Truyện Kiều - Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du (Kỳ 4)
HNTĐ
4. Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều
Tìm hiểu thời gian nghệ thuật là một trong những vấn đề hiện đại của nghiên cứu văn học. Phạm trù mỹ học này ở ta tuy chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng xét ra không phải là xa lạ vì nó toát ra từ các nguyên lý cơ bản của mỹ học xem văn học là một thế giới nghệ thuật đặc thù, không đồng nhất với thế giới thực tại(1).
Là phương thức tồn tại của thế giới vật chất, thời gian cũng như không gian, đi vào nghệ thuật cùng với cuộc sống được phản ánh như là một yếu tố của nó. Là một yếu tố đặc trưng thuộc phương thức tồn tại của thế giới, thời gian nghệ thuật vừa là phương diện của đề tài, vừa là một trong những nguyên tắc cơ bản để tổ chức tác phẩm.
Tìm hiểu phương diện này trước hết chúng tôi muốn lưu ý tới một số đặc điểm quan trọng trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Du, sau đó là ý nghĩa của chúng đối với tác phẩm Truyện Kiều.
Thời gian nghệ thuật là một tập hợp của nhiều thời gian cá biệt, chủ yếu là thời gian trần thuật và thời gian câu chuyện tạo nên. Các thời gian này tác động vào nhau, liên kết nhau, lược bỏ các thời đoạn không cần thiết, tạo thành cái nhịp độ chung của tự sự và vận động của đời sống trong truyện. Đến với thời gian cuộc đời, Nguyễn Du không thể bỏ qua được thời gian định mệnh là cái có vai trò chi phối hầu như tuyệt đối trong thế giới quan đương thời.
Trong các truyện Nôm Việt Nam có lẽ chỉ Truyện Kiều là thể hiện rõ nhất cho tư tưởng định mệnh. Nguyễn Du không chỉ phát biểu trực tiếp mà còn sử dụng cả một hệ thống hình tượng nghệ thuật để thể hiện tư tưởng này. Tuy nhiên xét kỹ, chức năng hầu như duy nhất của hệ thống này là dự báo một thời gian định mệnh, phác ra cái khuynh hướng và các sự biến tất yếu sẽ xảy ra cho nhân vật. Một đời bạc mệnh của Thuý Kiều đã được người tướng sĩ (thầy tướng) đoán ra từ năm nàng hãy còn thơ ngây và cái kết cục Tiền Đường của nàng thì Đạm Tiên, Tam Hợp, Giác Duyên đều đã biết chắc từ mười năm, năm năm trước. Đặc điểm của thời gian định mệnh là tất cả mọi sự kiện, chuyển biến kết cục của đời người đều đã được định sẵn từ trước như một tất yếu khắc nghiệt, không thể thay đổi. Ở đây không có vận động, đổi thay. Thời gian định mệnh thực chất là một trật tự không gian siêu hình. Cũng như các nhân vật dự báo định mệnh trong truyện thực ra chỉ chiếm một vị trí không gian bên lề cuộc sống, giữa thực tại và hư vô ("phương xa", "cõi ngoài", trong mộng…), thời gian định mệnh trong truyện chỉ tồn tại trong quan niệm của các nhân vật chứ không có trong thời gian hành động và sự kiện. Nó tạo ra một tương lai mơ hồ, gợi lên một sự đợi chờ phấp phỏng cho nhân vật, tức làm nảy ra một tương quan với thời gian con người, thời gian cá nhân của nhân vật. Các dự báo (dự thuật, tức phục bút) này tạo ra cảm giác đợi chờ cho nhân vật và người đọc.
Các hình tượng về lực lượng siêu hình trong Truyện Kiều nên lý giải như là một biểu hiện của đời sống nội tâm thần bí của nhân vật. Hêghen phân tích sử thi Iliat, nhận thấy hình tượng các thần, tuy là những cá thể, nhưng lại không có tính độc lập và nghiêm túc đích thực, vì đó chỉ là sức mạnh của nội tâm con người, và nhờ vậy mà con người không mất tính độc lập tự chủ. Trong Truyện Kiều cũng vậy.
Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du là ở chỗ sáng tạo ra trong tác phẩm một thời gian con người, thước đo sự tự thực hiện của con người phù hợp với địa vị xã hội của họ. Ông không nhìn cuộc sống theo con mắt tiên tri dửng dưng, lạnh lùng của Tam Hợp, Đạm Tiên. Ông nhìn nhân vật từ phía nhân vật, từ phía những mục đích, khát vọng, xu hướng hành động của chúng. Và do vậy ông đi vào được với nhịp thời gian của cuộc sống thực tại.
Thời gian của Kiều là do hoạt động có ý thức của Kiều tạo ra trong tương quan với hoàn cảnh. Nàng xác định cho mình một tương lai, một hiện tại và do đó một quá khứ. Thời gian của Kiều là do những kỷ niệm và ước mơ, mong đợi của nàng tạo thành. Nhưng nhịp độ thời gian, sự chuyển hoá các thời, cũng như tính chất của chúng lại phụ thuộc vào các tương quan xã hội.
Hiện tại của Kiều và Kim Trọng là nỗi lòng say mê và hành động theo tiếng gọi của tình yêu mãnh liệt. Với niềm khao khát hạnh phúc vô biên thì thời gian hiện tại này luôn luôn là ngắn ngủi, chật hẹp. Chính vì vậy mà hành động của Kiều và Kim luôn luôn có cái nhịp độ vội vàng, phấp phỏng.
Trong Truyện Kiều hành động nào của Kim Trọng cũng gắn liền với chữ "vội", khi đến với người yêu cũng như khi trở lại vườn Thuý, khi gặp mặt cũng như khi chia ly. Còn cái "Bước chân thoăn thoắt dạo ngay mái tường" hay cái bóng dáng "Cửa ngoài vội rủ rèm the - Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" của Kiều thì từ lâu đã được ghi nhận như một biểu tượng của tinh thần say mê và sự đi ngược lại lễ giáo phong kiến. Ở đây có cái háo hức của tuổi trẻ, có cái thần thái vụng trộm của tình yêu chưa tới lúc công khai, và có cả tinh thần tranh chấp với số mệnh: "Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao!".
Nhưng trong Truyện Kiều không chỉ có Kim Trọng và Thuý Kiều vội, Mã Giám Sinh vội, Tú Bà rất vội, Sở Khanh cũng vội mà Bạc Bà, Bạc Hạnh lại càng vội, cái vội của những kẻ làm điều lừa bịp, dối trá, ích kỷ, lấy thịt đè người. Hoạn Bà, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến qua cái vẻ ngoài đĩnh đạc, đường bệ cũng vội, cái vội của những người muốn trấn áp nhanh chóng kẻ dưới để bảo vệ địa vị, uy quyền của mình. Ông quan xử kiện cho Thúc Ông cũng vội, vội hành hạ Kiều cũng như vội xe duyên cho nàng. Từ Hải vội vàng trong bước ra đi, trong đánh thành chiếm đất, trong báo ân báo oán cho Kiều, cũng vội vàng trong đầu hàng Hồ Tôn Hiến.
Chính tương quan giữa khát vọng và hành động vươn lên cuộc sống hạnh phúc, tự do, trong trắng với các thế lực đen tối, thống trị muốn đè bẹp con người vì lợi ích ích kỷ đã tạo nên cái nhịp điệu thời gian đặc biệt của Truyện Kiều. Trong tương quan với ước mơ và hành động của Kiều, các sự kiện ngang trái ập đến như một cái gì phi lý, ngẫu nhiên, bất ngờ, ngoài ý muốn. Nó làm cho thời gian sự kiện trong Truyện Kiều có cái nhịp gấp khúc, chồng chéo, sự kiện này chưa xong, sự kiện kia đã tới, gối đầu lên nhau, chồng chất, xô đẩy nhau, khi tai hoạ cũng như khi hạnh phúc:
- "Một lời nói chửa kịp thưa
Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay"
- "Dùng dằng nửa ở nửa về
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần"
- "Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên
Nhắp đi, thoắt thấy ứng liền chiêm bao"
- "Dùng dằng chưa nỡ rời tay
Vầng đông trông đã đứng ngay nóc nhà"
- "Hàn huyên chưa kịp giãi dề
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao"
- "Giậu thu vừa nẩy giò sương,
Gối yên đã thấy xuân đường tới nơi"
- "Nửa năm hơi tiếng vừa quen
Cây ngô cành bích đã chen lá vàng"
- "Những là đo đắn ngược xuôi,
Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường"
- "Vài tuần chưa cạn chén khuyên
Mái ngoài nghỉ đã giục liền ruổi xe"
- "Kiều còn ngơ ngẩn biết gì
Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay"
- "Còn đang dùng dắng ngẩn ngơ
Mái ngoài đã thấy bóng cờ tiếng la"
Còn có thể dẫn ra nhiều câu tương tự như vậy. Đó là dạng tiêu biểu của thời gian sự kiện Truyện Kiều: một hành động vừa xong, hành động khác ập tới; một hành động chưa xong, hành động khác ập tới; nhân vật chưa kịp hiểu gì, hành động khác đã ập tới. Một số nhà nghiên cứu tâm đắc với chữ "thoắt" trong câu "Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương". Nhưng đấy chỉ là một biểu hiện cá biệt của thời gian gấp khúc trong truyện.
Thời gian gấp khúc này một mặt phản ánh tính chất dang dở, không trọn vẹn, oan trái của tiến trình đời sống nói chung và của Kiều nói riêng, mặt khác lại tô đậm tính chất vô lý, tàn nhẫn, phũ phàng của các thế lực đen tối. Nhịp điệu này quy định sự sử dụng đặc biệt các trạng từ thời gian: vội, vội vàng, kíp, kịp, đã, thoắt.
Lắm khi mấy câu liền, câu nào cũng nói đến vội:
"Nàng thìvội trở buồng thêu
Sinh thì dạo gót sân đàovội ra"
Lắm khi hai chữ thoắt trong cùng một câu:
- "Thoắt mua về, thoắt bán đi"
- "Thoắt nghe, chàng thoắt rụng rời xiết bao"…
Nhịp điệu này cũng quy định các sử dụng điệp từ. Nhiều từ "đã", "càng", "cho" trong nhiều câu liên tiếp, có khi một dòng hai từ, tạo thành những cơn lốc nhỏ của sự kiện, của dục vọng, của tình cảm. Đó là nhịp điệu bao trùm của Truyện Kiều. Phải chăng đó là nhịp điệu của định mệnh qua csi nhìn của nhà thơ?
Dĩ nhiên như thế không có nghĩa là Truyện Kiều không biết đến những giờ phút "thong dong". Đó là cái thong dong khi vừa làm xong thủ tục bán mình, là khi mụ Tú hứa hẹn "con hãy thong dong!" hay "Ghé lại thong dong dặn dò", là khi Hoạn Thư "Tẩy trần vui chén thong dong" hay "Thong dong nối gót thư trai cùng về"… những cái thong dong chứa đầy hiểm hoạ! Còn như:
"Trong quân có lúc vui vầy
Thong dong mới kể sự ngày hàn vi"
thì chỉ là khoảnh khắc im ắng giữa hai đầu giông bão. Chính sư Tam Hợp cũng nói: "Vậy nên những chốn thong dong. Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng". Cho nên thời gian sự kiện Truyện Kiều cơ bản vẫn là một thời gian gấp khúc, vội vã.
Tính chất nói trên của thời gian lại được tô đậm thêm với cảm giác không rõ xuất xứ của sự biến với tính chất không lý giải được, tính chất vô cớ, ngẫu nhiên đầy ý vị định mệnh của chúng. Cảm giác này thể hiện tập trung trong cách sử dụng từ "đâu":
- "Người đâu gặp gỡ làm chi"
- "Thoắt đâu thấy một tiểu kiều"
- "Tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào"
- "Sự đâu chưa kịp đôi hồi"
- "Điều đâu bay buộc ai làm"
- "Sựđâu sóng gió bất kỳ"
- "Kiệu hoa đâu đã đến ngoài"
Khi ở lầu xanh:
"Cách tường nghe có tiếng đâu hoạ vần"
Khi chạy trốn:
"Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng"
Khi ở gác viết kinh:
"Tiểu thư đâu đã rẽ hoa bước vào"
Khi chạy trốn khỏi nhà Hoạn Thư:
"Chùa đâu trông thấy nẻo xa"
Khi bị Hồ Tôn Hiến lừa rồi ép gả cho người thổ quan:
"Duyên đâu ai dứt tơ đào
Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay"
Và cuối cùng:
"Triều đâu nổi tiếng đùng đùng"
Có thể nói cứ mỗi tiếng "đâu" như vậy xuất hiện là báo hiệu hay tổng kết một đổi thay lớn không thể đảo ngược, mà phần nhiều là báo hiệu một thảm hoạ, một tai vạ không cách gì gượng lại được, nó như gieo vào lòng Kiều bao nỗi hãi hùng và như gõ nhịp cho cuộc đời đầy tai ương bất hạnh cuả nàng.
Chữ "đâu" ở đây khác với chữ đâu nghi vấn cảm thán (như "Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà", hay "Từ công hờ hững biết đâu"). Nó thể hiện một cái gì bất ngờ, choáng váng, không những đối với nhân vật, mà cả đối với người kể chuyện nữa. Nó thể hiện trạng thái con người nói chung đương thời, chứ không chỉ là trạng thái của nhân vật: một trạng thái nhỏ bé, bất lực, không chủ động trong cơn lốc của cuộc đời, trong đó ý thức con người dường như bị tê liệt, đúng như trường hợp Nguyễn Du "Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào…"(2).
Có thể rút ra kết luận là Nguyễn Du không chỉ phản ánh đời sống bằng các tính cách, các quan hệ nhân sinh, bằng các tình huống và chi tiết điển hình của xã hội phong kiến thối nát, mà còn bằng cả nhịp điệu của tác phẩm nữa: một nhịp điệu điển hình, một cơn lốc đậm đà ý vị triết học. Đó là một nhịp điệu nghịch với hạnh phúc và tồn tại của con người. Đó là nhịp điệu của đổ vỡ, của chà đạp và phá hoại. Đó cũng là nhịp điệu của một cái gì chông chênh, không bền vững.
Phản ánh nhịp điệu này chứng tỏ Nguyễn Du đã ý thức được tính chất tồn tại khách quan của hiện thực cuộc sống ngoài ý muốn chủ quan của con người, nó góp phần thể hiện cảm quan hiện thực của Nguyễn Du.
Tuy nhiên chưa thể xem đây là một khái quát triệt để. Một là cơn lốc này thổi từ Đạm Tiên tới, nó ôm trùm cả "hội đoạn trường", nên mang đậm màu sắc định mệnh. Hai là cơn lốc Truyện Kiều có vẻ là trường hợp riêng vì nó xuất hiện trong khung cảnh chung "Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng", để rồi sau đó trở lại thế ổn định " Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần".
Truyện Kiều thoát thai từ một hệ thống nghệ thuật, trong đó quan niệm thời gian tuần hoàn là một niềm tin vững chắc về mặt thẩm mỹ. Theo quan niệm này thời gian có thể đảo ngược. Vận động chủ yếu là sự biến hoá, lặp lại cái đã có. Quá khứ không mất đi mà tồn tại trong dạng khác. Tương lai là sự lặp lại hay kéo dài cái đã qua hay hiện có. Với đạo Phật, thời gian này trở thành chuỗi luân hồi báo ứng nhân quả. Cái gọi là "thế lớn chia lâu phải hợp, hợp lâu phải chia" ("đại thế phân cữu tất hợp, hợp cữu tất phân") trong Tam Quốc diễn nghĩa hay Hồng Lâu Mông, "Hội ngộ - Tai biến - Đoàn tụ" trong truyện Nôm của Việt Nam(3) đều là thể hiện của một quan niệm thời gian như vậy.
Trong Truyện Kiều có thời gian ba kiếp, phù hợp với quan niệm tu tâm: kiếp trước với túc nhân túc trái tuy được nhắc đến nhiều lần nhưng không mang nội dung cụ thể. Kiếp này (hiện tại) được hiểu là mười lăm năm lưu lạc của Kiều, còn kiếp sau, theo lời thuyết minh của Đạm Tiên, Tam Hợp, Kiều ("Này thôi hết kiếp đoạn trường từ đây") là cuộc đời sau cái chết ở sông Tiền Đường của Kiều. Giữa ba đoạn thời gian này không có nội dung thực tại, không có chuyển hoá.
Đi sâu vào nội dung hình tượng thì Đạm Tiên là một hình ảnh của quá khứ, một "người đời xưa", nhưng lại dự báo tương lai cho Kiều, nên nàng lại cũng là hình ảnh của tương lai ("Thấy người nằm đó biết sau thế nào").
Kiều có lẽ là nhân vật suy nghĩ về tương lai nhiều nhất trong các truyện Nôm, nhưng nội dung dự cảm của Kiều là sự lặp lại một kiếp Đạm Tiên trong đời mình, tức trước mắt nàng vẽ ra một viễn cảnh ngược, hoặc một kiếp sau, một lai sinh mơ hồ. Với quan niệm tuần hoàn thì chưa có thể có một ý niệm quá khứ hay tương lai rành rọt.
Kiều cũng là nhân vật nhớ nhung nhiều nhất, nhưng nàng chưa biết hồi tưởng. Đúng hơn là nàng chỉ biết nghĩ tới người thân trong thời hiện tại, kiểu: "Duyên em dầu nối chỉ hồng - May ra thì đã tay bồng tay mang". Suy cho cùng Đạm Tiên xuất hiện trong tác phẩm không như một hình bóng quá khứ mà là một bóng ma hiện tại. Hơn nữa lại càng không phải là một bóng ma đau khổ như chị em nàng trong Văn tế thập loại chúng sinh (Nàng có hội đoạn trường, không đến nỗi cô độc, lại biết xướng hoạ thù tạc, không đến nỗi buồn tẻ!). Thời gian tuần hoàn do vậy không gợi ra được tư tưởng về sự phát triển.
Tuy nhiên chỗ sâu sắc nhất trong cảm thụ thời gian của Nguyễn Du là đã thể hiện tính không đảo ngược của những mất mát, đau khổ của con người. Sau bao cuộc vùi dập và đày đoạ, Thuý Kiều từ một người hăm hở say mê yêu đời "Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa" đã trở thành con người "Đã không biết sống là vui", "Sự đời đã tắt lửa lòng" giữa tuổi ba mươi. Mười lăm năm là một cái chết kéo dài. Từ ngày "Lầu xanh mới rủ trướng đào" Thuý Kiều đã chết. Tình yêu của Thúc Sinh và Từ Hải (theo cách của mỗi người) đã nhen lại niềm khát khao sự sống và các nhu cầu xã hội khác của nàng. Nhưng sau khi gặp Hoạn Thư và Hồ Tôn Hiến, Kiều chết hẳn trong sóng bạc Tiền Đường, rồi khi được cứu thì "Đã đem mình bỏ am mây". Nơi tu hành đối với nàng chỉ là nấm mồ! Đến lúc này, được tái ngộ, dù Kim Trọng là "người ngày xưa" cũng không còn có thể nhen lại ở Thuý Kiều một tình yêu ban đầu và một cuộc sống bình thường. Chữ "trinh" là cái lý duy nhất có sức thuyết phục để biện hộ cho một khát vọng đã chết. Kiều đã hết hẳn ước mơ, hy vọng và tính toán về tương lai, như nàng đã tính toán biết bao lần trong mười lăm năm. Bây giờ nàng mặc cho em gái:
"Cửa nhà dù tính về sau
Thì còn em đó, lọ cầu chị đây!"
Rồi khi kết thúc: "Thừa gia chẳng hết nàng Vân - Một cây cù mộc một sân quế hoè", thì rõ ràng nàng Kiều không có tương lai, không có một vị thế nào cả. Với Kim Trọng, nàng chỉ tiếp tục những ngày sống thừa, mặc dù là một cách tao nhã.
Mặc cho sư Tam Hợp tiên tri ("Đã tin điều trước ắt nhằm điều sau"):
"Khi nên trời cũng chiều người
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau"
hay Đạm Tiên ghen tị:
"Còn nhiều hưởng thụ về lâu
Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào"
Nghĩa là sau cái chết ở sông Tiền Đường phải là một kiếp khác, một thời gian khác với đầy đủ phúc phận. Cái chết trẫm mình là tượng trưng cho sự đổi kiếp. Nhưng thực tế, Kiều vẫn sống một cuộc đời duy nhất và thống nhất. Cái hiện tại vẫn là sự tiếp tục của những gì đã có. Thời gian của Kiều không thể được tính lại từ đầu. Vết thương mười lăm năm vẫn nguyên vẹn, vẫn đau đớn và nhỏ máu như "một bản cáo trạng"(4). Thời gian không đảo ngược không phải với nghĩa "xuân bất tái lai" nói chung, mà là với một ý nghĩa xã hội sâu sắc. Cuộc sống khách quan không chứng thực cho những hứa hẹn thần bí, siêu hình. Cho nên quan niệm thời gian của Nguyễn Du rất mâu thuẫn.
Xét về thời gian nghệ thuật, Truyện Kiều có khác các truyện Nôm thuộc loại hình sáng tác, trong đó thời gian nghệ thuật về cơ bản bị quy về thời gian sự kiện, thể hiện tập trung trong tính liên tục của chúng. Các tác giả rất ít quan tâm sự kiện xảy ra vào lúc nào, kéo dài bao lâu, tương quan thế nào với thời gian khách quan.
Sự xuất hiện tương quan sự kiện với thời gian là một bước phát triển của ý thức về thực tại, về cụ thể hoá và cá biệt hoá. Điểm nổi bật của Truyện Kiều so với nhiều truyện Nôm khác là đã có một hệ thống tính thời gian: năm, tháng, ngày, mà đáng kể nhất là thời gian bằng ngày, buổi. Thời gian sự kiện trôi qua trong thời gian thường nhật. Việc tính thời gian bằng ngày, buổi, có khi bằng giờ cho phép hình dung sự kiện trong những cảnh sống bình thường của thực tại: một buổi chiều du xuân; một buổi tối băn khoăn tư lự; một sáng mai gặp gỡ hẹn hò; một ngày rồi một đêm tìm hiểu, tâm sự; một sớm tiễn người yêu về hộ tang; một đêm trằn trọc cậy em thay lời; rồi buổi đến lầu xanh, buổi chiều hôm nhớ nhà, một buổi khuya chạy trốn… Thời gian hằng ngày đã mang lại cho sự kiện một hình thức vật chất của thực tại. Nhìn chung, Nguyễn Du đã không kể lại các sự kiện một cách giản đơn, mà bao giờ cũng đặt chúng trong một khung cảnh có không gian, màu sắc và nhịp điệu riêng.
Buổi chiều chơi xuân từ "Tà tà bóng ngả về tây" đến "Bóng tà như giục cơn buồn", bóng tà được nhắc tới bốn lần. Thời gian khách quan dường như rất ngắn nhưng lại bị kéo dài ra vì tình cảm quyến luyến đến si mê của Kiều đối với Đạm Tiên với biết bao sự kiện, nào nghe chuyện, nào than vãn, nào thắp hương, đặt cỏ, khấn vái, làm thơ, rồi:
"Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa
Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài"
Rồi lại hiển linh, lại khấn vái, lại làm thơ!
Thời gian cũng chùng lại vì lưu luyến với Kim Trọng.
Đêm ấy thời gian lại được kéo dài ra vì suy nghĩ lao lung của Kiều. Từ khi "Gương nga chênh chếch dòm song", qua "Chênh chếch bóng nguyệt xế mành", tới "Hiên tà gác bóng nghiêng nghiêng", thì thời gian chẳng những trôi chậm, mà bóng trăng như cũng thao thức cùng người.
Khi Kiều mắc lận Sở Khanh, Tú Bà và tay chân lao tới như thú dữ vồ chụp con mồi. Nhịp độ nhanh gấp, động tác thẳng mạnh:
"Một đoàn đổ đến trước sau
Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời.
Tú Bà tốc thẳng đến nơi
Hăm hăm áp điệu một hơi lại nhà
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra
Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời"
Nhưng khi Kiều phải nhượng bộ thì mụ Tú lại dềnh dàng kéo dài như không chịu chấm dứt sự hành hạ. Thời gian lại căng ra:
"Mụ càng kể nhặt kể khoan
Gạn gùng đến mực nồng nàn mới tha"
Vậy là ý thức về tương quan giữa thời gian và sự kiện đã làm tăng thêm tính thực tại của miêu tả, tạo thành tính độc đáo không lặp lại của chúng.
Tính thực tại càng đậm đà khi thời gian sự kiện gắn liền với cảm xúc bốn mùa của thiên nhiên: một đêm xuân tư lự "Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần"; một ngày hè "gót sen thoăn thoắt", một ngày hè "Thang lan rủ bức trướng đào tẩm hoa"; một đêm thu chạy trốn "cỏ lợt màu sương"; một ngày thu Thúc Sinh trở lại Lâm Tri "Long lanh đáy nước in trời"…
Nhưng từ khi Kiều gặp lại Từ Hải cho đến hết truyện thời gian trở nên bàng bạc hơn. Thời gian nói chung không kể ngày mà chỉ tính năm, nửa năm, năm năm. Từ Hải gặp Kiều rồi dứt áo ra đi, rồi trở về, báo ân báo oán… đều là không rõ vào lúc nào, mùa nào. Đoạn chàng Kim trở về cũng vậy. Phải chăng với khuynh hướng lý tưởng hoá thì thời gian cũng trở nên trừu tượng hơn, đường nét mờ nhạt hơn?
Xây dựng tương quan thời gian với sự kiện, tạo thành nhịp điệu thời gian nhanh chậm ứng với cảm xúc của nhân vật trong tác phẩm là một sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du. Thanh Tâm tài nhân kể chuyện, trình bày sự kiện như một chuỗi sự việc liên tục giản đơn, theo kiểu: "Than xong, khách liền đi mua quan tài…", "Nói rồi cả ba chị em cùng đi vòng quanh bờ suối…", "Nhìn xong mấy chữ Kiều lại than rằng…", "Than xong nàng liền bẻ mấy cành trúc cắm xuống trước mộ…", "Thuý Kiều đề xong bài thơ lại khóc nức nở…", "Nói rồi nàng tiến đến trước mộ…" (Hồi I)(5).
Đó là một lối kể chuyện cực kỳ tẻ nhạt. Trong Kim Vân Kiều truyện chẳng những không có nhịp điệu sự kiện, mà hầu như không có cả cảm giác về nhịp điệu thời gian bốn mùa, không có mối liên hệ giữa cảm xúc của nhân vật và thời tiết. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã xây dựng một dòng thời gian thiên nhiên nhịp nhàng tuôn chảy.
Buổi du xuân trong Kim Vân Kiều truyện vẻn vẹn có mấy dòng: "May sao một ngày trong tiết Thanh minh, con cái họ Vương cũng đi tảo mộ, nhân tiện xem hội Đạp thanh, Thuý Kiều và hai em đương lững thững dạo bên bờ suối, bỗng thấy nấm đất sè sè, một mình trơ trọi…"(6). Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tả cảnh mùa xuân và chị em chơi xuân trong 20 dòng: "Ngày xuân con én đưa thoi - Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi - Cỏ non xanh tận chân trời - Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…". Nhà thơ bao giờ cũng phát hiện tương quan của thời gian tự nhiên với sự sống con người để tạo cảm giác thời gian:
- "Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông"
- "Nỉ non đêm ngắn tình dài
Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương"
- "Nửa năm hơi tiếng vừa quen,
Sân ngô cành bích đã chen lá vàng"
- "Mảng vui rượu sớm trà trưa,
Đào đà phai thắm sen vừa nảy xanh…"
- "Sen tàn, cúc lại nở hoa.
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân…"
Rõ ràng, ngoài thời gian của sự kiện, do tính liên tục của biến cố tạo nên, Truyện Kiều của Nguyễn Du còn có một dòng thời gian bốn mùa mải mốt trôi chảy, khách quan, vô tình. Nó như giữ nhịp cho cuộc đời và thông báo cho con người sự mất mát, vơi cạn của cuộc đời mà không có cách gì dừng lại được.
Dĩ nhiên như vậy không có nghĩa là thời gian Truyện Kiều ít tính ước lệ. Nhìn chung Nguyễn Du dường như thích bố trí sự kiện của nhân vật vào mùa xuân và mùa thu, mùa hè thì rút ngắn, còn mùa đông thì bỏ qua. Chẳng hạn gia biến xảy ra vào một ngày đầu hè, liền đó nàng phải bán mình chuộc cha rồi ra đi với Mã trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng khi ra ở trú phường thì đã là mùa thu: "Đêm thu một khắc một chầy". Hoặc như Thúc Sinh ở Lâm Tri đến mùa xuân thì: "Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê". Nhưng về tới nhà thì đã là mùa thu: "Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu", mà như tác giả cho biết thì thời gian đi đường bộ chỉ mất một tháng ("Lâm Tri đường bộ tháng chầy"). Lại như đoạn Kim Trọng trở lại vườn Thuý sau nửa năm chịu tang (Kim Vân Kiều truyện nói thời gian mất 4 tháng). Vậy lúc ấy phải là cuối thu đầu đông, nhưng tác giả lại tả thành mùa xuân với cỏ mọc lau thưa, gió đông hoa đào, xập xè én liệng. Đó là vì đối với tác giả điều quan trọng là gợi lên một sự đối chiếu với mùa xuân gặp đỡ đã qua: "Đi về này những lối này năm xưa". Mặt khác phong cảnh xác xơ trong mùa xuân mới có ý nghĩa, còn xác xơ trong mùa thu và mùa đông có thể chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Còn như xuất hiện nhiều mùa thu là vì phải chia tay, đau khổ trong mùa thu lá rụng, hiu hắt thì mới thật là ảm đạm! Tính ước lệ này cũng góp phần tô đậm ý nghĩa thực tại của sự kiện.
Đây cũng là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du. Nhà thơ Việt Nam đã thực hiện việc sắp xếp lại thời gian của truyện. Thực vậy, Thanh Tâm tài nhân kể việc Kiều gặp gia biến và phải bán mình xảy ra vào giữa tháng tư và Mã đón Kiều ra ở nhà trọ cũng trong tháng đó. Tiếp theo Kiều lên xe về Lâm Tri mất một tháng, tự tử không chết, phải phục thuốc cho bình phục mất khoảng 3, 4 tháng, cho đến khi Sở Khanh lừa nàng đi trốn vào một ngày tháng chín, sương giáng cuối thu. Trình tự thời gian sự việc khá rành mạch, hợp lý. Nhưng đối với Nguyễn Du, Kiều lên xe ra quán trọ với Mã là trời đã thu rồi. Từ đó cho đến cuộc đi đường dài một tháng, những ngày thuốc thang và chạy trốn theo Sở Khanh, đất trời đều nhuốm một màu thu! Mùa thu này dài những 5, 6 tháng.
Đoạn Ưng Khuyển bắt Kiều, trong Kim Vân Kiều truyện, theo lời khai của Kiều trước người nhà họ Hoạn, là xảy ra vào đêm 5 tháng 3, rõ ràng là mùa xuân. Nhưng trong Truyện Kiều, sự việc lại xảy ra vào mùa thu:
"Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời…"
Mùa thu năm sau Thúc Sinh về đến Vô Tích đúng vào mùa thu và ứng với thời gian một năm mà một đạo nhân đã đoán. Ở Kim Vân Kiều truyện thời gian một năm đó không được tính cụ thể là mùa nào, chỉ biết Kiều làm đầy tớ cho Hoạn Bà được nửa năm, sau đó làm đầy tớ cho Hoạn Thư được nửa năm thì Thúc Sinh về.
Đoạn Kim Trọng trở lại vườn Thuý trong Kim Vân Kiều truyện, nếu tính theo thứ tự thời gian thì sự việc xảy ra vào tháng 8, đầu tháng 9, mùa thu, nhưng Thanh Tâm tài nhân không nói rõ là mùa nào, ông không có cảm nhận về thời gian: "Khi về tới nhà trọ, chàng vội sang hiên Lãm Thuý hỏi thăm Thuý Kiều, thì nàng đã đi trước đây 4 tháng, mà cả gia đình cụ Vương Viên ngoại cũng đã dọn đi nơi khác rồi… Lập tức hỏi thăm đến chỗ Vương Ông di trú, nhìn thấy căn nhà lụp thụp, khác với quang cảnh ngày xưa…"(7).
Trong Truyện Kiều sự việc xảy ra vào mùa xuân, và cảnh hoang vắng là thuộc về ngôi nhà cũ của Kiều.
Qua mấy ví dụ trên đây ta thấy tính ước lệ của thời gian nói trên không phải bắt nguồn từ truyện của Thanh Tâm tài nhân, mà bắt nguồn từ cảm nhận thời gian của Nguyễn Du từ truyền thống "bi thu ai đông" trong thi ca cổ điển Trung Quốc. Kim Trọng của nhà thơ Việt Nam phần nào đã nhìn lại vườn Thuý bằng con mắt của Thôi Hộ đời Đường, cũng như Thuý Kiều đã nhìn phong cảnh khi tiễn biệt Thúc Sinh bằng con mắt của Vương Duy.
Một đặc sắc nữa của thời gian nghệ thuật Truyện Kiều là tác giả không giản đơn trình bày sự kiện này nối tiếp sự kiện kia, mà đã biết dừng lại ở yếu tố bây giờ, tức thời diểm hiện tại của sự biến, khám phá ý nghĩa phong phú của nó. Nói cách khác, Nguyễn Du không chỉ kể ra mối liên hệ giữa các sự kiện mà còn gợi ra mối liên hệ với thời gian của chúng. Đây là một biểu hiện hiếm thấy trong truyện Nôm Việt Nam.
Cái "bây giờ" của Nguyễn Du không quy gọn vào hiện tại mà mang một chiều sâu và chiều rộng của quá khứ và tương lai. Một cái bây giờ mong manh, mịt mờ viễn cảnh:
"Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao"
Một cái bây giờ đầy lạc quan, hứa hẹn:
"Chén đưa nhớ buổi hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau"
Có cái bây giờ như tổng kết một niềm tin:
"Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai"
Có cái bây giờ làm sáng tỏ quá khứ và gợi ra một vực thẳm tương lai hãi hùng - đó là Thúc Sinh và Kiều nhận ra nhau ở nhà Hoạn Thư:
- "Bây giờ tình mới tỏ tình
Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai"
- "Bây giờ đất thấp trời cao
Ăn làm sao nói làm sao bây giờ!"
- "Bây giờ một vực một trời
Hết điều khinh trọng, hết lời thị phi"
- "Bây giờ mới rõ tăm hơi
Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen!"
Có cái bây giờ xót xa vời vợi:
"Những từ sen ngó đào tơ
Mười lăm năm mới bây giờ là đây!"
Khám phá cái bây giờ chính là Nguyễn Du đi vào nội tâm nhân vật, đi vào cái cá biệt không lặp lại của không gian và thời gian. Nó cho thấy bên cạnh dòng thời gian sự kiện, Truyện Kiều có thêm dòng thời gian tâm trạng, tuy chưa phát triển và phong phú nhưng đã có đường nét. Khám phá cái bây giờ chứng tỏ nhà văn đã biết nhìn nhân vật theo điểm nhìn của nhân vật, nhìn nhân vật từ bên trong, một đặc điểm đáng lưu ý của chủ nghĩa hiện thực trong văn học(8). Mặt khác, nhìn nhân vật và sự kiện qua "cái bây giờ" và "ở đây" Nguyễn Du đã thể hiện được quan niệm thời gian hiện tại của tiểu thuyết, là thời hiện tại chưa hoàn thành, đang diễn ra đầy phấp phỏng và chờ mong(9). Có thể nói rằng cùng với sự thể hiện tính không đảo ngược của thời gian, sự thể hiện mối liên hệ thời gian này tạo thành một trong những nét đáng kể của quan điểm lịch sử của Nguyễn Du trong miêu tả đời sống, ít ra là trong thế giới vi mô của tình cảm và đời người.
Phân tích thời gian nghệ thuật của Truyện Kiều, điều nổi bật nhất là Nguyễn Du đã tạo ra một nhịp điệu thời gian vội vã, gấp khúc, chồng chéo, nó phản ánh cuộc chạy đua không cân sức giữa con người và số phận, lôi kéo vào đó không chỉ Thuý Kiều, Kim Trọng mà hầu hết các nhân vật khác. Đó là cái nhịp thời gian không có trong nguyên tác TRung Quốc. Nó thể hiện cách cảm nhận thời cuộc của Nguyễn Du và sáng tạo lại của nhà thơ. Trên nhiều mặt ta có thể thấy Nguyễn Du chẳng những đã vượt qua tiền nhân Trung Quốc của ông và còn vượt qua nhiều quy phạm nghệ thuật đương thời để vươn tới một hệ thống nghệ thuật mới gần gũi với chúng ta hơn.
(1) Ở Việt Nam, cho đến thời điểm viết bài này. 1980, các ý kiến về thời gian nghệ thuật có thể tìm thấy rất thưa thớt ở: - Đặng Thai Mai: Giảng văn Chinh phụ ngâm, 1949, trích in trong sách Trên đường học tập và nghiên cứu, T.1; 1969; - Hoàng Trinh: Phương Tây văn học và con người, T.1 và T.2; - Huy Cận:Suy nghĩ về nghệ thuật, báo Văn nghệ, 1978 và một số tài liệu khác như Thời gian hiện sinh trong Truyện Kiều của Lê Tuyên,ỉơ Sài Gòn năm 1959.
(2) Tố Hữu, Kính gửi cụ Nguyễn Du trong Tố Hữu, Tác phẩm thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 1979, tr.468.
(3) Đặng Thanh Lê. "Truyện Kiều" và thể loại truyện Nôm. Sách đã dẫn, tr. 94-95.
(4) Xuân Diệu. Bản cáo trạng cuối cùng trong "Truyện Kiều" - trong sách Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (1765-1965). NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967, tr.204-216.
(5) Xem bản dịch của Nguyễn Đình Diệm trong sách "Truyện Kiều" đối chiếu, NXB Hà Nội, 1991.
(6) Tlđd, tr.56.
(7) Xem: "Truyện Kiều" đối chiếu. Tlđd, tr.425.
(8) D.X.Likhachôp. Văn học Nga cổ và thời hiện đại. Tạp chí Văn học Nga, số 4 năm 1978, tr.29.
(9) M.M.Bakhtin,Những vấn đề văn học và mĩ học, Nxb Văn học nghệ thuật, M., 1975, tr.455.
Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Nguyễn Du và những giá trị vượt thời gian
Nói đến Nguyễn Du, trước hết chúng ta nói đến những sáng tác ghi lại suy tư, cảm xúc cá nhân của ông, đó là thơ chữ Hán. Trong ba tập thơ chữ Hán để lại: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục, tập thơ nào cũng hay, cũng mang dấu ấn cá nhân rất rõ, nhưng trong... -
Truyện Kiều - thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du (Kỳ 1)
Một vấn đề then chốt trong nghiên cứu Truyện Kiều hiện nay là xác định tính sáng tạo của Truyện Kiều của Nguyễn Du, một tác phẩm sáng tác dựa vào cốt truyện và nhân vật của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, nhưng lại trở thành một kiệt tác nghệ thuật vô song.