Làng Tiên Điền

HNTĐ

Ngày nay, có thể ít người quen với hai chữ Tiên Điền, nhưng vào khoảng 1945 trở về trước thì chữ Tiên Điền rất phổ biến trong cả nước. Người ta thường nhắc đến cái tên ấy với một niềm ngưỡng mộ, tự hào. Lý do đơn giản là vì đó là làng quê của thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều.

Nguyễn Du không lấy biệt hiệu là Tiên Điền, cũng không sinh ra ở đó. Vùng này chỉ là quê hương gốc gác của thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm, Tể tướng triều Lê. Nhưng Nguyễn Nghiễm cũng không được gọi là cụ Tiên Điền. Nói cụ Tiên Điền, ai cũng biết đó là Nguyễn Du. Tên gọi một làng quê mùa trở thành cái tên của một nhà văn hóa lớn, và do đó Tiên Điền cùng nghiễm nhiên trở thành một làng văn hóa.

Cổng làng Tiên Điền

Làng Tiên Điền xuất hiện từ bao giờ trong lịch sử nước ta? Chưa có sử liệu chính thức để trả lời câu hỏi đó. Chỉ được nghe nói rằng, khoảng những thế kỷ XII, XIII, làng có tên là Vô Điền, nghĩa là không có ruộng. Đất đai quanh năm ngập nước mặn, dân cư thưa thớt. Sau đó lịch sử làng được gắn bó một cách chặt chẽ với gia đình họ Nguyễn của Nguyễn Du. Thời trước, vị tổ họ Nguyễn vốn ở ngoài Bắc là Nguyễn Thiến, đỗ Trạng nguyên, được vua ban cho đất này làm thực ấp, nhưng chưa khai khẩn gì. Đến đời nhà Mạc, cháu nội Nguyễn Thiến là Nguyễn Nhiệm mới vào sinh cơ lập nghiệp, đắp đê rửa mặn. Làng Vô Điền thành làng có ruộng, đổi tên là Tân Điền, rồi Phú Điền. Mãi đến gần một trăm năm lại đây mới gọi là Tiên Điền. Gia đình họ Nguyễn tiếp tục phát triển và đều có công lao với làng. Làng Tiên Điền có nhiều địa điểm mang tên và sự tích gắn với danh thế và sự tích của dòng họ này. Thí dụ có một mô đất cao đứng xa nhìn trông như một cái ấn vuông. Dân làng đó gọi là cái ấn nổi. Sau đó, còn có một doi đất chạy dài, trông hình như cái bút lông. Cả đám đất ấy được gọi là gò Bút. Người ta tin rằng có thế đất ấy nên làng này mới có người văn chương kiệt xuất, và có người làm đến chức tể tướng! Chẳng biết cái lý thuyết phong thuỷ ấy đúng sai đến mức độ nào nhưng cũng có những cái tên được gọi theo đúng thực tế. Gò Bút là thuộc giáp Tiền, thôn Lương Năng. Chỗ ấy là đường ăn thông ra bến sông Lam. Sông Lam có nhiều tên: Thanh Long hay Long Vĩ cũng đều là Lam Giang cả. Bến sông Long Vĩ trước đây gọi là bến Tả Úc. Khi tể tướng Nguyễn Nghiễm về hưu, kiệu của ông từ Thăng Long về đến bến đò thì dừng lại nghỉ. Với những người phu kiệu, chỗ dừng lại như thế thì gọi là chỗ giang đình. Thế là bến đò mà Nguyễn Nghiễm dừng chân được lấy ngay cái tên bến Giang Đình. Cái tên trở thành chính thức và “Giang Đình cổ độ” được trở thành một cảnh đẹp trong Nghi Xuân bát cảnh (tám cảnh ở Nghi Xuân).

Nhưng thực ra thì làng Tiên Điền đã có lịch sử lâu đời hơn. Các sách như Nghi Xuân địa chí, Nghi Xuân huyện thống chí, đều cho là làng này có thể có từ đời Lý - Trần. Một vài cuộc khai quật ở địa phương đã tìm ra được những đồng tiền niên hiệu Thuận Thiên, và những bát gốm mang hoa văn đời Lý. Một số thôn của Làng Tiên Điền có những tên như Bảo Kệ, Động Giáp, Võ Phấn v.v... đều thờ các Thành hoàng xưa (nay các đình ở thôn đã mất). Tiên Điền cũng thờ vị thần có công khai phá và bảo vệ trị an nhiều làng ớ Xứ Nghệ vào thế kỷ XI. Đó là Lý Nhật Quang, con thứ tám của lý Thái Tổ. Ngôi đền lớn là đền Tam Tòa ở Tả Ao, bên cạnh Tiên Điền, thờ vị thần chung cho cả huyện Nghi Xuân.

Dân làng Tiên Điền hiện nay có nhiều họ. Việc cư trú của các dòng họ phân theo các thôn xóm: Thôn Bảo Kệ phần lớn là các họ Trần, Lê, Hoàng, Thôn Lương Năng đa số có họ Nguyễn, họ Hà. Thôn Văn Trường là nơi hầu hết thuộc dòng họ Đăng, họ Nguyễn v.v...

Làng Tiên Điền đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi. Thời trước là Vô Điền, Tân Điền, Hữu Điền. Thời Lê Trung Hưng trở đi được gọi lá Phú Điền, rồi là Tiên Điền cho đến suốt thời kỳ nhà Nguyễn. Sau 1945, lại trải qua những lúc nhập với các xã bên cạnh (như Uy Viễn) thành xã Tiên Uy. Rồi lại bị đổi để ghép vào hệ thống các xã thuộc huyện Nghi Xuân, thành xã Xuân Tiên. Đến năm 1973, mới lấy lại cái tên Tiên Điền như cũ.

Tiên Điền cũng có khá nhiều những đình, đền, chùa, miếu, nhưng ngày nay đều bị hoang phế. Đình xã Tiên Điền rất nổi tiếng dưới triều đình Cảnh Hưng (thế kỷ XVIII), có bức biểu do vua Lê ban cho, gọi xã này là xã Trung Nghĩa. Đời Tây Sơn, đình bị hư hỏng, đến đời Minh Mệnh mới sửa lại, là nơi cúng Thành Hoàng làng và cũng là nơi hội họp của hội tư văn. Có hai ngôi chùa tiêu biểu: Chùa Chân Trí nghe nói xây từ đòi Trần (làng này có một thôn được đặt tên là thôn Bảo Kệ - có nghĩa là bảo vệ kinh kệ, chắc có liên quan đến sự truyền bá Phật giáo từ thế kỷ XIII). Còn chùa Trường Ninh lúc đầu chỉ là cái nền cho trẻ mục đồng đến cúng tế, sau được dùng làm nơi lập chùa. Chùa được một người con của Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Đề tôn tạo lại dưới thời Nguyễn (1). Ông cũng có công cho trùng tu lại văn miếu của xã. Văn miếu Tiên Điền xây dựng nhờ sức đóng góp của các nhà khoa bảng, hội tư văn và những người hiếu học ở địa phương có ý thức trân trọng truyền thống học tập và văn chương của làng.

Làng Tiên Điền còn có một cái cầu, cũng là một di tích truyền thống. Cầu được gọi là cầu Tiên, có dựng bia (bia nay vẫn còn, ở cạnh cửa vào khu lưu niệm Nguyễn Du). Lời văn bia do Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm viết, có những câu: “Người qua lại bảo rằng chỗ này làm cầu rất khó. Người làng lúc đó vẫn dựng cầu lên. Những người thợ mộc giỏi, có gỗ tốt, một tuần thì cầu đã làm xong. Mọi người ai cũng ghi nhớ. Dám nói rằng đó là một việc có đạo lý, nhân đức” (Dịch theo nguyên văn chứ Hán: Tiên Kiều bi ký)

Tiên Điền là một làng nằm ngay giữa trung tâm huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Phía Tây làng là sông Lam chảy ra Cửa Hội, tả ngạn sông là các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc thuộc đất Nghệ An. Phía Bắc chỉ đi bộ độ 9 cây số nữa là đến làng Hội Thống, làng có Cửa Hội đầu sông Lam. Phía ngoài là Ngư Đảo, (tên gọi khác của Song Ngư) một thắng cảnh của Nghi Xuân (Song Ngư hí thủy: hai con cá giỡn nước). Phía đông Tiên Điền là các làng Tiên Bào, Đan Uyên, Đô Uyên (các làng này nhập lại gọi là Tiên Uyên) giáp ngay với biển Nam Hải. Như vậy Tiên Điền là một làng nông nghiệp, nhưng vẫn thuộc loại làng duyên hải. Bờ biển Nghệ Tĩnh có những dải cát vàng mênh mông do biển cả và sông dài bồi đắp thành từng doi rộng, trập trùng liên tiếp như những vệt lớn song song, xếp hàng chạy theo vệt sóng. Những doi cát dài như thế, hoặc nhờ gió thổi, hoặc được sóng dồn, cứ nhấp nhô cao thấp. Chỗ cao là những cồn, chỗ thấp là những trũng. Làng mạc do dân chài, dân cày xây dựng theo chiều dài bờ biển. Mỗi buổi chiều, đi, đứng ở bất cứ vị trí nào, bên cảnh trời xanh, sóng bạc, ánh tà dương nhuộm thắm một vùng, thì quả thật đều được thấy những “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia” như Nguyễn Du đã mô tả. Và nếu được chứng kiến những con thuyền vượt sóng ra khơi, những bà con dân chài, kẻ đi kheo, người kéo cạy, người câu vó trục, người thả lưới rùng, thì cũng sẽ cảm được nhiều hào hứng để tự thấy mình là một “Nam hải điếu đồ”, như Nguyễn Du từng tự đắc.

Song làng Tiên Điền lại còn thêm một thuận lợi nữa từ vị trí của mình. Đi về phía đông nam, rồi về phía nam, Tiên Điền rất gần với các làng Xuân Viên, Tả Ao rồi tiếp đến vùng Tam Xuân hạ, Tam Xuân Thượng. Các làng ấy đều quây quần chung quanh dãy núi Hồng Lĩnh mênh mông, tiếng địa phương gọi là rú Hống (hay Ngàn Hống). Ngàn Hống nổi tiếng cả nước, kết với sông Rum (tức là sông Lam) thành non nước Hồng Lam nổi danh trong lịch sử. Ngàn Hống gắn bó với rất nhiều huyền thoại, nhiều giai thoại ở địa phương. Huyền thoại thì như câu chuyện ông Đùng là nhân vật truyền kỳ, đã khai sáng nên nghề rèn, đã tạo ra các núi như núi Cơm, núi Mồng Gà, núi Mèo! Giai thoại như câu chuyện rú Lần (tên chữ là Đôn Lân) là nơi mà Bảng nhãn Trần Bảo Tín ngày xưa không chịu phò nhà Mạc về đây mở trường dạy học. Rú Lần được mang cái tên là rú Quan Bảng, nay thuộc làng Khải Mông huyện Nghi Xuân. Sau này, Hồng Lĩnh cũng là một căn cứ để quân Cần Vương dựa vào đó chống lại quân Pháp, là vị trí cho một quân thứ của Phan Đình Phùng, được đặt tên là Nghi Thứ. Ngàn Hống lại rất quen thuộc với dân Nghi Xuân, tất cả các xã phía nam huyện đều dựa vào Ngàn Hống để kiếm kế sinh nhai, trong đó những người làng Tiên Điền là quen thuộc hơn cả. Làng Tiên Điền có phường săn, phường sơn tràng, phường củi. Họ lần theo cả 99 ngọn non Hồng, đi đến đâu thì đặt tên núi đến đó. Những ngọn núi được các nhà nho chuyển thành những cái tên đẹp đẽ như Đôn Lân, Kê Quan, thì họ gọi là rú Lần, rú Mồng Gà. Vượt qua mấy rú ấy, thì đến rú Đồng Trày, rú Vù Vu, rú Cồn  Ngựa, rú Cồn Đụn. Có khi họ không gọi là rú hay núi mà gọi là nhỏn, như nhỏn Đầu Voi. Rú rồi nhỏn, rồi còn có động và truông nữa; động Nỏ, động Dốc, động Bàng, truông Ghép, truông Trộ Đó, v.v... Hết truông, hết rú thì đến các khe: Khe Si, khe Li, Khe Yên v.v... rất đa dạng và thú vị. Nguyễn Du trong những ngày về nghỉ ở Tiên Điền cũng đã tham gia vào các phường săn, vì vậy mà ông mới có cái biệt hiệu là Hồng Sơn liệp hộ (phường săn rú Hống).

Chính nhờ vị trí, nhờ cảnh quan, nhờ các sinh hoạt nghề nghiệp như thế mà Tiên Điền dù là một làng bé nhỏ, nhưng rất giàu vốn liếng văn nghệ dân gian. Không thấy những truyền thuyết cổ tích mang dấu ấn riêng của Tiên Điền, nhưng các truyền thuyết - và cả thần thoại về ông Đùng ở núi Hồng Lĩnh, các truyện về hòn Mắt, hòn Ngư xuất xứ ở phía Bắc, truyện về núi Ngũ Mã, núi Sơn Dương (mãi trong Kỳ Anh, nhưng nhìn ra biển thì lại gần), ở phía Nam, hoặc các giai thoại về Tả Ao, về đức Thanh Tam Tòa, về Cố Ghép, v.v.... thì lại rất quen thuộc với mọi tầng lớp nhân dân. Phổ biến hơn cả là những truyện chung quanh gia đình Nguyễn Nghiễm và giai thoại truyện Kiều. Về ca dao, dân ca thì thật sự là phong phú. Đặc biệt là loại hát ví. Các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh ở Hà Tĩnh đều thịnh hành hát ví, mà ở Tiên Điền có đậm đà hơn là các loại:

Hát ví phường Nón, ví phường Củi, phường Sơn Tràng

Như ta đã nói qua ở những dòng trên, tại Tiên Điền nghề đi săn, đi củi, nghề làm nón rất thịnh hành. Hát ví dùng để phục vụ riêng cho những người chuyên về các nghề ấy. Dân ca ở mọi nơi đều là nguồn cảm hứng của văn nghệ sĩ (xưa cùng như nay), nhưng có lẽ chỉ hát ví phường Nón ở Tiên Điền là được hân hạnh tiếp nhận sáng tác của một thi hào. Hát phường Vải được một bài của Nguyễn Huy Quýnh (20 câu) và nhiều câu nghe truyền là của Đinh Nhật Thận, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu. Một số bài ca Huế nghe nói là của Mai Am hay của Tự Đức (còn phải xác minh), nhưng riêng hát phường Nón thì được Nguyễn Du dành cho đến 34 câu đằm thắm. Có những câu rất thắm thiết, rất bao la nỗi niềm tâm sự:

 

Hồng Sơn cao nhất mấy trùng,

Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.

 

Với những màu sắc địa phương rất rõ, rất đúng nghề nghiệp và ngôn ngữ của phường Nón:

Quê nhà nắng sớm mưa mai,

Đã buồn giở đến lịp tơi càng buồn.

Thờ ơ bó vọt, đống sườn,

Đã nhàm bẹ móc, lại hờn nắm dang.

Rồi có cả những nổi lòng dào dạt:

Thẫn thờ gối chiếc màn suông

Rối lòng như sợi ai guồng cho xong

 

l. Hát ví đò đưa

Hát vì đò đưa cũng là chung cho cả xứ Nghệ, ở hai bờ sông  Lam, nhưng Tiên Điền có phần quen thuộc hơn, vì ở đây có bến Giang Đình. Đò ngược sông Lam, sông La lên Phù Long, Xuân Liễu, Thượng, Hạ, Choi, Vôi đều phải xuất phát từ bến Giang Đình. Và đó là sự khởi đầu cho những cuộc tranh đua - cả về tâm tình và về chữ nghĩa. Các anh các chị trên các thuyền tự ý chia ra làm thuyền nam thuyền nữ, đối đáp với nhau. Từ hoàng hôn cho đến suốt đêm trăng sáng, câu này cất lên thì có câu khác đáp lại. Gió đông từ biển khơi vào như giúp cho giọng hò lan rộng trong không gian. Giọng hò lúc cất lên như cao hơn tầm bay bổng của cánh cò trên đồng lúa, vút hẳn lên đỉnh non Hồng Lĩnh, chơi vơi theo những làn mây. Giọng hò lúc buông trầm xuống thì man mác thiết tha, thủ thỉ như hơi gió xao động mặt nước của dòng sông lấp lánh. Tiếng hò nghe như một lời nhắn nhủ, một khao khát đợi chờ. Chữ nghĩa đôi khi có thể nặng nề (theo thổ âm địa phương) nhưng vẫn thấy quen thân, vừa bâng khuâng, vừa dào dạt mối tình với non sông Tổ quốc:

 

Ớ! Ơ...Biển doành Ngư dạt dào sóng vỗ,

Đỉnh rú Hồng rờ rỡ trăng treo.

Mênh mông một nước, một chèo,

Non sông gánh nặng vẫn đeo bên mình...

 

l. Hát dặm

Là loại dân ca riêng của Nghệ Tĩnh. Ta đã biết gần như làng nào ở xứ Nghệ cũng có bài hát dặm phổ biến theo đề tài tình duyên, thương nhớ hoặc những bài có ý nghĩa giáo dục (như bài Phụ tử tình thâm), các làng trong nhiều huyện thường có những bài hát dặm tự sự: Kể chuyện cường hào bóc lột, kể chuyện tang ma, chuyện kiện tụng, v.v... Phổ biến hơn nữa là các bài hát dặm tuyên truyền cách mạng, nhất là trong thời kỳ duy tân thời Xô Viết, Nghệ Tĩnh. Ở Tiên Điền cũng lưu truyền các bài hát dặm ấy, và còn có cả những bài hát dặm ca ngợi riêng về cảnh trí, về phong vật làng Tiên Điền, mà đây là một đoạn trích:

 

Tiên Điền phong cảnh thật vui

Địa linh, nhân kiệt chẳng nơi nào bằng

Có văn võ rõ ràng

Có Đồng, Tiền, Bảo Kệ

Cảnh thú tiên nhất thế

Nhân dục hữu đồng cừu

Ngày nào cũng dập dìu

Thuở này qua thuở nọ

Đời này qua đời nọ

Chênh vênh đường vị ngọ

Có lưỡng long tranh châu

Đứng ngó lại về sau

Có quy trình hạc lập

Trông ra ngoài bờ đập

Thấy phượng vũ loan quỳ

Đất lỗ mộ đại kỳ

Đất rạng vẻ triều quy

Tới hồ sen mới chỉ

Đất mấy đời tiến sĩ

Đi thi đỗ đồng khoa

Có võng lọng ban ra

Có áo mão thẻ ngà

Có kim tiền hốt bạc

Có đai vàng hốt bạc

Quan làm nên Đông Các

Có Cần chánh Văn minh

Có nhất phẩm triều đình

Lưỡng triều danh tể tướng

Đất Tiên Điền thịnh vượng

Tiền Điền này còn vượng

Quan kế thế mấy đời

Ra biển rộng sông khơi

Kể làm sao hết được

Nói bao giờ hết được...

 

 
   
Ở Tiên Điền cũng rất thịnh hành loại hò, vè. Hò là hò ví phường Cấy, phường Săn, phường Củi, hò bầy trâu, hò đò đưa, v.v.... Vè là các bài tự sự về một hiện tượng phong tục nào đó đã xảy ra ở trong làng.... Tiên Điền cũng ở gần làng Cổ Đạm, một làng có truyền thống về hát ca trù, nên thể loại này cũng rất quen thuộc ở đây. Hát ca trù còn được gọi là hát ả đào. Tiên Điền cũng có một danh sĩ (đồng thời là một ông quan) là Nguyễn Khản, anh ruột Nguyễn Du, rất giỏi về nghệ thuật này, lại có khiếu thẩm mỹ, biết khai thác các bộ môn nghệ thuật. Ông được chúa Trịnh Sâm trân trọng, giao tình mật thiết. Nhưng tác phẩm của ông đã thất lạc nhiều.

Làng quê này cũng rất thành thạo những hình thức diễn xướng. Người dân am hiểu tuồng chèo, và quen với những sinh hoạt phục vụ diễn xướng trong các đám chay, đám hội. Làng có một phường, thường gọi là đoàn phường tướng. Cả huyện Nghi Xuân khi có những đám ma muốn mời phường tướng về thì phải lên cầu các nghệ nhân ở Tiên Điền. Họ đóng những vai tướng: nhị vị thần môn, Chung Quỳ tróc quỷ, hoặc vai Đại Thánh, vai Thổ Địa, v.v.. rất rôm rả trong các ngày đám ấy.

 Có những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, có thể nói là riêng ở Tiên Điền, hoặc ít nhất cũng thịnh hành ở đấy hơn cả, đó là hình thức diễn xướng, được gọi là Trò Kiều. Trò Kiều cũng gọi là Chèo Kiều là một dạng chèo biến dạng, Nội dung bám sát vào truyện Kiều của Nguyễn Du, thu toàn bộ vào một vở bốn màn. Cách sắp xếp có bị pha tạp cả chèo lẫn tuồng, và đặc biệt là kết hợp tính thời đại, tính cải lương rất rõ. Thí dụ cho Kim Trọng mặc áo lương, đi giày hạ, cho Hoạn Thư nói tiếng Huế (vì con Quan Lại bộ thì phải ở Huế), v.v... Lại có những nhân vật không có trong tác phẩm của Nguyễn Du, mà lại rất  hợp với nông thôn của dân gian Việt Nam. Thí dụ ở màn Kiều bán mình, cho xuất hiện anh Mõ, ra nói những câu thông cảm với nỗi khổ của Kiều:

Tôi làm mõ tám đời,

Làng đặt cho tôi là thằng Mõ

Trình quan viên hành xứ

Có nàng thục nữ

Tên chữ Thúy Kiều

Nết na phẳng lặng

Cái da cũng trắng

Cái cẳng cũng cao

Trông lên má đào

Coi chừng cũng khá

Vì cha mắc vạ

Tiếng cả nhà không

Thương cha lâm cùng

Đem thân đi bán v.v...

Người dân Tiên Điền khẳng định rằng người đặt ra Trò Kiều là Nguyễn Ngũ. Ông là cháu của Nguyễn Du. Ông sành về tuồng chèo nên đã ra công chuyển hóa tác phẩm của ông mình thành tích của sân khấu.

Nói đến Tiên Điền là phải nói đến truyền thống văn học. Làng Tiên Điền có tên tuổi, có danh tiếng vì đó là quê hương của những văn hào nổi tiếng trong lịch sử văn học ta, tất cả những vị đó đều rất gắn bó với quê hương xứ sở của mình; với Tiên Điền, với Hồng Lam như Nguyễn Du chẳng hạn. Ông rất tự hào với làng mình, quê mình. Từ lúc còn thanh niên, Nguyễn Du đã rất đắc ý với Hồng Lam. “Lam thủy, Hồng Sơn túc vị ngâm” là câu thơ chữ Hán ông viết cho một người bạn để nói lên lòng tự hào ấy:

 

Hồng Lam cảnh đẹp khôn lường

Tùy anh gom góp làm chương vịnh đời

                                                                     (Phạm Khắc Khoan dịch)

 

Lòng quyến luyến quê hương của Nguyễn Du thật là tha thiết, sâu sắc. Hễ phải đi xa quê một chặng là ông nhớ non Hồng. Mấy chữ Hồng Sơn. Hồng Lĩnh luôn luôn trở đi trở lại trong thơ ông. Vào Quảng Bình, vào Phú Xuân, ông vẫn: “Vọng ngoại Hồng Sơn tam bách lý” (nhìn ra núi Hồng ba trăm dặm). Ra Bắc, đến Thăng Long hay đến Lạng Sơn ông cũng cứ nghĩ  đến “Hồng Lĩnh thân bằng” (gia đình và bè bạn ở núi Hồng). Rồi đi sang Trung Quốc, được thăm bao nhiêu cảnh vật kỳ quan lạ mắt, lạ tai, ông vẫn cứ mộng về Hồng Lĩnh: “Hồng Lĩnh cách niên dư túc mộng” (qua tháng năm, mộng hồn ta vẫn về Hồng Lĩnh). Non Hồng với ông sâu sắc quá, đằm thắm quá. Có lúc ông như muốn tách hồn mình về với Tiên Điền. Ông đã kêu lên thành tiếng “Hồn hề! quy lai, bi cố hương” (Hồn ơi! Về đi! Thương  quê hương)

Chắc ai cũng nghĩ rằng, chính ở đất Tiên Điền này, nhiều đêm ngày Nguyễn Du đã dành công sức để viết nên tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, tức là Truyện Kiều, một tác phẩm văn Nôm không tiền khoáng hậu ở nước ta (1). Truyện Kiều được phổ biến các nơi, được nhiều địa phương sử dụng, tổ chức nên những cuộc bàn bạc, vịnh thơ, kể chuyện. Ở quê hương Tiên Điền, cũng thấy rõ sự phổ biến này. Những thế hệ bình dân về sau, nhiều người không còn biết đến Nguyễn Du, chỉ coi ông là quan Hầu hoặc quan Đông Các (chỉ ở Tiên Điền mới có cách gọi này). Nhiều giai thoại Truyện Kiều được ra đời từ đây, đặc biệt là ở Tiên Điền đã lưu hành sớm nhất một cảnh diễn xướng, được gọi là Trò Kiều như ta đã nói. Cũng ở Tiên Điền mới xuất hiện một hiện tượng cụ thể không thấy ghi chép trong lịch sử văn học nước ta, và cả nước ngoài: Truyện Kiều được đem ra làm tài liệu, làm căn cứ để tu chỉnh, để nhuận sắc cho một tác phẩm văn học khác. Câu chuyện như sau:

Từ cuối thế kỷ 18, ông Nguyễn Khản, anh ruột của Nguyễn Du, có một người con rể là Nguyễn Huy Tự, cũng là một khách tài hoa. Nguyễn Huy Tự không đỗ Tiến sĩ nhưng được vào loại tiến triều (Xem ngang như tiến sĩ) vốn quê ở Trường Lưu (Can Lộc) trong gia đình Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Nguyễn Huy Tự rất giỏi về văn Nôm đã sáng tác tập Truyện Hoa Tiên, là tập truyện thơ Nôm sớm nhất ở miền Bắc nước ta (sau các tập Song tinh bất dạ và Hoa Vân cáo thị ở miền Nam). Một người cháu là Nguyễn Thiện (gọi Nguyễn Du bằng chú, là em vợ đường thúc bá của Nguyễn Huy Tự) đã có sáng kiến là dựa theo nghệ thuật của Truyện Kiều để nhuận sắc lại truyện Hoa Tiên. Việc làm này đã đưa đến thành công, nên ngày nay chúng ta có hai bản: Hoa Tiên nguyên bản của Nguyễn Huy Tự, và Hoa Tiên nhuận sắc của Nguyễn Thiện, mỗi bản đều có giá trị riêng, được lịch sử văn học trân trọng. Việc nhuận sắc Hoa Tiên đã diễn ra trên đất Tiên Điền, sinh quán của Nguyễn Thiện (vì Nguyễn Thiện chỉ ở nhà vui thú với ruộng đồng với văn chương, chứ không đi đâu cả). Từ một làng quê nhỏ bé mà ra đời hai tác phẩm truyện Nôm đều có danh tiếng như vậy, Tiên Điền có niềm vinh dự là điều không có gì đáng ngạc nhiên cả.

Nhưng Nguyễn Du không phải chỉ có tác phẩm Truyện Kiều. Ông còn là tác giả của bài Văn tế thập loại chúng sinh, được gọi một cách phổ biến là Văn Chiêu hồn.  Văn chiêu hồn cũng có trình độ nghệ thuật cao, đã dựng nên được một cảnh tượng đặc sắc trong cõi đời thực và trong cõi đời vô hình của thập loại chúng sinh đau khổ, rất đậm đà không khí thành kính. Sau này tất cả các đám hội, đám cúng cô hồn ở các làng hay các lễ phóng sinh giải oan ở các nhà chùa người ta đều sử dụng bài Chiêu hồn này của Nguyễn Du. Chưa có tài liệu chứng minh theo cứ liệu điều tra sử học, nhưng chắc chắn là bài văn phải được sử dụng sớm nhất ở xứ Nghệ và ở làng Tiên Điền vì nó là nơi xuất phát của bài văn.

Ngoài ra, Nguyễn Du cũng đã viết thêm một số bài gắn bó với xứ Nghệ, nhất là với làng Trường Lưu, huyện Can Lộc. Bài có phong cách dân gian là bài Thác lời trai phường nón Tiên Điền. Bài theo lối cổ văn biền ngẫu, vẫn bằng văn Nôm, là bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ.

Không phải chỉ có Nguyễn Du làm nên vinh dự cho Tiên Điền (và cho cả Việt Nam) bằng các tác phẩm Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, cùng các thơ văn chữ Hán khác của ông (Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm, v.v...) một gia đình một dòng họ khoa bảng, quan lại, và trên hết là văn học, đã có đóng góp không nhỏ. Ở Hà Tĩnh có câu ca dao:

 

Bao giờ Ngàn Hống hết cây

Sông Rum hết nước, họ này hết quan

 

Là chỉ vào dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Kể từ đời Trạng nguyên Nguyễn Thiến, suốt hàng trăm năm, họ này đời nào cũng có người thi đỗ làm quan: Hai con trai của ông Thiến là Nguyễn Quyện (một danh tướng vô địch) và Nguyễn Miện đều được phong tước công. Con ông Miện là Nguyễn Nhiệm được dân tôn là Nam Dương Công. Ông Nguyễn Quỳnh giỏi cả văn cả võ, khi mất được truy tặng là Thượng thư Lĩnh Nam Công. Mấy người con của ông Quỳnh đều thành đạt:

- Con trưởng là Nguyễn Huệ, đỗ tiến sĩ làm Đề lĩnh huyện La Sơn.

- Con thứ là Nguyễn Nghiễm làm Tể tướng, đỗ Hoàng Giáp

- Con thứ ba là Nguyễn Trọng, làm Thừa chính sứ ở Lạng Sơn.

- Đền đời Nguyễn Nghiễm thì có các con:

- Nguyễn Khản đỗ tiến sĩ, làm quan trong triều Lê-Trịnh

- Nguyễn Nễ làm quan đời Lê, rồi giúp Quang Trung, có đi sứ, sau làm quan cho nhà Nguyễn.

- Nguyễn Điều làm chức Tổng binh

- Nguyễn Du làm quan đến Đông Các, ở điện Cần Chánh, là tác giả Truyện Kiều

- Nguyễn Du làm quan đến Đông Các, ở điện Cần Chánh, là tác giả Truyện Kiều

Về mặt văn chương, họ Nguyễn ở Tiên Điền thật là xuất sắc. Cả nước hồi đầu thế kỷ 19 có 5 người được gọi là An Nam ngũ tuyệt, thì họ Nguyễn Tiên Điền đã có hai người: Nguyễn Du và Nguyễn Hành. Còn về văn phẩm, có thể nói không ai là không có đóng góp. Những trước tác có rất nhiều chưa sưu tầm được đủ và cũng nhiều cuốn bị thất lạc có một số cuốn nay mới được biết:

Nguyễn Nhiệm:

                   Nam dương tập yếu kinh nguyên

Nguyễn Quỳnh:

                   Đại hiếu chân kinh

                   Dịch kinh quyết nghị

Nguyễn Nghiễm:

Khổng Tử mộng Chủ công phú (văn Nôm)

Quân trung liên vịnh

Xuân đình tạp vịnh

Lạng Sơn Đoàn thành đồ (Cuốn sách địa chí sớm nhất viết về Lạng Sơn)

                              Việt Sử bị lãm (Cuốn sách này chứng tỏ Nguyễn Nghiễm cũng có tài về sử học. Nhiều ý kiến của Việt sử bị lãmsau nay được công nhận là xác đáng).

Nguyễn Khản: Chinh phụ ngâm (dịch). Nhiều người công nhận Nguyễn Khản là một dịch giả Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, đồng thời với Phan Huy Ích, Đoàn Thị Điểm. Trong một cuốn sách “bị khảo” công phu, Hoàng  Xuân Hãn có giới thiệu một bản dịch mà ông cho là của Nguyễn Khản.

Nguyễn Nễ:

                  Quế Hiên thi tập

                   Hoa trình tiền hậu tập

Nguyễn Du:

Thanh Hiên tiền hậu tập

Nam Trung tạp ngâm

Bắc hành tạp lục

Đoạn trường tân thanh (Tức Truyện Kiều)

Văn tế thập loại chúng sinh (Văn Chiêu hồn)

Văn tế Trường Lưu nhị nữ...

Nguyễn Nghi:

Châu Trần di cảo

Nguyễn Thiện:

Truyện Hoa Tiên (Nhuận sắc lại bản của Nguyễn Huy Tự)            Đông Phủ thi tập

Nguyễn Hành:

Quan Hải tập

Minh quyên thi tập

Nguyễn Trọng:

Nghe nói là tác giả một bản Gia huấn ca

Nguyễn Ngũ:

Tương truyền là soạn giả Trò Kiều

Họ Nguyễn Tiên Điền là thông gia với họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (Can Lộc, Hà Tĩnh). Con trai Thám hoa Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Tự, là con rể của Nguyễn Khản. Nguyễn Du lại chơi thân với các ông Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Phó. Con trai Nguyễn Huy Tự là Nguyễn Huy Hổ lại là tác giả khúc thơ Nôm: Mai Đình mộng ký, v.v... Cả hai họ đã viết nên những trang đẹp cho lịch sử văn học Việt Nam.

Phải nói thêm rằng đối với đời sống văn hóa của làng Tiên Điền, dòng họ Nguyễn này còn có những đóng góp khác nữa. Vị tổ đầu tiên của dòng họ. Nguyễn Nhiệm là một vị danh y. Ông Nguyễn Trọng, chú của Nguyễn Du cũng là một lương y sống cùng thời với Lê Hữu Trác. Một người cháu gái của Nguyễn Du là bà Nguyễn Thị Tuyên cũng nổi tiếng. Gia phả chép rằng: “Bà giỏi thuốc, được vua Gia Long tuyển vào cung, sau về ở quê mẹ tại Yên Phong, Bắc Ninh, mất năm 49 tuổi”.

Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) còn nổi tiếng về một loại quả quý ở trên quê hương Tiên Điền. Hồng Tiên Điền là loại hồng được chọn để tiến vua. Người tạo ra giống hồng này lại là anh ruột của Nguyễn Du: ông Nguyễn Nễ. Truyện kể rằng, khi đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Nễ đã sưu tầm được loại hồng  này, lấy giống đưa về trồng ở làng mình để trở nên một vật phẩm quý.

Cũng không phải chỉ ở dòng họ Nguyễn này mới có riêng những thành tựu về văn học. Ở Tiên Điền còn có những dòng họ khác, cũng có người nổi tiếng về văn chương tuy không được xếp vào hàng “ngũ  tuyệt” nhưng cũng rất xuất sắc. Chẳng hạn như họ Trần có ông Trần Bá Trí (đỗ Hương cống năm 1726) là con rể của Nguyễn Quỳnh, lấy em gái của Nguyễn Nghiễm. Ông Trần Duy Tự cũng đỗ giải nguyên năm 1773, là cháu gọi Nguyễn Nghiễm bằng cậu. Ông Tự cũng giỏi thơ Nôm. Giới nghiên cứu văn học gần đầy đang phải tìm tòi để xác minh về một bài thơ song thất lục bát có tên đề là Tiều phu khổ khiếu ca (bài ca kêu khổ của người đi củi).

- Ông Trần Ngọc Anh cho đây là một tác phẩm của Nguyễn Du mới được phát hiện.

- Ông Thái Kim Đỉnh lại khẳng định: Tiều phu khổ  khiếu ca là tác phẩm của Trần Duy Tự.

Tại Tiền Điền, gia phả họ Trần còn ghi chép được khá nhiều tài liệu chứng minh là dòng họ này cũng có truyền thống về văn chương.

Trong suốt thế kỷ 20 cho đến nay, làng Tiên Điền vẫn cố gắng giữ gìn truyền thống của mình, mặc dầu đã trải qua rất nhiều biến cố, làm ảnh hưởng đến nhiều di tích, nhiều nền nếp. Đầu thế kỷ, Tiên Điền có cụ Nghè Nguyễn Mai (dòng trực hệ của Nguyễn Du) đỗ tiến sĩ đồng khoa với Huỳnh Thúc Kháng. Nhân dân trong xã hào hứng tham gia các phong trào Cần Vương: ông Hà Văn Mỹ đã cùng ông Ngô Quảng, phụ trách Nghi thứ (một quân thứ của Phan Đình Phùng). Đầu Cách mạng tháng Tám, nhân dân Tiên Điền có vinh dự là đội tiên phong cướp chính quyền ở huyện đêm 19-8-1945. Ông Hà Văn Viễn (đã mất), quê Tiên Điền là ủy viên quân sự trong ủy ban khởi nghĩa huyện. Tiếp đó, Trường Trung học Nghi Xuân ra đời là trường trung học cấp huyện sớm nhất ở Việt Nam. Sau này đổi tên thành trường Nguyễn Du, luôn luôn đóng trên đất Tiên Điền. Trường do nhà giáo Ngụy Cao Hiền (cháu nội Thám hoa Ngụy Khắc Đản) làm hiệu trưởng. Đây cũng là trường có chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam sớm nhất ở Hà Tĩnh. Giáo sư Hà Văn Tấn, nhà khảo cổ học xuất sắc của nước ta ngày nay là người học sinh đầu tiên của lớp đầu cấp ở trường này. Chính ông đã kể lại nhiều mẩu chuyện giáo dục thú vị trong đời học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở đất Tiên Điền (1). Và Tiên Điền nay đã trở thành một khu di tích đặc biệt. Các hạng mục của khu lưu niệm Nguyễn Du đang từng bước được bảo tồn, khôi phục và phát huy tốt giá trị, các địa danh như cầu Tiên Kiều, bến Giang Đình... cũng đang được tô điểm lại, hàng năm đã đón hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan nghiên cứu và học tập. Hy vọng rằng trong thời gian không xa dự án khu du lịch văn hóa làng Tiên Điền sẽ được triển khai xây dựng để xứng đáng với quê hương của nhà thơ và với lịch sử văn hóa của đất nước./.

Nguồn: nghixuan.gov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC