Cụ Nguyễn Du từng sinh sống ở vườn An Hiên (Thừa Thiên - Huế)?
HNTĐ
Đại thi hào Nguyễn Du có một thời gian sống và làm việc ở Huế. Nơi đây cũng là nơi ông trút hơi thở cuối cùng và được các bạn đồng liêu an táng, trước khi được con cháu cải táng về xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Tượng Đại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)
Nhiều nghi vấn đã được đặt ra về nơi tạm trú ở Huế của Nguyễn Du trong khoảng thời gian 1805 - 1820, trong đó nhiều nhà nghiên cứu nghiêng về nhà vườn An Hiên (nay ở số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP Huế).
Năm 1802, sau khi lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, Nguyễn Ánh đã mời Nguyễn Du về làm quan với chức tri huyện Phù Dung (Hưng Yên) rồi chuyển làm tri phủ Thường Tín (Hà Tây). Được hai năm, Nguyễn Du cáo bệnh, từ chức về quê sống ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Đến đầu năm 1805, nhà vua lại có chỉ mời ông vào kinh đô Huế làm chức Đông các điện học sĩ. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Du được triều đình bố trí ở tại một ngôi nhà công.
Trong bài thơ bằng chữ Hán Ngẫu hứng công quán bích (Thơ ngẫu hứng đề trên vách nhà công) nằm trong tập "Nam Trung tạp ngâm", Nguyễn Du có đề cập đến nơi ở này, với quang cảnh xung quanh còn hoang sơ:
Bế môn tạ tri giao
Khai song kiến kinh kỉ
Song ngoại kinh kỉ mạn thả trường
(Đóng cửa tạ người quen
Gai góc mọc ngoài song
Bên ngoài gai góc bám đầy đường)
Và từ ngôi nhà công ấy, Nguyễn Du có thể nhìn thấy núi Ngự Bình:
Xương hạp môn tiền xuân sắc lan
Cách giang diêu đối Ngự Bình san
(Cửa chính cung vua xuân sắp tàn
Ngự Bình bến nước đứng nhìn sang)
Trong bài thơ Ngẫu Đề, Nguyễn Du tiếp tục nhắc đến nơi ông đang tạm trú nằm ở góc đông hoàng thành:
Thập khẩu đề cơ Hoàng Lĩnh bắc
Nhất thân ngọa bệnh Đế Thành đông
(Phía bắc Hoành Sơn, mười miệng kêu đói
Góc đông thành vua, một thân nằm bệnh)
Và đặc biệt, ngôi nhà ấy phải nằm ở một vùng quê mới:
Đinh đông châm xứ thiên gia nguyệt
Tiêu tác ba tiêu nhất viện phong
(Dưới bóng trăng của nghìn nhà, tiếng chày dập vải nghe rộn rã
Một viện gió thổi, tàu chuối khua xào xạc tiêu điều)
Năm 1813, Nguyễn Du được thăng Cần Chính điện học sĩ và cử làm chánh sứ đi Trung Quốc. Cuối năm 1814, trở về Phú Xuân, nhà thơ được vua Gia Long đặc cách phong hữu tham tri Bộ Lễ. Năm 1820, vu Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du lại được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc nhưng chưa kịp lên đường thì mất đột ngột ở kinh đô Huế vào mồng 10 tháng 8 năm Canh Thìn (tức 16/9/1820). Nguyễn Du được an táng tại nghĩa trang xã An Ninh (tức làng An Ninh Thượng và An Ninh Hạ, thuộc phường Hương Long, TP Huế bây giờ). Bốn năm sau (năm 1824), con cháu mới cải táng về xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.
Cây hồng tiến trồng trong nhà vườn An Hiên, giống hồng này được Nguyễn Du mang về từ Trung Quốc trong một lần đi sứ
Tin tức thêm, trong những lần đi sứ, Nguyễn Du có mang từ Trung Quốc về một cây hồng tiến trồng ở làng Tiên Điền. Loại hồng này có vị ngọt thanh, không có hạt và là một vật phẩm tiến vua. Sau này, cụ Nghè Mai (chắt nội của Nguyễn Du) mang giống hồng tiến này từ Tiên Điền vào tặng ông tuần phủ Nguyễn Đình Chi trồng ở nhà vườn An Hiên.
Từ những cứ liệu trong những bài thơ của Nguyễn Du, cũng như chứng tích cây hồng tiến trong vườn An Hiên được cụ Nghè Mai tặng chủ nhân vườn và nơi an táng của Nguyễn Du, nhà thơ Mai Văn Hoan, quê ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình), một người nhiều năm nghiên cứu về dấu tích của Nguyễn Du trên đất Cố đô, phỏng đoán: Ngôi nhà mà Nguyễn Du từng ở giai đoạn 1815 - 1820 là ngôi nhà trong vườn An Hiên. Bởi, theo nhà thơ Mai Văn Hoan, ngoài quan hệ tình cảm với chủ nhân vườn An Hiên, chắc cụ Nghè Mai còn muốn ghi lại dấu ấn những tháng năm Nguyễn Du sống trên mảnh đất này nên mới tặng cây hồng tiến cho chủ nhân vườn An Hiên. Và nghĩa trang xã An Ninh, nơi an táng Nguyễn Du cũng cách không xa vườn An Hiên, đó cũng là cơ sở để phỏng đoán vị trí ngôi nhà mà Đại thi hào từng sống trong những năm tháng cuối đời.
Nguyễn Du mất đến nay đã hơn hai thế kỷ. Những nơi mà ông từng sống giờ đã bị thời gian xóa nhòa. Vì thế, việc đi tìm dấu tích của người hai trăm năm trước thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Chính những tìm tòi và suy luận như của nhà thơ Mai Văn Hoan là một kênh thông tin tham khảo cho những nhà nghiên cứu xác định được khu vực và định vị được những dấu tích chính xác.
Theo Lê Kông /doisongphapluat.com
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Tiếng Việt trong Truyện Kiều - Lung linh hương âm Xứ Nghệ
“Lời quê chắp nhặt dông dài; Mua vui cũng được một vài trống canh.” (Trích “Truyện Kiều”) Cho đến nay, hơn hai thế kỷ đã đi qua, Truyện Kiều vẫn là “thiên thu tuyệt diệu từ” trong kho tàng văn chương Việt Nam. Đứa con tinh thần của Đại thi hào Nguyễn Du đã làm vinh dự cho... -
Một số từ địa phương Nghệ Tĩnh trong truyện Kiều
Nhà văn Nga M.Gorki từng nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Văn chương là loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng, phản ánh đời sống. Tài năng và sức sáng tạo của một nhà văn thể hiện ở trình độ sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt những nội dung tư... -
70 kỷ lục mới phát hiện trong Truyện Kiều
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820) qua hàng trăm năm được đón nhận như một kiệt tác của dân tộc. Đã có nhiều hình thức văn hóa, văn học Kiều sâu rộng như tập Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, viết tiếp Truyện Kiều, Truyện Kiều đọc ngược, giai...