Luận về Tâm - Tài trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
HNTĐ
Nguyễn Du là Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Thơ ông được coi là kiệt tác của văn học Việt Nam. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, trong đó nổi bật nhất là Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm. Trong tác phẩm này, ông có đề cập đến chữ Tâm và chữ Tài.
Chữ Tâm bằng ba chữ Tài
Nguyễn Du từng viết hai câu thơ: “Có Tài mà cậy chi Tài/ Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Từ hai câu thơ này, ta có thể đoán biết được rằng, chữ Tài, một mặt mang lại vinh quang cho người đó, nhưng mặt khác, từ chữ Tài cũng sinh ra biết bao nhiêu điều hệ luỵ kéo theo, Nguyễn Du gọi đó là chữ Tai.
Tài, bất cứ ai cũng muốn có điều này. Tài mang lại cho ta danh vọng và quyền lực, tiền bạc. Nhưng nếu người có Tài không biết khiêm nhường hoặc sử dụng Tài vào những điều xấu, gây hại cho con người thì có Tài cũng trở nên vô nghĩa, rồi hại đến người và hại đến chính mình.
Như chúng ta đã biết, cuộc đời Nguyễn Du phải trải qua nhiều năm gió bụi, tha phương trong thời buổi loạn lạc. Thậm chí, có thuyết nói ông đã từng đi tu trong một ngôi chùa bên Trung Quốc. Không thể biết được việc Nguyễn Du đi tu vì lẽ gì?
Nguyễn Du là bậc tài danh, hay chữ đương thời. Không những thế, ông còn được sinh ra trong gia đình có tiếng. Đến nay, ở thể thơ lục bát, ít có người sánh được như ông, dù có nhiều thi sĩ đã phá cách, cách tân. Nhưng tượng đài của Nguyễn Du về thơ ca, về lục bát nói riêng thì khó ai có thể vượt qua.
Bàn về chữ Tài và chữ Tâm, Nguyễn Du từng viết: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Đây là câu thơ đúc kết của một bậc vĩ nhân có tấm lòng xót thương con người. Hai câu thơ vừa dễ hiểu, vừa khó hiểu bởi mang triết lý sâu xa.
Dễ hiểu ở chỗ, đọc xong ai cũng biết, chữ Tài và chữ Tâm, thì so về sức “nặng”, chữ Tâm gấp ba lần chữ Tài. Nguyễn Du đã coi trọng chữ Tâm hơn chữ Tài. Và qua đó, Nguyễn Du có vẻ nghiêng về cảm mến người có Tâm hơn là người có Tài. Sự cảm mến thiên vị này không chỉ ở Nguyễn Du mà đều có trong tâm lý của cha ông ta. Tức là trọng người có Đức hơn cả, như câu “Có Đức mặc sức mà ăn”.
Nguyễn Du đã nén hai câu thơ trở thành một triết lý. Mà có người gọi đó là Thuyết Tâm Tài (hay Tài Tâm). Có lẽ, dựa vào thuyết này, mà Nguyễn Du đã chọn và biến chuyển Truyện Kiều từ thể văn xuôi của người Trung Quốc thành thể thơ lục bát của dân tộc một cách nhuần nhuyễn và đạt đến độ tinh hoa trong câu chữ.
Đại Thi hào Nguyễn Du. Ảnh internet.Đại Thi hào Nguyễn Du. Ảnh internet.
Trước khi đến với sự so sánh chữ Tâm bằng ba chữ Tài, Nguyễn Du đã có câu trước đó là “thiện căn ở tại lòng ta”, ta có thể hiểu là thiện ác là từ lòng người sinh ra. Ta như thế nào thì ý nghĩ và hành động như thế đó. Rồi để đến câu thứ hai, Nguyễn Du đã khẳng định về mặt hơn của chữ Tâm, chữ Tài không thể so bề được.
Hai câu thơ trên được “chiết” ra từ đoạn thơ cuối của Truyện Kiều với độ dài 3254 câu: “Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao/ Có đâu thiên vị người nào/ Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai/ Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần/ Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa/ Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Nếu xét chung hai câu thơ trên vào cả đoạn thơ trên hay tách riêng ra thì ý nghĩa Tâm, Tài vẫn giữ nguyên. Nguyễn Du đã cho thấy mình là một bậc minh triết, thấu hiểu lẽ đời. Ông đã đúc kết từ cuộc đời lênh đênh của mình, đương nhiên, ông là một thiên tài, nên sức nặng câu chữ mới lay động người đọc đến tận hôm nay và sức lay động này còn mãi đến mai sau.
Tâm - Tài nên song hành cùng nhau
Có lẽ cho đến hôm nay, cái nhìn của Nguyễn Du về Tâm và Tài vẫn đúng đắn. Và nó càng nên được chú ý hơn khi xã hội ngày càng phát triển, con người ưa vật chất, xa hoa, sống ít trọng tình cảm. Chắc rằng chúng ta từng nghe đến câu nói “Hiền Tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung (sống vào thế kỷ 15, làm quan nhà Hậu Lê). Câu này gần như giống với câu của Nguyễn Du, tuy thế, câu của Nguyễn Du có nghĩa rộng hơn.
Hiền tài ở đây ta sẽ tách bạch thành hai chữ Hiền và Tài. Tài thì nhiều người đã hiểu nghĩa. Còn chữ Hiền, cũng không mấy khó khăn, khi nó là từ chỉ người có đức độ hay ta thường gọi đó là người hiền. Từ Hiền một phần nào đó, là một khía cạnh của chữ Tâm.
Thân Nhân Trung đã coi người hiền tài là nguyên khí quốc gia, chứ không phải là chỉ mỗi người tài. Hai từ này như một “cặp bài trùng” không thể tách rời. Nếu như có Tài mà không có Tâm, thì cái Tài đó thật sự gây nguy hiểm cho con người.
Chúng ta giả hoặc, một người Tài biết chế tạo thuốc súng, bom mìn, nhưng người đó không có Tâm, là sử dụng những phát minh đó để khai phá thiên nhiên, mang lại lợi lộc cho con người, rút ngắn công sức, thời gian; mà đem những phát minh đó gây chiến tranh, tàn sát con người, thì cái Tài đó càng biến con người giỏi kia thành quỷ dữ.
Từ xa xưa đến nay, những bậc Hiền Tài, những bậc có đạo đức luôn là tấm gương sáng cho muôn đời noi theo, chứ không phải là những người có Tài mà kiêu căng, không có Tâm. Chúng ta biết đến Khổng Tử, Chu Văn An. Chúng ta biết đến Nguyễn Trãi vừa có Tài vừa có Tâm. Làm việc gì cũng khoan thư sức dân. Nghĩ đến muôn dân, đến con người trước tiên. Khoan thư sức dân là để làm kế sâu rễ bền gốc.
Nếu như con người không có Tâm thì làm gì có chuyện có tình cảm thương yêu sâu sắc mọi người và do đó sẽ sống hời hợt, không biết đau khổ cùng những người đau khổ, không biết cảm thông. Mà như thế, nhiều người sống như thế thì xã hội loài người chẳng khác gì một xã hội của người máy.
Từ hơn 200 năm qua, kể từ ngày Nguyễn Du mất, những câu thơ lục bát trong truyện Kiều của ông đã thấm vào trí nhớ, tâm hồn người Việt, nhất là hai chữ Tâm - Tài. Trước Nguyễn Du, có thể hai từ này chưa bao quát bằng và đến Nguyễn Du, hai từ này đã được phổ cập những ý nghĩa sâu rộng hơn, nhân bản hơn.
Nguyễn Du đã vẽ ra một nàng Kiều có Tài nhưng bạc mệnh. Chữ Tài với chữ Tai một vần là như vậy. Nguyễn Du đã thấy được sự nguy hiểm của chữ Tài. Bản thân người Tài đã là một sự nguy hiểm, ít nhất cho chính họ. Nếu như không có chữ Tâm thì sự hiểm nguy đó sẽ lan ra cộng đồng.
Chữ Tâm bằng ba chữ Tài là cách viết ước lệ. Không ai có thể cân đo đong đếm được sức vóc hay chiều dài chiều rộng hai chữ này. Nhưng bằng vốn hiểu biết sâu sắc, thiết tha với cuộc đời này mà Nguyễn Du đã đem hai chữ Tài Tâm ra so sánh, vừa thơ mộng vừa thực tế cho hậu thế hiểu mà sống sao cho yên bình, cho hạnh phúc nhất.
Nguyễn Du, xét ở nhiều góc độ cuộc đời và thơ văn, ta thấy ông hiểu rất kỹ về Đạo Phật, nhất là thuyết nhân quả, có vay có trả. Trên tinh thần đó, ông đã coi cái Tâm như ngọn đèn sáng soi lối đi cho con người. Dù người đó có Tài hay không thì trước tiên, khi đã có cái Tâm, tức là người có Đức thì chắc rằng, cuộc sống người đó không thể bất ổn về tinh thần, dù rằng, vật chất có nghèo đi.
Mặc dù vậy, một con người, để cho cuộc sống tốt hơn, ổn hơn, có sự tiến bước vững chắc trên cuộc đời khó nhọc này nên trang bị cho mình cả Tâm lẫn Tài hay cách gọi khác là Đức và Tài. Bởi thiếu một trong hai thứ này, thì cuộc đời con người thật khó đạt được những gì mình mong muốn. Điều này cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Có Tài mà không có Đức, là người vô dụng/ Có Đức mà không có Tài, thì làm việc gì cũng khó”.
Theo Gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền, Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên (1765 – 1820). Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1775), quê ở xã Tiên Điền, nay là thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, từng làm quan đến chức Tể tướng dưới triều Lê; mẹ tên Trần Thị Tần, quê Kinh Bắc, Bắc Ninh.
Năm 1783, Nguyễn Du thi đậu Tú tài, được cử làm quan dưới triều Lê ở Thái Nguyên. Ông lấy vợ tên Đoàn Thị Huệ, người huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Thái Bình.
Nguyễn Du để lại cho hậu thế nhiều áng văn chương bất hủ cả chữ Hán lẫn chữ Nôm như: Thanh hiên thi tập, sáng tác trong thời gian trước khi làm quan nhà Nguyễn; Nam trung tạp ngâm gồm 40 bài thơ viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và Hà Tĩnh từ năm 1805 đến 1812; Bắc hành tạp lục với 133 bài thơ, ra đời trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc năm 1813.
Trong đó nổi bật nhất là Truyện Kiều, có tên là Đoạn trường tân thanh, với 3.254 câu thơ lục bát.
Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Theo BAOPHAPLUAT.VN
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Vẻ đẹp của Hoạn Thư trong truyện Kiều
Cũng như nhiều nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hoạn thư không chỉ được độc giả biết đến trong trang sách, mà đã bước ra cuộc đời, rất quen thuộc với cuộc sống con người Việt Nam. Hiện nay, không còn mấy những ý kiến coi đây là nhân vật tiêu biểu cho sự tàn bạo độc ác. Trong... -
Văn chương truyện kiều mê hoặc lòng người
Truyện Kiều đã khiến hàng nghìn, hàng vạn người phải động bút. Những cuộc tranh luận của các học giả kéo dài suốt hơn hai trăm năm cho đến nay vẫn không dứt. Tuy vậy mọi người đều thống nhất ở một điểm là Truyện Kiều hay ở văn chương. Những học giả tầm cỡ, có ảnh hưởng rộng đều thốt... -
Lịch sử một câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”
Đó là câu nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Câu này ở trong bài diễn thuyết bằng quốc văn đọc tại buổi lễ kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày mất của nhà thi hào (10.8 âm lịch) do Ban Văn học của Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức tại Hà Nội ngày 8.9.1924. Khách... -
Nguyễn Du nghĩ gì về “thơ”? - thử tìm một lý giải
“Của tin, gọi một chút này làm ghi” (Nguyễn Du, Đoạn trường tân thanh) Trước tác thơ Nôm Truyện Kiều trong nội một đêm (theo truyền thuyết), Nguyễn Du kết thúc Đoạn Trường Tân Thanh bằng 6 chữ ngắn ngủi, - để nói theo cách hiện đại - “nhận định” về chính thơ ông: Lời quê chắp...