thì “Châu về hợp phố” bản gốc Kiều Nôm này (LVĐ 1866) đã được đưa về lưu giữ tại Khu di tích Nguyễn Du ( làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Bản Kiều này cũng đã được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đem lại niềm vui cho bạn đọc và giới Kiều học cả nước. Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều đã có bản chụp của bản Kiều này và đang chú tâm nghiên cứu để công bố. Lâu nay, đông đảo quần chúng trong cả nước đang mong chờ các nhà Kiều học phiên âm, phiên cứu và giới thiệu những ưu thế của bản Kiều 1866 nói trên.

Nhà nghiên cứu, sưu tầm Truyện Kiều Nguyễn Khắc Bảo và tiến sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Trí Sơn đã hợp tác phiên âm, khảo đính và có ý định xuất bản cuốn Truyện Kiều (LVĐ 1866) ở ngay trên quê hương Nghệ An – nơi có công lưu giữ bản Kiều quý này.

Bản thảo Truyện Kiều (LVĐ 1866) Nguyễn Khắc Bảo và Nguyễn Trí Sơn phiên âm, khảo đính được soạn thảo nghiêm túc, công phu, khoa học có đối sách với các bản Kiều Nôm quý khác và có phục dựng 18 tờ bị thiếu bằng 18 tờ của bản Thịnh Mỹ Đường 1879 (xin xem lời nói đầu của soạn giả).
Tôi rất khâm phục công sức sưu tầm, nghiên cứu về Truyện Kiều của ông Nguyễn Khắc Bảo (Ông Bảo quê ở thị xã Bắc Ninh, hiện có trong tay 37 bản Kiều Nôm, in, hoặc chép tay từ triều Tự Đức được sưu tầm ở nhiều miền đất nước).

Tôi đành phải nhận lời ông làm cái công việc e là sưu tầm của mình: viết mấy lời “ Phi lộ” cho bản Truyện Kiều  - (LVĐ 1866) – bản Kiều Nôm quý, cổ nhất cho đến nay được công bố lần đầu tiên ở quê hương xứ Nghệ.

Nguồn: http://nguyendu.d.webcom.vn/

CÙNG CHUYÊN MỤC

Cuộc đời - sự nghiệp

Tư liệu lịch sử

Nghiên cứu, thảo luận