Truyện Kiều - Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du (Kỳ 2)

HNTĐ

2. Cái nhìn nghệ thuật về con người

Trong khi phản ánh đời sống, nghệ thuật thể hiện cái nhìn chủ quan của mình đối với các hiện tượng, và từ đó bộc lộ ý nghĩa của đời sống. Viện sĩ Nga M.B. Khrapchencô xác nhận: "Chân lý cuộc sống trong sáng tác nghệ thuật không tồn tại bên ngoài cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân đối với thế giới vốn có ở từng nghệ sĩ thực thụ, không tồn tại bên ngoài các đặc điểm về tư duy hình tượng, bút pháp sáng tác của nghệ sĩ"(1). Như vậy để hiểu được chân lý cuộc sống trong tác phẩm, tất yếu phải khám phá cái nhìn nghệ thuật, cách tư duy hình tượng và hệ thống bút pháp của chính nhà văn.

Phạm trù cái nhìn nghệ thuật đã được các nhà thi pháp Nga đề xuất từ đầu thế kỷ, sau được M.Bakhtin nâng cao trong thi pháp Dostoievski và ngày nay đang trở thành tài sản của thi pháp học hiện đại. Cái nhìn nghệ thuật thể hiện qua điểm nhìn của người kể cuyện và điểm nhìn nhân vât, nhưng lí thuyết tự sự học hiện đại thiên về điểm nhìn toàn tri, hạn tri, điểm nhìn bên trong, bên ngoài, mà ít quan tâm nội dung, loại hình của cái nhìn. Boric Uspenski trong Thi pháp kết cấu (1970) đã nói tới các phương diện thế giới quan, không gian, thời gian, tâm lí, ngôn ngữ (quán ngữ) của cái nhìn. Ở đây chúng tôi sẽ xét cái nhìn từ phương diện thế giới quan là chủ yếu. Phương diện này biểu hiện vào không gian, thời gian, ngôn ngữ… Cái nhìn nghệ thuật trong tác phẩm thể hiện  qua cách xưng gọi, qua các hình ảnh ẩn dụ, so sánh, qua cách dùng từ.  Nó cũng thể hiện qua điểm nhìn nhân vật, qua lăng kính tâm lí, lập trường giá trị của nhân vật. Cái nhìn còn thể hiện qua hệ thống thủ pháp biểu hiện đặc trưng cho một thời kì văn học.

Vận dụng vào Truyện Kiều của Nguyễn Du, cái nhìn nghệ thuật bao gồm nhiều bình diện: bình diện xã hội, bình diện cá nhân, bình diện văn hoá khu vực và bình diện tính dân tộc.

Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du có quan hệ máu thịt với các truyền thống nghệ thuật phương Đông mà ở đây chưa thể đề cập đầy đủ. Tạm thời chúng tôi chỉ nhận xét rằng,ủtong văn hoá các nước phương Đông đều lấy tự nhiên, vũ trụ làm trung tâm, khác với phương Tây lấy con người làm trung tâm. Cả Nho giáo, Phật giáo, Đạo Lão Trang đều lấy thiên nhiên làm nền tảng. Tự nhiên có trước và con người phải theo cái Đạo của tự nhiên, học nó, mô phỏng nó, chứ không phải ngược lại, bắt tự nhiên theo con người. Gắn liền với truyền thống thế giới quan ấy, con người trong Truyện Kiều được xây dựng theo mô hình "con người vũ trụ". Lúc nào con người cũng được hình dung qua các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ. Nói đẹp thì "hoa ghen, liễu hờn", nói chí thì "đội trời đạp đất", nói tình thì "non nước, mây mưa", nói tài thì "mạch đất, tính trời". Chẳng những khi muốn đổi thay xã hội người ta nói "động lòng bốn phương", "chọc trời khuấy nước", mà cả khi chỉ làm một bài thơ nhỏ ("Tay tiên gió táp mưa sa"), khi khóc một người tình ("Vật mình vẫy gió tuôn mưa"), khi đỗ đạt ("Cửa trời rộng mở đường mây"), con người đều được hình dung trong một quy mô vũ trụ, đứng giữa đất trời. Theo quan niệm này tính chỉnh thể của con người không thể hiểu một cách bề ngoài, trực quan. Chân dung Từ Hải với đặc điểm của ba giống vật khác hẳn nhau về chủng loại: "Râu hùm, hàm én, mày ngài…" không hề gợi nên dị nghị, mà còn hé thấy một sức mạnh tiềm ẩn vốn có của các anh hùng xưa, cũng như trong chân dung Kiều, "thu thuỷ, xuân sơn" không chỉ là những nét thanh tú và trong sáng, mà còn thể hiện một cốt cách đa tình hàm chứa trong hai yếu tố non - nước. Con người vũ trụ là mô hình cơ bản chi phối sự miêu tả con người trong thơ văn cổ Việt Nam cho tới đầu thế kỷ XX.

Cái nhìn con người vũ trụ vốn có nhiều ý nghĩa. Đó có thể gắn với ý niệm tướng số thần bí về con người. Ví dụ chân dung Thuý Vân:

"Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da"

thì "đoan trang", "trang trọng" gắn với các đường nét tròn trĩnh, phương phi, không góc cạnh, làm cho các sự vật khác có thể kém cạnh mà không xung khắc. Các nét ấy do đó thể hiện một số phận hanh thong, êm ái, có nhiều phúc phận. Mặt khác, cơ bản hơn, chân dung này không chỉ có ý nghĩa tướng số. Sắc đẹp ở đây lại được hình dung qua cái lăng kính những "khuôn trăng", "nét ngài", "hoa", "ngọc", "tuyết", "mây", là những yếu tố của khách thể thiên nhiên vừa cao quý, siêu phàm, không gợn chút vẻ đẹp trần tục, xác thịt, đồng thời vừa có tính khuôn sáo, dấu ấn của thi pháp văn học trung đại, còn ít sắc thái cá nhân của nghệ sĩ.

Cùng với mô hình con người vũ trụ là thái độ tôn xưng đối với loại người tài tình, phân biệt với những người khác. Có thể nói có một quan niệm con người "đấng, bậc" chi phối sự cảm nhận và miêu tả. Đạm Tiên là "đấng tài hoa", Kim Trọng là "bậc tài danh", Từ Hải là "đấng anh hùng", Thuý Kiều là "bậc bố kinh". Đây là điều chỉ có trong ngôn ngữ của Nguyễn Du, không có trong Thanh Tâm Tài nhân. Những người này thường được khắc hoạ với những đường nét bề ngoài đầy ước lệ, khuôn sáo, còn những người thường hoặc là quân vô loài thì được miêu tả theo đặc tính thực tế của chúng về nghề nghiệp, cá nhân, theo kiểu "Thoắt trông lờn lợt màu da", hoặc: "Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao"... như thể lấy thẳng từ hiện thực (Cách nói của Lê Đình Kỵ).

Nhìn sâu hơn ta thấy Nguyễn Du cảm nhận con người theo một nhãn quan rất dân tộc. Có một cảm quan cây lá hoa trái của dân tộc nông nghiệp lâu đời phủ trùm lên nhân vật. Ông nói về nỗi đau của người chết trẻ: "Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương"; khi tính toán về sự hy sinh: "Thà rằng liều một thân con - Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây"; khi cám cảnh xa nhà: "Thiếp như hoa đã lìa cành"; khi dứt khoát liều thân:"Cầm như chẳng đỗ những ngày còn xanh"; khi nhớ đến tình duyên của em: "Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?"; khi con ngồi nhớ cha mẹ: "Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành"… Con người tự cảm thấy mình qua đời sống của cây trái, hoa lá của cảm quan thiên nhiên.

Một nét khác rất tiêu biểu cho truyền thống nghệ thuật mà Truyện Kiều tiếp thu là quan niệm "con người tỏ lòng"(tỏ chí). Đó là quan niệm xem con người là sự thể hiện của các giá trị tinh thần bất diệt như chí, tình, đạo, nghĩa. Con người trong Luận Ngữ của Khổng Tử, Sử Kí của Tư Mã Thiên đều được khắc hoạ theo lối này. Con người chủ yếu được miêu tả trong chừng mực nó bộc lộ các phẩm chất đạo đức và được thể hiện qua nguyên tắc "tỏ lòng". Trong thơ trữ tình cổ điển con người không chỉ luôn luôn "ngôn chí", "thuật hoài", "hữu cảm", mà còn có những động tác, biểu hiện khác thường, quá cỡ làm người ta chú ý tới cái chí khác thường của mình dưới dạng "khẩu khí" ("Giơ tay với thử trời cao thấp - Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài - Tám vạn anh hùng đè xuống dưới - Một mình thiên tử đội lên trên"…). Trong tác phẩm tự sự nhân vật "tỏ lòng" cũng phải có những hành động khác thường. Mức độ khác thường càng cao, hiệu quả tỏ lòng càng lớn. Trong Truyện Kiều, đó là Kiều khóc mồ vô chủ, thuyết lý đức hạnh, thề nguyền chung thuỷ, bán mình chuộc cha, cậy em thay lời… Đó là Kim Trọng ốm tương tư, khóc lóc vật vã khi biết Kiều bán mình, Vương Ông đập đầu tường vôi, Từ Hải chết đứng. Kiều xuất hiện trước hết là một tấm lòng "sẵn mối thương tâm", nàng bán mình là "để một tấm lòng về sau", và khi tự vẫn là "Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông". Ngay sự xưng hô, suy nghĩ của các nhân vật Truyện Kiều cũng thể hiện nguyên tắc tỏ lòng một cách độc đáo: các nhân vật như bị trừu tượng đi để đối diện với nhau như những tấm lòng.

Nguyên tắc tỏ lòng thường thể hiện ở biện pháp ngoại hiện. Mọi trạng thái bên trong đều thể hiện thành dấu hiệu bên ngoài, ai nhìn cũng thấy như "nộ phát xung quan" (tóc giận dựng đứng làm bật mũ lên). Khóc thì "dầm dề giọt ngọc", "vẫy gió tuôn mưa", buồn thì tóc bạc, gầy mòn, biểu hiện càng lộ liễu thì càng gây chú ý. Nguyên tắc tỏ lòng như thế chỉ thích hợp với những tấm lòng lý tưởng, chuẩn mực. Cá tính chỉ thể hiện ở cường độ và mức độ mới lạ của hành vi tỏ lòng. Trên đây là những nét thi pháp của văn học trung đại Việt Nam.

Cái mới của Nguyễn Du chính là trong khi vẫn sự dụng các bút pháp ấy đã chuyển trọng tâm cảm hứng từ tỏ lòng sang thế giới tấm lòng. Nói "thế giới" vì nó bao quát và bao gồm cả những "lòng riêng", "tấm riêng" không tỏ ra được. Lần đầu tiên trong văn tự sự Việt Nam, người ta hiểu tấm lòng là một hiện tượng tâm lý chứ không đơn thuần là một hiện tượng nghĩa lý. Nếu nói rằng phân tích tâm lý là "nghệ thuật phát hiện sự phong phú, phức tạp, vận động của các mối liên hệ của cá nhân con người với thế giới xung quanh"(2) thì Truyện Kiều đã đạt được một trình độ phân tích tâm lý khá cao, kết tinh trong năm điểm sau đây.

1. Con người trong Truyện Kiều hầu như bao giờ cũng xuất hiện trong một phức hợp tâm lý. Khi Kiều ngồi một mình "lặng ngắm bóng nga" là nàng đối diện một lúc vừa với Đạm Tiên, vừa với Kim Trọng. Khi Mã Giám Sinh bên cô Kiều thanh tân là y đối diện với Tú Bà, khách chơi và người xung quanh. Còn Hồ Tôn Hiến sau đêm "hạ công" mới phát hiện ra mình trước quốc gia và công chúng. Thì ra càng đi sâu vào thế giới bên trong thì không phải con người bị tách khỏi xung quanh như ai đó tưởng mà trái lại, nó càng cảm nhận nổi bật tính quy định của các quan hệ xã hội ở bên ngoài!

2. Tình cảm đối nghịch, lưỡng tính là nét tâm lý tiêu biểu của nhiều nhân vật trong truyện. Kiều vừa tranh thủ hạnh phúc vừa phấp phỏng kinh sợ; vừa nghi ngờ Sở Khanh lại vừa phải liều theo y; vừa rộng lòng tha bổng Hoạn Thư, vừa tiếc rẻ. Thúc Sinh vừa mê chơi vừa sợ bố, Từ Hải vừa khinh ghét triều đình vừa hy vọng mong manh vào sự bao dung của nó. Hoạn Thư vừa nung nấu cơn ghen vừa đĩnh đạc che đậy, vừa có phần thương tài Kiều lại vừa ghen ghét nàng… Đó là những con người không thể vo tròn vào trong một khuôn khổ nhất định.

3. Tấm lòng Kiều được thể hiện trong một giới hạn rộng rãi nhất, từ những ý nghĩ cao cả nhất tới những suy tư trần tục nhất, chỉ có ý nghĩa riêng đối với tình cảm nàng. Kiều thường xuất hiện với những dòng suy lý rành rọt nhất, nhưng cũng lắm khi đắm mình trong những mơ hồ ảo giác. Đó là khi gọi tên chàng Kim trong cuộc trao gửi với nàng Vân, là bước chân không tự chủ đi theo Sở Khanh, là xiêu lòng trước lễ hậu của Hồ Tôn Hiến.

4. Sự vận động của tấm lòng cũng là một quan niệm rất mới, khác với các Phật thoại, là nơi con người cũng bị đồng nhất vào tấm lòng và xảy ra những cuộc khảo nghiệm tấm lòng của những kẻ tu hành trước khi đắc đạo. Ở đấy, sự biến đổi của tấm lòng được quan niệm một cách siêu hình, tuyệt đối hoá theo kiểu "buông dao sát sinh xuống thì thành Phật ngay tại chỗ". Ở đấy chỉ có sự biến đổi một chiều. Những kẻ đã đắc đạo, các La hán, các Phật không bao giờ làm điều xấu. Ngược lại, mọi kẻ xấu, không trừ một ai, dù xấu đến đâu, đều có thể làm việc tốt và trở thành Phật. Điều quyết định duy nhất là bản thân người ấy. Nguyễn Du chứng kiến một quá trình khác, ngược lại, "Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa". Con người phải sống một cuộc sống khác, không phải của mình, với một ý thức rõ rệt. Nói như bây giờ là bị "tha hoá", chấp nhận một sự tha hoá.

5. Thế kỷ mà Nguyễn Du sống là một thế kỷ đầy biến động dữ dội, dồn dập, nó làm cho mỗi người trong một khoảng thời gian ngắn có thể sống nhiều cuộc đời. Đó có thể là lý do làm nhà thơ chọn truyện của Thanh Tâm tài nhân với một cuộc đời lắm tai nhiều nạn. Nhưng cái chính là cuộc đời có lắm bước ngoặt của Kiều đã phát hiện cho thấy nhiều giới hạn khác nhau của tâm hồn con người. Với Kim Trọng, Kiều thoả mãn những rung động tinh thần đằm thắm bên người tình đồng điệu. Với Thúc Sinh, Kiều hưởng những ngày hạnh phúc trần thế nồng nàn của đôi vợ chồng trẻ, mặc dù Thúc Sinh thua kém nàng về năng lực tinh thần. Từ Hải đến với uy lực siêu phàm đã kích thích khát vọng muốn làm chủ vận mệnh, báo đền ân oán của Kiều, một con người đang chìm xuống đáy xã hội. Tình cảm ngày một mới, ước vọng ngày một cao. Chả trách ngày tái hợp Kim Kiều đối với nàng chỉ là tình "cầm cờ", vì vết thương lòng của Kiều còn đó, mà Kim Trọng trước sau cũng chỉ là người tình "cũ" với những ham mê buổi đầu! Chàng Kim thua xa nàng Kiều về trải nghiệm nhân sinh.

Như vậy là Nguyễn Du đã đem quan niệm con người tấm lòng mà đổi thay tự bên trong quan niệm con người tỏ lòng đã cũ và mở ra những khả năng thể hiện tấm lòng trong tất cả sự phong phú và chiều sâu của đời sống thực tại. Đọc TRuyện Kiều mà chỉ thấy miêu tả ước lệ, mà không thấy thế giới tấm lòng chân thực hoặc ngược lại, chỉ thấy hiện thực mà không thấy ước lệ đều không hiểu truyện này.

Sự tập trung vào thế giới tấm lòng đã làm thay đổi cấu trúc tự sự của truyện. Trong cấu trúc nhân vật Truyện Kiều thế giới bên trong chiếm ưu thế so với sự biểu hiện hành động bên ngoài, gương mặt bên trong cụ thể hơn gương mặt bên ngoài. Lời nói bên trong (độc thoại nội tâm, ngôn ngữ nửa trực tiếp) chân thật và sinh động hơn lời đối đáp bên ngoài. Cảnh và vật bên ngoài có xu hướng nội tâm hoá, đối thoại bên ngoài có xu hướng độc thoại hoá. Do ưu thế của yếu tố tâm lý mà các chi tiết phàm tục, các mưu mẹo lọc lừa, các tham vọng treo gương tiết liệt của Thanh Tâm tài nhân không có chỗ đứng trong truyện của Nguyễn Du. Thời gian sự kiện "gấp khúc"(3) tạo điều kiện bộc lộ nhân vật trong những cơn khủng hoảng nội tâm. Việc đi sâu khám phá "cái bây giờ" cho phép lý giải tính quá trình của tâm lý. Nguyễn Du thường khắc hoạ nhân vật trong những tương phản tâm lý với các nhân vật khác, lại tập trung tái hiện nhân vật qua những cơn say sưa, đắc ý, liều lĩnh, lo âu. Đó là những lúc con người thường vô ý để lộ chân tướng. Rõ ràng Nguyễn Du đã có quan niệm về cá tính con người một cách rõ rệt. Nguyễn Du nhìn thấu gan ruột từng nhân vật của mình, nắm bắt trúng hồn vía của chúng và có khả năng miêu tả truyền thần.

Như vậy, sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người đã kéo theo sự đổi mới hệ thống các nguyên tắc tự sự, nâng nghệ thuật thể hiện con người lên đến một đỉnh cao chưa từng có. Tuy nhiên Nguyễn Du chỉ nới rộng tối đa mà chưa phá vỡ hệ thống nghệ thuật trung đại. Truyện Kiều trước sau vẫn là câu chuyện một tấm lòng trong cơn dâu bể. Tâm lý, tính cách con người chưa trở thành đối tượng nghiên cứu độc lập. Khái niệm vận mệnh lấn át khái niệm hoàn cảnh. Nguyên tắc "tỏ lòng" làm cho hệ thống miêu tả mang nặng tính trữ tình hơn là tự sự.

Gắn liền với sự đổi mới về quan niệm con người nội tâm là khoảng cách gần gũi, thậm chí đồng nhất của người kể đối với các nhân vật được miêu tả. Văn học bao giờ cũng miêu tả con người trong tính cá thể, cảm tính của nó. Nhưng khoảng cách giữa người kể, người nghe và nhân vật trong truyện không phải bao giờ cũng như nhau. Ở anh hùng ca, cổ tích nội dung được kể đối với người kể, người nghe là một khoảng cách xa của "quá khứ tuyệt đối"(4). Thời hiện tại khi ta cảm thụ chúng chỉ là thời gian "diễn xuất", tức là thời gian làm cho các sự kiện quá khứ tái hiện lại trước cảm quan chúng ta, còn giữa sự kiện đó với người đọc là những hiện tượng khác thời tuyệt đối, người đọc và người kể có thể ghi nhận nhưng không thể lấy kinh nghiệm của mình để lý giải, đoán định các hành động của nhân vật quá khứ được. Trong tiểu thuyết, trái lại, theo Bakhtin là những truyện kể đồng thời với người kể và người đọc. Đôn Kihôtê là người cùng thời với Xecvantex, cũng như Epghênhi Ônhêghin, Tachiana là người cùng thời với Puskin.

Xét về phương diện này, các truyện Nôm Việt Nam, hình thành trên cơ sở truyện dân gian, truyện vay mượn từ văn học Trung Quốc, kể cả một số truyện do tác giả sáng tác như Lục Vân Tiên(*) đều thuộc loại văn tự sự tiền tiểu thuyết. Các sự kiện loại "nhất kiến chung tình" (vừa thấy liền phải lòng), những cuộc đánh nhau chớp nhoáng, lối để tang chồng như Ngọc Hoa ("Ngày ngày ngồi ở bên ngoài - Đêm thời mở nắp quan tài vào trong"), tình chung thuỷ của Nguyệt Nga ("Nguyện cùng bức tượng trót đà chung thân")… đều là những chi tiết tỏ lòng có thể làm người ta phục nhưng rõ ràng là xa lạ với kinh nghiệm sống thực tế. Đó không phải là những sự kiện tiểu thuyết bởi nó không phải là sản phẩm của kinh nghiệm thực tế. Nhưng mặt khác truyện Nôm lại có các loại sự kiện như "lời đâm hông" của Mai Bá Cao, nỗi trằn trọc của Dao Tiên, lời mỉa mai của ông Quán, suy nghĩ của Mã Giám Sinh… với tính chất sinh hoạt thường nhật lại là các sự kiện đặc trưng của tiểu thuyết. Có thể nói truyện Nôm là loại truyện kể vốn chỉ là “truyện vừa”, đã có xu hướng tiểu thuyết hoá mà đỉnh cao là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Không phải ngẫu nhiên mà trong kho tàng truyện Nôm, Truyện Kiều thuộc loại sáng tác dựa trên cơ sở một tiểu thuyết.

Về hình thức, Truyện Kiều không phải là một truyện đương thời. Nhưng điều quan trọng là tác giả đã cắt nghĩa, lý giải như một truyện đương thời của mình. Điều này trước hết thể hiện ở hệ thống các lời bình luận trữ tình của tác giả - người kể chuyện, phân biệt với lời bình luận triết học, đạo đức, tôn giáo. Lời bình luận tôn giáo, đạo đức bình thản, cách xa như ở thế giới khác và đã bị tước bỏ hết mọi cảm xúc, chẳng hạn như lời bình luận của Tam Hợp đạo cô sau đây:

"Sư rằng: Song chẳng hề chi,

Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều

Xét trong tội nghiệp Thuý Kiều

Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm

Lấy tình thâm trả nghĩa thâm

Bán mình đã động hiếu tâm đến trời…"

Trái lại, lời bình luận trữ tình của người kể chuyện như thét lên niềm phẫn uất của người trong cuộc:

- "Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

- "Một cơn mưa gió nặng nề

Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương!"

Đây là một hiện tượng độc đáo của Truyện Kiều. Trong các truyện Nôm không đâu có những bình luận trữ tình loại này. Ở Tam Quốc diễn nghĩa giữa lời bình và sự kiện được miêu tả thường cách quãng một thời gian lịch sử dưới hình thức: "Đời sau có thơ than rằng…". Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ mà tình cảm yêu ghét phân minh lúc nào cũng chực bốc lên ngùn ngụt như lửa, trong Lục Vân Tiên tất cả các lời cảm khái đều gửi vào nhân vật. Vấn đề không phải Nguyễn Du muốn làm "người thầy tuồng nhắc vở" mà là ở chỗ cần tăng cường tính thời sự cho trần thuật. Những chỗ ấy khoảng cách thời gian giữa người kể (người nghe) với người trong truyện đã bị san bằng để tạo thành tính đồng thời, đương thời của tiểu thuyết.

"Tính thời sự" của sự kiện được miêu tả còn được thể hiện ở khuynh hướng kêu gọi người đọc dùng kinh nghiệm riêng để lý giải truyện. Truyện Nôm thoát thai từ lối kể chuyện dân gian nên thường giữ mối quan hệ chặt chẽ với người nghe của mình thể hiện trong lời mở đầu và kết thúc. Nhưng ở Truyện Kiều sự hướng tới người đọc thể hiện ngay trong nguyên tắc cắt nghĩa sự kiện. Cơ sở tính thuyết phục của sự kiện nằm ngay trong kinh nghiệm và thể nghiệm của mỗi người, không trừ một ai:

- "Cho hay là thói hữu tình

Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong!"

- "Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người!"

"Thịt da ai cũng là người

Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau!"

- "Nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng

Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?"

- "Lệnh quan, ai dám cãi lời

Ép tình mới gán cho người thổ quan"

Trong các lời đối thoại của nhân vật phần nhiều cũng thể hiện kinh nghiệm và thể nghiệm cá nhân của mọi người:

Thúc Sinh:   "Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành"

Hoạn Thư:   "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai"

Tú Bà:                   "Người ta ai mất tiền hoài tới đây?"

Thuý Kiều:  "Thì con người ấy ai cầu mà chi"

                   "Công danh ai dứt lối nào cho qua"

                   "Chút lòng ân ái ai ai cũng lòng…"

Trong các trường hợp trên chữ "ai" tuy được dùng theo cách hiểu của từng nhân vật, nhưng trong khuynh hướng chung nó hướng tới kinh nghiệm phổ thông của tất cả mọi người. Hiện tượng này làm cho Truyện Kiều không giản đơn là câu chuyện quá khứ, mà chính là sự giao lưu kinh nghiệm giữa nhân vật, người kể chuyện, tác giả hàm ẩn và người đọc, như những người sống cùng thời. Và vấn đề đặt ra cho nhân vật cũng là vấn đề của tác giả và người đọc.

Tuy nhiên khoảng cách gần gũi giữa người kể chuyện và thế giới nhân vật thể hiện tập trung ở điểm nhìn trần thuật của truyện.

Người kể chuyện trong Truyện Kiều thuộc loại "người biết hết" và "biết trước" mọi chuyện (toàn tri). Nhưng người kể chuyện chỉ đứng trên nhân vật trong một số trường hợp như giới thiệu chung, phẩm bình hoặc kể bổ sung như đoạn "Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh - Vẫn là một đứa phong tình đã quen…" hay "Lầu xanh quen thói xưa nay - Nghề này thì lấy ông này tiên sư..". Còn thì tuyệt đại bộ phận trường hợp người kể chuyện lấy điểm nhìn của nhân vật làm điểm quan sát trần thuật của mình, nhìn thế giới theo con mắt của nhân vật, từ bên trong nhân vật nhìn ra. Người kể chuyện Truyện Kiều hầu như luôn luôn đặt mình vào cái bây giờ và ở đây của nhân vật để thể nghiệm mọi cảm xúc của chúng và khám phá ý nghĩa nhân cách không lặp lại của mọi sự kiện đời sống. Phong cảnh Truyện Kiều không phải là một thứ phong cảnh tĩnh tại, muôn thuở, trừu tượng được thấy từ một điểm nhìn siêu cá thể như trong thơ Đường(5), mà là được mở ra trong không - thời gian, theo bước chân, cái nhìn, cảm xúc của con người cụ thể:

"Bước lần theo ngọn tiểu khê(*)

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nướ cuốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang"

Phong cảnh gắn với điểm nhìn của nhân vật. Lời người kể chuyện ít khi thông báo những cái đã biết trước và có sẵn trong ý định của mình. Mọi vật trong truyện đều hiện ra dần dần qua cảm giác, suy đoán của con người đứng trước cảnh như những phát hiện lần đầu trong cuộc sống:

- "Trông chừng thấy một văn nhân"

- "Bóng hồng nhác thấy nẻo xa"

          - "Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua"

          - "Cuối tường dường có nẻo thông mới rào"

          - Dưới đào dường có bóng người thướt tha"

          - Quanh tườngra ý tìm tòi ngẩn ngơ"

          - Lần nghe canh đã một phần trống ba…"

Con người của Truyện Kiều sống hoàn toàn trong hiện tại nên tương lai luôn luôn hiện ra trong lo âu, phấp phỏng, đợi chờ:

- "Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm nămbiết có duyên gì hay không?"

- "Rồi ra lạt phấn phai hương

Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?"

-"Ở trên còn có nhà thông,

Lượng trên trông xuống biết lòng có thương?"

Khi phải thực hiện một điều gì con người của Truyện Kiều không nghĩ là sẽ làm được nhanh chóng trọn vẹn như trong thế giới cổ tích, mà là đầy lo âu, phấp phỏng:

- "Gọi là gặp gỡ giữa đường

Hoạ làngười dưới suối vàng biết cho"

- "Lời vàng vâng lĩnh ý cao

Họa dần dầnbớt chút nào được không?"

Như vậy là nhân vật Truyện Kiều, và qua đó là người kể chuyện của nó, luôn luôn thấy, cảm, nghĩ một cách hiện thực, luôn luôn tính tới quy luật phát triển tuần tự, tính ngẫu nhiên, vô thường, phi phỏng của đời sống.

Có thể thấy rõ là khoảng cách gần gũi với cuộc sống được miêu tả đã làm cho Nguyễn Du thể hiện thực tại trong tính chân thực sâu sắc của chúng. Và đó là một hiện tượng hợp quy luật. Viện sĩ D.X.Likhachôp nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga cổ đã nhận định: "Nét đặc trưng thứ hai của chủ nghĩa hiện thực (nét thứ nhất là việc làm nổi bật yếu tố nhân cách và phong cách cá nhân - T.Đ.S) là sự xuất hiện những khoảng cách ngắn trong nghệ thuật: sự gần gũi của tác giả đối với các nhân vật mà anh ta miêu tả, chủ nghĩa nhân đạo trong ý nghĩa sâu rộng của từ này, cái nhìn mật thiết đối với thế giới, không phải nhìn từ bên ngoài mà là từ bên trong con người - dù đó là con người tưởng tượng chăng nữa, miễn là nó gần gũi với người đọc và tác giả"(6).

Một phương diện khác rất quan trọng trong thi pháp Truyện Kiều là cái nhìn nghệ thuật nhiều chiều đối với các hiện tượng đời sống được miêu tả. Khác với các truyện cổ tích, truyện diễn nghĩa và các truyện Nôm khác, các sự kiện thường được nhắc tới một lần với cái nhìn một chiều. Ở Tấm Cám, Thạch Sanh cái nhìn của người kể chuyện chủ yếu tập trung vào phía kẻ chủ động làm điều ác, còn tâm lý người bị hãm hại thì bị giản lược đi để điều ác được thực hiện dễ dàng. Ở Tam Quốc diễn nghĩa, đó là sự giản lược nhu cầu nội tâm cá nhân của Điêu Thuyền để cho "liên hoàn kế" của Vương Tư Đồ dễ được thực hiện. Nếu có lúc nào cần kể lại một sự kiện cho người khác trong truyện nghe thì người ta lặp lại nguyên xi. Đặc sắc trong Truyện Kiều là ở chỗ đã bố trí sao cho phần lớn các sự kiện trong đời Kiều được nhìn nhận và bình luận từ các góc độ khác nhau.

Về việc bán mình, Nguyễn Du có cái nhìn từ phía chuẩn mực đạo đức xã hội đương thời: "Làm con trước phải đền ơn sinh thành"; nhưng ông còn có cái nhìn từ góc độ tồn tại cá nhân của nhân vật, nổi lên sự không đành lòng:

"Ôi Kim lang, hỡi Kim lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây"

Chuyện “cậy em thay lời" cũng có hai chiều: nửa cậy em, nửa không muốn. Đối với chữ trinh, có quan điểm chuẩn mực trong lời cảnh tỉnh của Kiều, nhưng cũng có lời hối hận thầm kín rất riêng tư:

"Biết thân đến bước lạc loài

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung"

Có sự dằn vặt khổ sở của Kiều và có cái nhìn bao dung của người tình Kim Trọng (Chữ Trinh kia cũng có ba bảy đường….).

Đối với việc tu hành của Kiều, Nguyễn Du có quan điểm chung về phép nhiệm mầu nơi cửa Phật:

"Cho hay giọt nước cành dương

Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên"

Nhưng từ quan điểm cá nhân thì ông xem đó chỉ là sự giam lỏng:

"Gác kinh viện sách đôi nơi

Trong gang tấc lại gấp mười quan san"

Khi Kiều ở thảo đường của Giác Duyên, nhà thơ có quan điểm bên ngoài: xem đi tu là tìm sự thanh thản "Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng"; lại có cái nhìn bên trong, đi tu là một sự tự huỷ hoại tuổi trẻ:

- "Đã đem mình bỏ am mây…"

- "Đã tu, tu trót, qua thì, thì thôi…"

Trong các trường hợp tương tự, các quan điểm chuẩn mực, duy lý đối chiếu sóng đôi với quan điểm cá nhân chẳng những không cho phép lý giải các sự kiện của truyện như những hiện tượng đơn nghĩa, mà còn mở ra một chiều sâu cuộc sống đa nghĩa mà phần lớn các truyện Nôm khác chưa dễ biết đến.

Cũng như vậy, đối với Hồ Tôn Hiến, thoạt đầu, theo quan điểm địa vị xã hội và chức tước quan phương, tác giả giới thiệu y với rất nhiều trang trọng, kính nể:

"Có quan tổng đốc trọng thần"

          Tiếp theo là cái nhìn từ việc làm tráo trở:

                   "Lễ nghi dàn trước, bác đồng phục sau"

          Có cái nhìn phát hiện của người kể chuyện:

                   "Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!"

          Và có cái nhìn của nhân vật về bản thân mình:

                   "Phải tuồng trăng gió hay sao"

Theo lý luận về nhân cách thì mỗi nhân cách được xác định trọn vẹn qua các phương diện: địa vị, quan hệ xã hội; những việc cụ thể mà người đó làm; dư luận của người khác về người đó; và ý nghĩ của người đó về bản thân mình. Trong những nét cô đọng nhất, Hồ Tôn Hiến hiện lên như một con người sống đầy đặn trong mọi phương diện của lý thuyết nhân cách. Bỏ qua cái nhìn nhiều chiều nhất quán của người kể chuyện ta dễ lầm tưởng rằng Nguyễn Du đã giới thiệu Hồ Tôn Hiến với quá nhiều nể nang không đáng có.

Phức tạp hơn hết là cái nhìn đối với Từ Hải. Chỉ riêng việc Kiều khuyên Từ Hải hàng đã có các cách nhìn khác nhau. Theo quan điểm sặc mùi quan phương thì khuyên hàng là "việc nước", là có công, là biết đường khinh trọng. Theo quan điểm cá nhân tầm thường thì đó là con đường công danh, lộc trọng, quyền cao. Theo quan điểm thực tế thì khuyên hàng chính là "giết chồng", "có tội" đối với Từ ("Nghĩ mình công ít tội nhiều"). Cái thảm hại của Kiều là chưa hết ảo tưởng về "việc nước". Quan điểm người kể chuyện cũng hai chiều. Theo kết cục, người kể tán thành với quan điểm quan phương, nhưng trước sự kiện thì xem việc khuyên hàng là một sai lầm nhẹ dạ:

"Nàng thì thật dạ tin người

Lễ nhiều, nói ngọt nghe lời dễ xiêu"

Đối với ông Trời, quan điểm của Nguyễn Du cũng khác nhau. Một mặt, khẳng định vai trò ông Trời như định mệnh tuyệt đối:

- "Người dầu muốn quyết, trời nào đã cho"

                   - "Túc nhân âu cũng có trời ở trong"

                   - "Trời kia đã bắt làm người có thân

                   Bắt phong trần phải phong trần…"

          Nhưng mặt khác lại cho rằng con người có thể thay đổi định mệnh:

"Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều"

Con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình:

          "Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương!"

Rõ ràng có mâu thuẫn chưa giải quyết trong thế giới quan của Nguyễn Du như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra. Mâu thuẫn trong thế giới quan có thể là một nhược điểm, một hạn chế. Nhưng cái nhìn nghệ thuật nhiều chiều lại là một ưu điểm, nó cho phép thể hiện thực tại trong tất cả các mâu thuẫn, trong tính chất đa thanh, phức điệu của nó. Và đấy là một đặc sắc quan trọng trong cảm quan hiện thực của Nguyễn Du, làm cho Truyện Kiều trở thành một tiểu thuyết. Tiểu thuyết theo quan niệm của M. Bakhtin là một tồn tại phi quan phương, không ăn nhập với các thể loại quan phương(7). Trong điều kiện của Nguyễn Du thì tính quan phương đã bị làm cho phai nhạt. Nếu so với truyện của Thanh Tâm tài nhân thì tính quan phương của Truyện Kiều mờ nhạt nhất. Truyện Kiều khác hẳn các tác phẩm khuyến thiện, giáo huấn, là những tác phẩm nổi bật với cái nhìn một chiều. Ở đó mọi sự miêu tả và đánh giá đều phù hợp nhau, tất cả đều rõ ràng, minh bạch. Cái nhìn nhiều chiều đã phá thế độc tôn của quan niệm phong kiến chính thống, mở đường cho quan điểm thực tiễn đi vào sáng tác. Nó làm cho tính tư tưởng của tác phẩm không phải thể hiện qua một số lời thuyết lý, mà là toát ra từ tình huống như F.Ăngghen đã nói; đồng thời đòi hỏi ở người đọc một thái độ chủ động, sáng tạo trong tiếp nhận. Dĩ nhiên cái nhìn nhiều chiều không có nghĩa là chiết trung, hỗn tạp, mà có khuynh hướng. Trong khi chưa phủ nhận hay bác bỏ được quan điểm phong kiến chính thống, chưa thể phi quan phương hoàn toàn, Nguyễn Du thiên về khẳng định sự tồn tại song song của một quan điểm khác, khẳng định các nhu cầu cá nhân con người với nội dung nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc. Đó thật là điều chưa từng có trong văn học dân tộc.

Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du về con người cho thấy ông đã đổi mới hẳn quan niệm về con người và cách miêu tả con người, tạo thành một chất lượng mới trong tác phẩm mà bề ngoài chỉ là vay mượn. Không thấy điều này thì chắc chắn không hiểu Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cách cảm nhận chủ quan của nhà thơ là một thái độ hàm chứa rất nhiều bình diện giá trị khác loại của đời sống, thể hiện đặc điểm của nhà văn lớn và luôn luôn nhìn sự vật trong một phạm vi giá trị rộng rãi, đa dạng và gần gũi với con người, khác hẳn cái nhìn hạn hẹp một chiều, mang tính chất giáo huấn.

 

(1) M.B.Khrapchencô.Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học. NXB Văn học nghệ thuật. Maxcơva. 1977, tr.66 (tiếng Nga).

(2) B.I.Bursôp.LepTônxtôi và tiểu thuyết Nga. Maxcơva và Lêningrat, 1963, tr.140.

(3) Xin xem mụcThời gian nghệ thuật trong "Truyện Kiều" ở sau.

(4) M.Bakhtin: Sử thi và tiểu thuyết (Bàn về phương pháp luận nghiên cứu tiểu thuyết). Trong sách: Mấy vấn đề văn học và mỹ học. Nxb Văn học nghệ thuật, Maxcơva, 1975, tr.456.

(*) Theo Đặng Thanh Lê và một số tác giả khác, hiện có ý kiến xem Lục Vân Tiên là truyện thơ truyền miệng dân gian. Nguyễn Đình Chiểu không phải là tác giả. Xem bài của Nguyễn Quảng Tuân. Tạp chí Văn học, số 8, năm 1994. Sách So sánh văn học Trung Quốc và nước ngoài (Đại học Nam Khai xuất bản. Thiên Tân, 1993) thì nói Lục Vân Tiên là phiên bản của tiểu thuyết Trung Quốc, tr.317.

(5) Khái niệm "thơ Đường" có hai nghĩa: 1. Tất cả mọi bài thơ thuộc đời Đường của Trung Quốc. 2. Thơ viết theo phong cách Đường. Đây dùng theo nghĩa thứ hai. 

(*) Có bản chép: "Bước dần theo ngọn tiểu khê".

(6) D.X.Likhachôp. Văn học Nga cổ và thời hiện đại, Tạp chí Văn học Nga, số 4, 1978, tr.29.

(7) M.Bakhtin Những vấn đề văn học và mĩ học, M, 1975, tr.448-449 (tiếng Nga).

Trần Đình Sử 
Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/

CÙNG CHUYÊN MỤC

Những bài thơ hay

Tản văn, bút ký

Truyện ngắn

Tác phẩm âm nhạc