Truyện Kiều - thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du (Kỳ 1)

HNTĐ

Một vấn đề then chốt trong nghiên cứu Truyện Kiều hiện nay là xác định tính sáng tạo của Truyện Kiều của Nguyễn Du, một tác phẩm sáng tác dựa vào cốt truyện và nhân vật của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, nhưng lại trở thành một kiệt tác nghệ thuật vô song.

Con đường duy nhất để giải quyết vấn đề là khám phá cái thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du được xây dựng trên một cốt truyện có sẵn đó. Truyện Kiều của Nguyễn Du mang quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Du, một quan niệm thể hiện cách nhìn, cách cảm, hệ thống giá trị tư tưởng, thẩm mĩ của ông gắn liền với truyền thống văn hoá dân tộc.

Có nhiều cách tiếp cận thế giới ấy. Nhưng theo chúng tôi, tìm hiểu cái cách Nguyễn Du hình dung về con người, về thế giới (con người, không gian, thời gian), về câu chuyện, cách kể chuyện, và cả sự thể hiện gián tiếp của nhà thơ trong tác phẩm bằng ngôn từ là quan trọng hơn cả. Nguyễn Du đã đổi thay thứ tự, tỉ lệ, màu sắc, đường nét của tác phẩm. Mới nhìn qua thì thấy không khác Kim Vân Kiều truyện là bao, mà nhìn kỹ thì lại thấy khác rất nhiều. Con đường tiếp cận này đòi hỏi phải vừa nghiên cứu so sánh, vừa xây dựng hệ thống, chỉ đối chiếu về số lượng hoặc đối chiếu về sự thêm bớt các chi tiết tự nó chưa nói lên điều gì. Cần đi sâu tìm hiểu mối liên hệ và ý nghĩa của những thay đổi ấy trên phương diện quan niệm về nhân sinh, về thẩm mĩ ta mới thấy được bản sắc của thi hào Nguyễn Du. Có thể nói Nguyễn Du đã chiếu vào tác phẩm của Thanh Tâm tài nhân một luồng ánh sáng khác, phả vào nó một luồng hơi thở khác, tô thêm những màu sắc khác và biến nó thành một thế giới nghệ thuật mới của mình. Nguyễn Du có thể không ý thức hết các quan niệm của mình, nhưng những gì ông thể hiện qua tác phẩm thì không thể nghi ngờ là không phải của ông.

Quan niệm nghệ thuật là một khái niệm mang tính chỉnh thể. Chúng ta chỉ có thể nắm bắt nó qua hệ thống ngôn từ: một cách xưng hô, một cách ví von, ẩn dụ, một lời giới thiệu sự việc, nhân vật, một hình ảnh thiên nhiên. Trước đây người ta thưởng thức những từ hay, từ đắt, những cách tả cảnh, tả tình riêng lẻ. Nay qua những từ hay, từ đắt và cách tả cảnh, tả tình ấy ta khám phá cái nhìn và quan niệm của nhà thơ. Văn bản Truyện Kiều xét riêng từng chữ, từng vế có thể còn xuất nhập giữa các bản khảo đính khác nhau, nhưng xét trên bình diện hệ thống, tổng thể thì chỉ những gì mang quan niệm nghệ thuật có hệ thống mới có ý nghĩa. Cũng như vậy, các chi tiết riêng lẻ đều có ý nghĩa của chúng, nhưng chúng tôi chỉ quan tâm trong chừng mực khi chúng bộc lộ quan niệm nghệ thuật của tác phẩm mà thôi.

Nghiên cứu thế giới nghệ thuật đem lại một cách thưởng thức mới. Thông thường người ta thưởng thức câu hay, chữ đắt, thưởng thức các nhân vật (chân dung, tính cách, lời nói, tâm lý…). Thế giới nghệ thuật cho ta khả năng thưởng thức tác phẩm như một thể toàn vẹn, một mô hình nghệ thuật. Tầm mắt người đọc tạm rời xa nhân vật cụ thể để thưởng ngoạn một cách bao quát. Chi tiết cá biệt có thể có lúc chưa chính xác, nhưng toàn cục là một cấp độ thưởng thức khác.

Năm vấn đề mà chúng tôi phác họa dưới đây chưa phải là tất cả, nhưng đó là những đường nét lớn của thế giới Truyện Kiều của Nguyễn Du.

1. Tư tưởng, nhân vật và cách kể chuyện của Nguyễn Du

Ngày nay có lẽ hầu hết học giả đều xem Truyện Kiều không phải là tác phẩm dịch hay phóng tác, mà là một tác phẩm sáng tạo đích thực. Lẽ cố nhiên, là được sáng tạo theo các quy luật của văn học trung đại, trên cơ sở vay mượn, cải biên, cải tạo một truyện có sẵn để tạo thành "một tác phẩm khác", " xuất phát từ một cảm hứng mới"(1) với "những nguyên liệu mới", "những điều nghe thấy, cảm xúc, suy nghĩ của mình trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời đại Nguyễn Du"(2).

Nhưng một vấn đề lớn được đặt ra: đâu là sáng tạo mới của Nguyễn Du? Những nho sĩ tài tử cùng thời với Nguyễn Du như Phạm Quý Thích, Thập Thanh Thị, Mộng Liên Đường chủ nhân… đều cảm nhận theo tinh thần của nguyên tác là "tài mệnh tương đố":

"Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ

Tân thanh đáo để vị thuỳ thương"

(Tổng vịnh "Truyện Kiều" - Phạm Quý Thích)

Và cảm phục tác phẩm trước hết ở phương diện văn chương. Cho đến giữa thế kỷ này vẫn có không ít người nhận thức như vậy. Ông Vân Hạc Lê Văn Hoè quả quyết: "Giá trị Truyện Kiều không ở tư tưởng, đạo đức, luân lý hay triết học, cũng không ở cốt truyện, hay cách bố cục, kết cấu, tình tiết. Cái giá trị tuyệt đối của Truyện Kiều là ở văn chương, ở kỹ thuật miêu tả, tự sự và diễn đạt tình cảm của tác giả"(3). Ông Phan Khôi trong Tập san sư phạm năm 1955 đã không tán thành cách nói này. Sự giản đơn phiến diện của ý kiến này thiết nghĩ không cần phân tích nữa. Cách hiểu “hoài nhơ nhà Lê, tự thanh minh cho mình của nhà thơ tỏ ra quá hạn hẹp.

Một số học giả khác, như Đào Duy Anh, Hoài Thanh… đã tìm tòi cái mới từ nội dung. Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc đã tổng kết và phát huy các tư tưởng đó: "Có thể nói Truyện Kiều là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại nhà thơ đang sống, trong đó Nguyễn Du muốn nêu bật sự đối lập gay gắt giữa quyền sống của con người, nhất là của người phụ nữ với sự áp bức của chế độ phong kiến lúc suy tàn. Có thể nói, một chủ nghĩa nhân đạo cao cả chừng mực nào có chiến đấu tính chống phong kiến là nền tảng vững chắc cho tác phẩm vĩ đại này"(4). Cái quan niệm về một chủ nghĩa nhân đạo như một ý thức hệ cũng còn cần được xem xét cụ thể hơn nữa.

Tiếp tục mạch chứng minh Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm khác, nhà nghiên cứu Phan Ngọc với các nguyên tắc "thao tác luận" đã chỉ ra rằng Nguyễn Du đã thay đổi chủ đề từ tình và khổ sang tài và mệnh (sự thay đổi này ông Hoàng Tuệ cũng đã chỉ ra trong một bài viết in ở Tạp chí văn học số 3 năm 1971), rằng về mặt tư tưởng, "tài mệnh tương đố" là lý thuyết của Nguyễn Du, không phải vay mượn. Ông nói: "Ở nguyên tác nó chỉ là sáo ngữ, còn ở đây nó là vấn đề nảy sinh trong một giai đoạn lịch sử nhất định"… nhưng "được Nguyễn Du nâng lên thành vấn đề của mọi thời đại". Tư tưởng này "phản ánh trung thành cách nhìn của thời đại Nguyễn Du". Mặt khác nhà nghiên cứu chỉ ra Nguyễn Du đã "sử dụng một phương pháp tự sự riêng, không có trong Kim Vân Kiều truyện, cũng như trong truyện Nôm Việt Nam trước ông, để tạo ra "một thế giới khác hẳn" đối lập với truyền thống tiểu thuyết Trung Quốc". Đó là rút gọn sự việc xuống mức tối thiểu, gạt bỏ chi tiết, để nhân vật ngồi một mình, thể hiện con người cô độc, cô đơn, không lấy hành động mà xét tâm trạng, ngược lại lấy tâm trạng mà xét hành động. Miêu tả con người đó, "Truyện Kiều là một tiểu thuyết phân tích tâm lý, dưới hình thức hiện đại". Đó là một cách đặt vấn đề mới và tiếp cận mới rất thú vị, có tác dụng mở rộng phạm vi đề tài Truyện Kiều. Phong cách học và thi pháp học ở đây đã thống nhất với nhau, nhưng tác giả chưa đi tận cùng các ý tưởng của mình(5).

Con đường đi tìm cái mới sáng tạo của Truyện Kiều tất yếu phải bắt đầu từ văn chương Truyện Kiều. Nhưng văn chương không giản đơn chỉ là câu chữ, kỹ thuật mà còn là cảm nhận, quan niệm. Ở đây chất chứa nhiều điều chưa biết về tâm hồn và quan niệm của Nguyễn Du đối với đời cũng như nghệ thuật tự sự, miêu tả nhân vật của ông.

Xét chủ đề(6) của Nguyễn Du trong tác phẩm thiết nghĩ phải theo dõi cách mở và kết của tác phẩm. Mở đầu bằng:

"Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau"

rồi kết thúc với sự trăn trở:

"Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"

thì ta phải thấy Truyện Kiều không chỉ là câu chuyện "tài mệnh tương đố" mà còn là câu chuyện về chữ tâm, về mối quan hệ giữa tài và tâm.

Là tác phẩm mượn cốt truyện của một tiểu thuyết thuộc loại tài tử - giai nhân, dĩ nhiên, Truyện Kiều có rất nhiều người tài. Ông Phan Ngọc đã phân tích rất thú vị: một buổi sáng thanh minh nàng Kiều "tài sắc" cùng hai em đi chơi. Chung quanh họ "Dập dìu tài tử giai nhân". Họ dừng lại trước nấm mồ, thì đó là nấm mồ của người "Nổi danh tài sắc một thời". Kiều gặp chàng trai thì đó là "bậc tài danh", một "thiên tài". Từ Hải rõ ràng là anh tài - Từ là "đấng anh hùng", "anh hào". Hồ Tôn Hiến cũng"kinh luân gồm tài". Sở Khanh, một tên điếm, cũng biết làm thơ, ngâm vang lên. Thúc Sinh cũng biết làm thơ Đường luật. Nguyễn Du đã tạo ra một thế giới mà trong đó hầu như mọi người ai cũng biết khen tài, trọng tài. 11 người, từ thầy tướng, Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư, viên quan… ai ai cũng thừa nhận tài của Thuý Kiều; 6 người, từ Kiều, Hồ Tôn Hiến, viên lại già…. đều thừa nhận Từ Hải là anh hùng.

Nhưng mặt khác, con người trong Truyện Kiều không chỉ đề cao Tài, mà còn đề cao chữ Tâm, tấm lòng. Tấm lòng là nguyên tắc cao nhất mà mọi người phải nể nang, tôn trọng. Các nhân vật như chỉ đem tấm lòng ra mà đối đãi với nhau.

Thuý Kiều và Kim Trọng đã hẳn là nêu cao tấm lòng trong quan hệ với nhau. Họ như trừu tượng cái "tôi" đi để đối diện với nhau như những tấm lòng, tự xưng và xưng nhau là "lòng":

"Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang"

"Trách lòng hờ hững vớilòng"

"Lấy lòng gọi chút sang đây tạ lòng"

"Để lòng thì phụ tấm lòng với ai"

"Thiệt lòng khi ở, đaulòng khi đi"

"Nghĩ lòng lại xót xa lòng đòi phen".

Kiều với Đạm Tiên cũng thế:

"Đã lòng hiển hiện cho xem,

Tạ lòng nàng lại nối thêm vài lời"…

Kiều tự tử là để tạ tấm lòng của Từ Hải, xin trời nước chứng giám:

"Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông…"

Những kẻ không có lòng hoặc lòng hờ hững, nông cạn hay độc ác cũng đều nêu cao chữ lòng. Bởi nếu không thế thì chúng không thể trà trộn vào thế giới của Nguyễn Du, thế giới đề cao tấm lòng.

Tú bà:                   "Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi!"

Sở Khanh:   "Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng!"

Thúc Sinh:  "Lòng đâylòng đấy chưa tưng hay sao?"

Bạc Hạnh:   "Trước sânlòng đã giải lòng"

Hoạn Thư:   "Đêm ngày lòng những giậnlòng"

                   "Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra".

Như vậy là giống như tài, lòng (chữ tâm) cũng là một nguyên tắc ứng xử có tính phổ quát trong truyện.

Tài là biểu hiện của phẩm chất và cá tính (tài đàn, văn thơ, tài thu xếp công việc…), đóng một vai trò nhất định trong truyện: do có tài mà tình yêu của Kiều sâu sắc thêm, có tài nàng mới bán được giá cao, nhờ có tài làm thơ nàng mới thoát được trận đòn và khỏi bị trả về lầu xanh, có tài nàng mới được Hoạn Thư bớt giận, cũng do có tài mà nàng lại mang thêm vạ: bị Hoạn Thư hành hạ và phải lừa rồi hầu rượu Hồ Tôn Hiến. Tuy vậy, Truyện Kiều không phải là truyện được sáng tạo ra nhằm bộc lộ tài và đề cao tài, thử thách tài. Sau khi đã tước bỏ hết các bài thơ mà nhân vật làm, tổng cộng là 104 bài, bỏ bớt các chi tiết mưu mẹo thu xếp công việc vốn có vị trí không nhỏ trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân thì cái tài của nhân vật do đó cũng nhạt đi và trừu tượng hơn. Trong Truyện Kiều tài của Kiều chủ yếu chỉ là cái cớ để nàng bị cuốn vào tai vạ, phù hợp với tư tưởng "tài mệnh tương đố".

Nhưng tài không phải là lý do chủ yếu của truyện. Lý do đó là chữ Tâm, cũng tức là cái tình, tấm lòng của nhân vật chính. Chính chữ tâm làm cho Kiều phải nể lòng, nhận lời và đến với Kim Trọng; chữ tâm làm cho nàng than khóc Đạm Tiên; chữ tâm thúc giục nàng bán mình chuộc cha, cậy em thay lời; chữ tâm khiến nàng tự sát, khiến nàng nhắm mắt chạy theo Sở Khanh, khiến nàng cam phận làm lẽ, khuyên Thúc Sinh về, khiến nàng chọn Từ Hải, báo ân báo oán, tha bổng Hoạn Thư, khuyên Từ Hải hàng để rồi chết theo Từ Hải; cuối cùng là giữ tình cầm cờ với chàng Kim Trọng. Chữ tâm rõ ràng đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong cốt truyện, thúc đẩy sự kiện phát triển. Truyện Kiều có thể nói là truyện được sáng tạo ra chủ yếu để thử thách cái tâm con người. Và thực sự đó là tiểu thuyết về chữ tâm. Chính người đọc yêu mến Kiều không phải vì nàng tài, mà vì nàng có một tấm lòng trinh bạch, nghĩa khí, giàu tình cảm. Toàn bộ sáng tạo của Nguyễn Du chủ yếu là làm cho chữ tâm của nhân vật chính được bộc lộ trọn vẹn và sâu sắc: các mâu thuẫn nội tâm được đào sâu và đẩy tới cao độ, các hoạt động nội tâm được chú ý khắc hoạ, các đoạn tả tình cảnh cô đơn, mong nhớ, các đoạn tả cảnh được khai thác triệt để, các cảnh chia ly được tả thống thiết đã tạo thành một tiểu thuyết tâm lý, đúng như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét. Nếu chủ đề của truyện chỉ là "tài mệnh tương đố" thì không nhất thiết phải khổ công để nhân vật ngồi một mình và tập trung khắc hoạ tâm lý làm gì. Chủ đề đích thực phải tương ứng với hệ thống nghệ thuật.

Nhưng Truyện Kiều không chỉ có chữ Tài, chữ Tâm, mà còn có chữ Thân. Từ điển ”Truyện Kiều" của Đào Duy Anh thống kê có 63 chữ thân với nghĩa là mình, tức thân thể. Tâm là phương diện, "hình nhi thượng", là đời sống tinh thần, là lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo lý. Thân là "hình nhi hạ", là cái phần vật chất duy nhất của con người, là phần hữu hạn, bé nhỏ dễ hư nát và đau đớn nhất của bất cứ ai. Thân cũng là phần của vô thức, của bản năng con người. Thân là phần riêng tư nhất mà người ta có thể liều, có thể giết, có thể đem cho. Thân là phần quý giá nhất, có thân mới có người, có vui sướng, có phúc phận. Cuộc đời lưu lạc của Kiềulà chuỗi ngày đày đoạ tấm thân. ý thức về thân chính là ý thức về cái phần cá nhân riêng tư nhất, thực tại nhất của con người. Truyện Kiều là một truyện thương thân, xót thân, thấm thía nhất:

- "Đau lòng tử biệt sinh ly,

Thâncòn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên"

- "Trùng phùng dù hoạ có khi

Thânnày thôi có còn gì mà mong!"

- "Nàng rằng trời thẳm đất dày,

Thânnày đã bỏ những ngày ra đi!"

- "Rằng tôi bèo bọt chút thân"

- "Thân lươn bao quản lấm đầu,

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!"

- "Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân"

- "Cửa người đày đoạ chút thân"

- "Chút thân quằn quại vũng lầy"

- "Đànhthân cát dập sóng dồi"

- "Thân sao thân đến thế này

Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi"

- Đã không biết sống là vui,

Tấmthân nào biết thiệt thòi là thương!"

Truyện Kiều đã được xây dựng sao cho nhân vật tự cảm thấy được cái thân đau đớn, ê chề, nhục nhã của mình.
Chữ thâncòn được ý thức qua các chữ một mình (21 chữ), chữ mình (96 chữ), là cái phần riêng nhất, người ngoài không thể biết: "Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi". Chữ thân cũng được ý thức qua chữ riêng (37 chữ): "Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình". Tổng cộng là 220 chữ nói về thân, một mật độ không phải là ít.

Bảo rằng "tài mệnh tương đố" là chủ đề của Truyện Kiều thì chủ đề này không thể có tính phổ quát được, bởi vì không phải ai ai cũng có tài. Chính tư tưởng này phân biệt thế giới tài tình với thế giới thiện ác - xung quanh, một tư tưởng hạn chế vốn có của tiểu thuyết tài tử - giai nhân với cội nguồn Nho giáo.

Muốn sử dụng cơ chế suy luận Phật giáo để nâng cao tầm khái quát thì phải dùng chữ thân và chữ khổ - có thân là có nghiệp, có nghiệp là có khổ! Mà đã chuyển sang chữ thân thì chủ đề chính không còn là "tài mệnh tương đố" nữa! Chữ thân là phổ quát nhất. Bởi ai mà chẳng có thân! Chữ thân, chữ mình, chữ riêng, chữ ai đã làm cho Truyện Kiều tuột khỏi mệnh đề "tài mệnh tương đố" để chuyển sang mệnh đề con người nói chung:

- "Trời kia đã bắt làm người có thân"

- "Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao"

- "Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai"

- "Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần"

- "Đã mang lấy nghiệp vàothân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa"

- "Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".

Vậy là tài mệnh là trường hợp riêng của thân mệnh (nghiệp), mà muốn vượt lên con người chỉ có thể dựa vào chữ tâm. Ta có thể nói chủ đề cơ bản của Truyện Kiều là "thân mệnh tương đố" và đó là sự phản ánh không phải tình trạng khoe tài, bán tài để kiếm ăn, mà là phản ánh tình trạng khổ nạn sâu nặng, phổ biến của kiếp người mà Nguyễn Du đã trông thấy và thể nghiệm. Tài chỉ là trường hợp nổi bật của thân để càng thêm dễ cảm thấy đau khổ của kiếp người, cũng như số phận oan trái của người cung nữ đã giúp Nguyễn Gia Thiều hiểu thấu sự bất hạnh, hư vô của kiếp người, chứ không phải nói riêng về đời người cung nữ.

Một khi đã nói "làm người có thân", "một người dễ có mấy thân", thì chủ đề Truyện Kiều hướng tới vấn đề con người phổ quát, vượt lên giới tính, tài năng, bẩm phú.

Than thân, thương thân, xót thân là một chủ đề văn học phổ biến trong thơ cổ điển và trong ca dao dân tộc. Nguyễn Du đã chuyển chủ đề tình khổ sang tâm khổ, thân khổ, chuyển "tài mệnh tương đố" sang "thân mệnh tương đố", biến một chuyện tài tình bất hủ thành một tiếng đoạn trường, một tiếng kêu thương như Hoài Thanh nói. Nhà thơ Tố Hữu đã cảm nhận rất đúng cái hồn của Truyện Kiều:

"Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân

Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều"

Thương thânchứ không phải thương tài, tiếng thương chứ không phải câu chuyện bất hủ! Đó là linh hồn mới của Truyện Kiều, là "hồn Trương Ba" mà cốt truyện cũ của Thanh Tâm tài nhân chỉ là "xác cha hàng thịt", làm cho tác phẩm hết sức gần gũi thân thiết với mọi tâm hồn Việt Nam.

Nếu đặt trong lịch sử tư tưởng văn học Việt Nam thì chữ thân này có một vị trí đặc biệt. Từ chữ "thân" bị phủ nhận trong thơ thiền ("Thân như tường bích khi sụt lở", "Thân như ánh chớp có rồi không"…) qua chữ "thân nhàn" trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm được cảm nhận qua tính khí, muốn được hoà hợp nuôi dưỡng trong cảnh vật, thiên nhiên, trong đạo, không "để lợi danh vây", đến chữ "thân" thời cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX của Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du… đã có một sự nhảy vọt: thân như một thực thể hoàn chỉnh của sự sống, có nhu cầu tồn tại độc lập, có khao khát được thoả mãn, được hưởng thụ. Thơ Hồ Xuân Hương chẳng gì khác hơn là tiếng réo gào không cần che đậy của một cái thân đã ý thức về nhu cầu của mình mà không được thoả mãn: "Thân này đâu đã chịu già tom!". Nguyễn Gia Thiều giấu chữ thân đằng sau những hoa hải đường, cành diêu đoá nguỵ, bướm, ong, trăng gió khao khát mây mưa, nhưng không thoả mãn: "Nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình". Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm cũng diễn đạt chữ thân đòi hỏi và lỡ làng qua các hình ảnh chim, hoa, cây, cỏ, nhưng vẫn không giấu được nội dung khao khát của cái thân thực tế mà không giấc mộng mơ nào khuây khoả được:

- "Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi

Vì chàng thân thiếp lẻ loi mọi bề"

- "Giận thiếp thân lại không bằng mộng

Được gần chàng bến Lũng thành Quan

Khi mơ những tiếc khi tàn

Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không!"

Thời đại Nguyễn Du là thời đại thức tỉnh của chữ thân mà Truyện Kiều là biểu hiện sâu sắc nhất. Thân là cơ thể thiên nhiên tươi đẹp quyến rũ:

"Rõ ràng trong ngọc trắng ngà

Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên"

Thân là tài hoa, sắc đẹp. Thân là cái quý nhất, duy nhất:

- "Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên"

- "Đục trong thân cũng là thân"

Khẳng định chữ thân thì không thể cảm nhận cửa Phật là nơi giải thoát, mà chỉ là nơi chôn vùi cuộc đời, là nấm mồ chôn người sống:

"Đã đem mình bỏ am mây

Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa!"

Thân là sự sống:

"Thịt da ai cũng là người

Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau"

Thân là thân phận: bèo bọt chút thân, chút thân lạc loài, tấm thân quằn quại vũng lầy, thân tôi đòi, thân cát đằng, thân cát dập sóng dồi…

Thân vừa là lòng, vừa là nhu cầu vô thức:

"Nghe lời nàng đã sinh nghi

Song đà quá đỗi quản gì được thân"

Thân là một bộ phận của cơ thể gia đình: chiếc lá lìa cành, hoa dù rã cánh lá còn xanh cây…

Chủ nghĩa nhân đạo của thời đại Nguyễn Du lấy chữ thân làm nền tảng mà Truyện Kiều là đỉnh cao. Và sự sáng tạo ra Truyện Kiều là kết tinh của văn mạch dân tộc. Mấy câu sau đây diễn đạt rõ khuynh hướng tư tưởng cơ bản của Truyện Kiều:

"Xót thay chiếc lá bơ vơ,

Kiếp trần biết rũ bao giờ cho xong?

Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,

Xót thân chìm nổi, đau lòng hợp tan"

          Đây là một tư tưởng của người trong cuộc, trong đó xót thân gắn chặt với đau lòng, một khía cạnh khác của chữ tâm. Chữ tâm trong Truyện Kiều một mặt là mang nội dung trung, hiếu, tiết, nghĩa, trinh, lễ, nhân trong hệ thống đạo đức phong kiến đương thời; nhưng mặt chủ yếu hơn, tâm là tâm tính, tâm tình, nhân tình bao gồm tình cảm thương thân, thương người, thương tài, những biểu hiện của ý thức cá nhân. Đạo đức là sản phẩm xã hội kèm theo của mỗi cộng đồng. Đạo đức phong kiến chỉ là nguyên tắc duy trì cộng đồng phong kiến, đảm bảo an toàn cho nó. Kiều bán mình để bảo toàn gia tộc. Kiều cam phận lẽ mọn cũng là duy trì gia tộc cho Thúc Sinh. Kiều khuyên Từ Hải hàng là bảo toàn cho quốc gia. Kiều giữ chữ trinh là để bảo toàn tôn nghiêm của gia đình Kim Trọng sau này. Trong hệ thống đạo đức ấy không có nguyên tắc đạo đức nào đảm bảo an toàn cho cá nhân, cho tài năng và sắc đẹp. Bởi vậy khi hy sinh để thực hiện các nguyên tắc đạo đức để bảo toàn cộng đồng rồi, Kiều mới một mình thể nghiệm dư vị cay đắng, đau đớn, nhục nhã của riêng mình. Tình yêu là phạm trù cá nhân. Bất hạnh là phạm trù thuộc số phận cá nhân. Cảm nhận về nỗi đau khổ là một biểu hiện của ý thức về cá nhân. Văn học mang tư tưởng thiền, chủ tâm diệt khổ hẳn không xem khổ là khổ. Văn học mang tư tưởng Lão Trang "tề vạn vật", "tề thị phi", "vật ngã lưỡng vong" (vạn vật như nhau, đúng sai như nhau, ta và vật đều lãng quên) thì hẳn cũng không còn gì mà đau khổ. Văn học mang tư tưởng Nho gia chủ trương an bần lạc đạo, sát thân thành nhân, coi chết như về, trung, hiếu, tiết, nghĩa, thì ngoài cái hận về sự nghiệp chưa thành, đau vì đời vô đạo, hẳn cũng không coi khổ là khổ. Những Dự Nhượng, Do Vu, Điêu Thuyền, Hoàng Cái, Quan Vũ… làm sao cảm thấy được cái đau khổ của kiếp người. Ngay Kim Vân Kiều truyện tuy sáng tạo nhiều chi tiết đày đoạ con người nhưng với tinh thần biểu dương "ngọc không mài sao biết ngọc sáng, trầm không đốt sao biết trầm thơm" thì làm sao cảm nhận được cái khổ?  Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, những người "phỏng dạng đạo tiên nho", luôn lấy tu thân làm đầu, chỉ buồn vì cảnh đời vô đạo, hoặc vì chưa tròn nghĩa quân thần, chứ không đau khổ. Đau khổ là phạm trù của chúng sinh đời thường. Chỉ khi ý thức hệ phong kiến tan rã, phai nhạt, không còn sức ràng buộc nữa, con người đời thường mới cảm thấy được sự đau khổ của mình. Xét về mặt này, tiếng mới "đoạn trường" xót thân, thương mình của Nguyễn Du là một tư tưởng của thời đại. Tư tưởng này đã có ở Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái,… nhưng ở Nguyễn Du nó được thể hiện phong phú nhất, thấm thía nhất.

Sáng tạo Truyện Kiều nghĩa là phải nhào nặn lại Kim Vân Kiều truyện để thể hiện một tư tưởng khác, một tư tưởng mới. Nhược điểm căn bản của nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều khi tìm hiểu tính sáng tạo của Nguyễn Du thường tiến hành đối chiếu trên cấp độ "cốt truyện", chỉ ra Nguyễn Du thêm chỗ này, bớt chỗ nọ, kết quả là phải thừa nhận rằng Nguyễn Du đã dựa sát vào cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện. Nhưng vấn đề ở chỗ khác, đó là quan niệm mới về nhân vật và cách kể. Nhân vật vay mượn có thể được miêu tả theo những trọng tâm, điểm nhấn khác và trở thành nhân vật khác. Một cốt truyện được vay mượn mà cách kể khác cũng tạo thành một truyện khác. Then chốt của vấn đề là Nguyễn Du đã cắt nghĩa và kể lại truyện theo nguyên tắc mới nào.

Để hiểu những điều này ta hãy nhận rõ đặc điểm của Kim Vân Kiều truyện. Là một tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện có rất nhiều truyện nhỏ: truyện tình yêu nam nữ bi hoan ly hợp, gặp gỡ, chia lìa, đoàn viên; truyện vu oan giá hoạ, truyện bán mình chuộc cha, truyện mua người vào nhà chứa, ép buộc tiếp khách, truyện chuộc người hoàn lương, truyện đánh ghen, truyện báo ân báo oán, truyện chiêu hàng. Truyện nào cũng có đầu có mối với rất nhiều chi tiết. Nhưng vấn đề là phong cách kể. Một là tác giả Trung Quốc rất quan tâm tới phương diện nguyên uỷ của sự việc, cơ chế của sự kiện. Chẳng hạn bị thằng bán tơ vu oan là vu như thế nào? Làm sao cho Vương Ông chịu ký giấy bán con? Ba trăm lạng chi dùng lo lót như thế nào? Làm sao cho Kiều chịu tiếp khách? Ở đây thiếu cơ mưu, mẹo mực là không xong. Hình như người nghe chuyện Trung Quốc rất quan tâm mặt này, họ không chấp nhận để sót một sự việc nào mà không giải thích, không có lý do. Thứ hai, người Trung Quốc thích câu chuyện phải kỳ. Kỳ là một phạm trù mỹ học quan trọng của Trung Quốc. Người ta nói: "Vô kỳ bất truyền", kỳ là ngẫu nhiên, kỳ lạ, hiếm có, khác thường. Do đó mà bất hủ. Kim Vân Kiều truyện đầy rẫy những chuyện kỳ. Thuý Kiều khóc mồ vô chủ là kỳ, tự đến với người tình, tự hứa việc trăm năm cũng kỳ, tự quyết định bán mình càng kỳ, bài học bảy chữ, tám nghề của mụ Tú khá kỳ, ông quan xử vụ Thúc Ông rất ly kỳ, cách đánh ghen của Hoạn Thư quá kỳ, các kiểu báo ân, báo oán lạ kỳ, việc Kiều và Đạm Tiên hò hẹn ở sông Tiền Đường đã kỳ, mà có người đóng bè chực vớt lại càng kỳ, cuối cùng Kim Trọng đã cưới Thuý Kiều, nhưng vẫn chỉ là bạn cầm kỳ lại càng kỳ nữa! Hết cái kỳ này đến cái kỳ khác. Thanh Tâm tài nhân quả đã khổ tâm bày đặt, sắp xếp cho sự việc kỳ lạ chồng chất, mong gây được ấn tượng không quên, để được bất hủ. Thứ ba, người Trung Quốc rất quan tâm chữ "xảo", tức là khéo. Người xưa nói "Vô xảo bất thành thư" (Không khéo thì không thành sách hay). "Khéo" là kể tới chỗ hay thì dừng lại, kể sang chuyện khác để người đọc đợi chờ, sắp xếp những chuyện ngẫu nhiên gặp nhau, như thể người vô tình mà trời hữu ý, tạo những sự hiểu lầm… Trong Kim Vân Kiều truyện cái "xảo" thể hiện ở chỗ bố trí cho nhiều sự việc lặp lại bề ngoài giống nhau mà bên trong khác nhau: Kiều nhiều lần đánh đàn, nhiều lần lấy chồng, nhiều cuộc ra đi, nhiều lúc đi tu, nhiều lúc nhớ nhà… mà mỗi lúc một khác. Rồi Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư cùng nghe một tiếng đàn mà tâm trạng hoàn toàn khác nhau. Thế là "đồng trung hữu biệt". Cuối cùng là "thực hư tương giao", người thật mà việc hư cấu, người thật sống cùng người hư cấu. Tình và mộng ảo xen nhau. Người xưa cho rằng người sống tất có tình, tình say thì có mộng, mộng là do du hồn mà tạo nên. Ở đây mộng đã mở rộng không gian, nối liền hư và thực, dương với âm, hiện tại, quá khứ và tương lai, nhưng mộng cũng là phần vô thức của con người.

Vay mượn hệ thống nhân vật và sự kiện của Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Du không tránh khỏi tiếp thu các thi pháp vốn có của truyện Trung Quốc. Nhưng ông không chạy theo và phát huy các thi pháp ấy, mà sáng tạo lại. Nguyễn Du không đặt trọng tâm ở việc, mà ở "khúc đoạn trường". Muốn vậy, ông phải làm cho tấm lòng nhân vật nổi lên ở bình diện thứ nhất và đồng thời lược bỏ “tàn nhẫn” các chi tiết. Đây không chỉ là yêu cầu của việc chuyển đổi thể loại từ tiểu thuyết văn xuôi sang truyện thơ, mà chủ yếu do quan niệm. Tước bỏ chi tiết tức là tước bỏ các yếu tố mang cái nhìn và phong cách của Thanh Tâm tài nhân, tước bỏ tính cụ thể, xã hội của đời sống Trung Quốc làm cho cốt truyện trở nên trừu tượng hơn, phổ biến hơn và thuần khiết hơn, và trên cái nền ấy Nguyễn Du mới thể hiện cái nhìn và quan niệm của mình. Nguyễn Du dùng biện pháp lược thuật để vừa bỏ chi tiết, vừa đảm bảo tính nhất quán của cốt truyện. Chẳng hạn việc vu oan, ông chỉ nói hai câu: "Hỏi ra sau mới biết rằng - Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ". Việc dự kiến đút lót, hối lộ chỉ nói trong hai câu: "Tính bài lót đó luồn đây - Có ba trăm lạng việc này mới xuôi". Mưu kế của Thúc Sinh dùng Vệ Hoa Dương để chuộc Kiều cũng chỉ lược lại trong mấy câu. Là người có quan niệm "Thịt da ai cũng là người", Nguyễn Du cũng lược bỏ các chi tiết tra tấn hành hạ con người rất dã man của Kim Vân Kiều truyện. Ông cũng được bỏ các bài học tiếp khách của mụ Tú trong mấy dòng.

Điều sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du là biến nhân vật chính từ con người đạo lý thành con người tâm lý. Ở Trung Quốc, nhân vật của Tam Quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử và cả của Kim Vân Kiều truyện, căn bản là con người đạo nghĩa, nghĩa lý. Thiên Hoa Tàng chủ nhân trong bài Tự viết cho Kim Vân Kiều truyện chủ trương xét rõ "u tình" cũng nhằm thuyết minh tính hợp đạo nghĩa của con người trong tình huống phức tạp. Đến Nho lâm ngoại sử (Chuyện làng nho) đặc biệt là Hồng lâu mộng thì con người tâm lý mới được khẳng định. Theo lời bình của Chi Nghiễn Trai thì "Hồng Lâu mộng chỉ xoay quanh có một chữ tình, tác giả của nó muốn cả thiên hạ đều đến khóc cho chữ tình này". Tào Tuyết Cần mong thể hiện cho được "chân tình" mà không câu nệ vào sự thực, ông chú trọng những tình cảm hiểu được nhưng không giải thích được, người đẹp phải có điểm xấu điểm xuyết vào,…(7) Ở phương Tây tiểu thuyết tâm lý được công nhận bắt đầu từ Ruđônphơ (1807) của B.Côngxtăng(8). Ở Phương Đông hay phương Tây, tiểu thuyết tâm lý chỉ xuất hiện khi phát hiện ra con người cá nhân cùng với những biểu hiện mâu thuẫn giữa bên trong và bề ngoài, những tâm lý không phù hợp với logíc, đạo lý, như lòng hiếu danh, tính vị kỷ, trạng thái u uất, sự lãnh đạm, thờ ơ, sự chán chường mỏi mệt, những hành động trái ngược với tình cảm… Nói chung là phát hiện ra những thói xấu và sự phi lí, khó hiểu, bất ngờ của tâm tính con người. Xem thế, ta thấy việc chú trọng con người tâm lý của Nguyễn Du cũng nằm trong quy luật chung của văn học nhân loại. Nhưng do sự ràng buộc của ý thức phong kiến còn nặng nề, ý thức cá nhân chỉ mới được biểu hiện ở khía cạnh "xót thân, đau lòng". Yếu tố đạo lý, nghĩa lý vẫn còn nguyên, nhưng trọng tâm đã chuyển sang mặt tâm lý: Nguyễn Du muốn cho thấy con người đạo nghĩa ấy đã khổ đau như thế nào.

Chính điều này làm cho Nguyễn Du chuyển đổi trọng tâm miêu tả từ con người hành động sang con người tâm trạng, từ tâm trạng mà miêu tả nhân vật, cảnh vật. Ông đổi thay điểm nhìn trần thuật: không phải kể chuyện từ bên ngoài, mà kể theo cái nhìn của nhân vật, từ tâm trạng nhân vật mà nhìn ra. Từ điểm nhìn này Nguyễn Du chỉ tái hiện lại các sự kiện trong chừng mực đủ khêu gợi, bộc lộ nỗi lòng riêng tư, thầm kín của nhân vật là được.

Đây là một loại truyện tâm lý độc đáo. Nguyễn Du chưa có truyền thống phân tích tâm lý theo kiểu giải thích tính quy định của điều kiện sống, sự tác động của môi trường xã hội, lịch sử đã làm biến đổi tâm lý nhân vật như những nhà văn xuất hiện đồng thời và sau ông ở phương Tây: Xtăngđan, Bandăc, Phlôbe,… Nguyễn Du cũng không tạo ra những nhân vật mà tâm lý làm biến đổi biểu hiện của con người, chẳng hạn như Bảo Ngọc yêu đến si mê, ngốc nghếch trong Hồng Lâu mộng của Tào Tuyết Cần. Trong giới hạn của thể loại truyện thơ, Nguyễn Du tạo điều kiện cho nhân vật được bộc lộ đầy đủ tâm trạng của nó như là những con người cá nhân phổ biến.

Nếu Kim Vân Kiều truyện thiên về kể việc, thì Truyện Kiều thiên về tả tình. Chẳng hạn, đoạn Kiều gặp Kim Trọng, Nguyễn Du chỉ tập trung tả cảnh gặp mặt và cảnh chia tay, mà lược bỏ các chi tiết Kim Trọng tranh thủ liếc hai nàng, hai nàng về nhà gán ghép Kim Trọng cho nhau. Mặt khác, Nguyễn Du chuyển điểm nhìn trần thuật về cho Kiều, không tả Kim Trọng ngắm nhìn chân dung hai nàng như Thanh Tâm tài nhân, mà ngược lại, tả chân dung Kim Trọng dưới mắt hai nàng. Nguyễn Du không để hai chị em lên kiệu về trước, khiến Kim Trọng cũng lên ngựa rẽ đi lối khác, dường như không có tình cảm quyến luyến nào, như trong Kim Vân Kiều truyện, mà ngược lại, để Kim Trọng lên ngựa về trước, khiến cho Kiều quyến luyến nhìn theo. Chân dung hai nàng không tả dưới mắt Kim Trọng mà tả dưới mắt người kể chuyện theo nhãn quan tướng số đưa ra từ ngay đầu truyện.

Cũng như vậy, khi đứng trước mả Đạm Tiên, trong Kim Vân Kiều truyện chính Vương Quan bảo chị "Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa", Nguyễn Du đã chuyển ý ấy sang cho Thuý Vân để tạo thành sự tương phản giữa hai chị em và tô đậm tấm lòng của Thuý Kiều. Chỉ riêng đoạn mở đầu truyện, ta thấy Nguyễn Du đã sử dụng cốt truyện của Thanh Tâm tài nhân như một nguyên liệu để nhào nặn lại, truyền cho nó một cái nhìn mới nhằm bộc lộ nội tâm nhân vật.

Đối với Thanh Tâm tài nhân, việc sáng tác nhiều chi tiết trong đoạn này chỉ nhằm đề cao tài và đức của Thuý Kiều. Chẳng hạn đoạn Kiều sang gặp Kim Trọng, Kiều làm sẵn thơ đem tặng chàng để chàng có dịp khen thơ. Khi Kiều sang, Kim Trọng liền ôm chầm lấy nàng để nàng có dịp bày tỏ đức hạnh. Khi Kiều sang lần thứ hai, Kiều lại đề thơ bức tranh tùng để Kim lại khen tài, Kiều đánh đàn để chàng mê đắm, có cử chỉ suồng sã khiến nàng lại bày tỏ đức hạnh. Nguyễn Du đã lược bỏ nhiều chi tiết trùng lặp, nhưng cái chính là ông chú trọng miêu tả niềm vui, và khao khát tình yêu của đôi trẻ được đến với nhau, tả tài đàn, tài thơ của Kiều, tả giấc mộng ngây ngất của Kim Trọng cũng như sự đồng cảm của chàng với tiếng đàn. Tiêu điểm trần thuật của Nguyễn Du đã thay đổi.

Đồng thời Nguyễn Du khai thác triệt để các tình tiết, biến cố để bộc lộ tình cảm nhân vật, một điều mà Thanh Tâm tài nhân thường bỏ qua. Chẳng hạn, đoạn Kim Trọng chia tay với Kiều về hộ tang chú. Kim Vân Kiều truyện chỉ nói: Kim Trọng than thở, Kiều an ủi, Kim Trọng gạt lệ ra đi, Kiều lấp lại lỗ hổng nơi bức tường, không hề lột tả được một chút tình cảm thực của hai người tình yêu vừa bén. Trái lại Nguyễn Du đã dùng 38 dòng thơ lột tả cảnh chia tay với tất cả tình cảm đau đớn, rụng rời, lo âu, trống trải, cả dự cảm về tương lai ảm đạm. Ông đưa vào những tình cảm của người tình muôn thuở:

- "Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy !

Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời".

- "Buồn trông phong cảnh quê người,

Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa,

Não người cữ gió tuần mưa

Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.

Có thể nói Nguyễn Du đã bổ sung cho cốt truyện của Thanh Tâm tài nhân một phương diện tâm lý, biến nó thành cốt truyện tâm lý. Cốt truyện tâm lý là cốt truyện phơi bày quá trình phát sinh, phát triển và thay thế nhau của các trạng thái tình cảm, ý nghĩ của con người trong truyện. Tiểu thuyết tâm lý chỉ xuất hiện khi nội tâm con người được xem như một hiện tượng độc lập. Cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện có cái thế có thể phơi bày một đời sống nội tâm cực kỳ phong phú của nhân vật chính nhưng Thanh Tâm tài nhân đã bỏ qua, bởi ông chưa xem con người như một hiện tượng tâm lý thực sự.

Trên kia đã nói trong Truyện Kiều thân thể đã trở thành một trọng tâm miêu tả, cho nên trong truyện không chỉ có tâm lí, mà còn có cảm xúc, cảm giác và ngôn ngữ của thân thể của nhân vật, nó thể hiện một chiều sâu chưa từng có trong thể hiện con người của văn học trung đại. Lần đầu sang nhà Kim Trọng trọ học: “Thời trân thức thức sẵn bày, Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường.” Lần thứ hai: “Cửa ngoài vội rủ rèm the, Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.” Khi thất thân với Mã, Thuý Kiều cảm thấy cảm giác của thân thể, chứ không chỉ tâm lí: “Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình. Tuồng chi là giống hôi tanh…” Khi cảm thấy đang bị Sở Khanh lừa, nhưng không  thể dừng lại: “”Nghe lời nàng đã sinh nghi, Song đà quá đỗi, quản gì được thân.” Cảm giác thân thể nổi bật khi bị  bọn gia nhân Tú Bà rượt đuổi: “Vuốt đâu xúng đát, cánh đâu lên trời.” Cảm giác sợ hãi rất hiện sinh  khi phát hiện ra mình mắc lừa Hoạn Thư. Không chỉ Kiều mà các nhân vật khác như Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Hồ Tôn Hiến đều có ngôn ngữ thân thể của mỗi người, làm cho chúng sống động như có thật, bởi thân thể là cái phần rất vật chất của con người. Ở Truyện Kiều thân thể là nền tảng của tâm lí.

Muốn biểu hiện được nội tâm nhân vật, Nguyễn Du lại phải đổi mới hình tượngngười kể chuyện. Ở Kim Vân Kiều truyện chưa hình thành một người kể chuyện nghệ thuật. Ở đó người kể phân lập thành hai người. Một người bình luận sự việc dưới tên gọi Kim Thánh Thán đứng đầu mỗi chương và một người thực hiện chức năng kể việc đơn thuần theo kiểu: "Than xong, khách liền đi mua quan tài..", "Nói rồi, cả ba chị em đi vòng quanh bờ suối…".v.v… Thanh Tâm tài nhân lại mô phỏng lối kể chuyện của nghệ nhân dân gian chỉ thích hợp với các tình tiết gay cấn bị ngắt ra dang dở kiểu Tam Quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử với công thức: "Muốn biết sự thể ra sao xin xem hồi sau phân giải". Đối với truyện đời thường mà sự việc không có gì gay cấn và dang dở thì công thức đó tỏ ra thừa thãi, thuần tuý hình thức, không có hiệu quả gì. Chẳng hạn, cuối hồi IV của Kim Vân Kiều truyện, sau khi quyết định bán mình, đêm ấy Kiều ngồi một mình, ảo não, làm 8 bài thơ, sau đó người kể hỏi: "Muốn biết trong quãng đêm ấy có xảy ra chuyện gì, hãy xem hồi sau phân giải". Cuối hồi V sau khi tạo tình huống Vương ông không chịu ký giấy bán con gái, người kể hỏi: "Vậy nay muốn biết Vương Ông có chịu ký hay không, hãy xem hồi sau phân giải". Hồi VI kết thúc ở bữa tiệc mừng việc thu xếp trót lọt, người kể hỏi: "Chưa biết trong tiệc còn nói chuyện gì, hãy đợi hồi sau phân giải". Chương VII kết thúc ở cuộc chia tay của Kiều để ra đi với Mã, người kể lại hỏi: "Muốn biết rồi đây thế nào, xin đợi hồi sau phân giải". Châu Vĩ Dân, nhà nghiên cứu Trung Quốc (mà bài trước vừa dẫn) đã nhận xét tiểu thuyết tài tử - giai nhân thường thiếu điểm nhìn cố định, mạch lạc, chính là nói về việc thiếu vắng nhân vật kể chuyện này. Chính vì là thủ pháp thuần tuý hình thức nên Nguyễn Du đã vứt bỏ không thương tiếc.

Sáng tác một truyện thơ, Nguyễn Du phải gạt bỏ ảnh hưởng của thi pháp tiểu thuyết chương hồi, và sáng tạo một nhân vật người kể chuyện mới. Chúng ta không nên lẫn lộn tác giả với người kể chuyện trong truyện. Tác giả là người sáng tạo ra tác phẩm, ở ngoài tác phẩm. Muốn kể chuyện bằng tác phẩm tự sự, viết bằng văn tự (con chữ), nhà văn phải tạo ra người kể chuyện để thay mình kể chuyện. Lời kể là lời của người này, tuỳ thuộc vào đặc điểm, giới tính và chức năng, nhiệm vụ mà tác giả trao cho. Tác giả hiện diện trong tác phẩm như là một tác giả hàm ẩn, một sản phẩm được người đọc nhận ra và khái quát như một trung tâm giá trị trong tác phẩm, như một cái tôi thứ hai của tác giả - người sáng tác. Tác giả hàm ẩn vừa thể hiện trong người kể, vừa thể hiện trong nhân vật. Do đó đối lập nhân vật và tác giả trở nên không chính xác, và đồng nhất tác giả với người kể chuyện cũng không đúng. Mọi người đều biết Nguyễn Du ngoài đời là một kẻ ít nói, thâm trầm, ít bộc lộ quan điểm. Nhưng trong Truyện Kiều, người kể chuyện lại hay khóc, than, lên án, chửi bới, quát tháo. Rõ ràng không được đồng nhất người kể chuyện với tác giả Nguyễn Du. Người kể chuyện Truyện Kiều vừa giới thiệu, thuyết minh, miêu tả nhân vật, phong cảnh, vừa bình luận, phân tích. Người kể chuyện là người có một thái độ của mình trong lĩnh vực giá trị của truyện (xem bài Cái nhìn nghệ thuật về con người sau đây), đứng về phía nào, nhận xét như thế nào. Người kể chuyện Truyện Kiều là một người được cá tính hoá, hơn thế, lời kể chuyện được kịch tính hoá. Đây là người kể theo ngôi thứ ba (người kể giấu mình) và thuộc loại "biết hết"(toàn tri), nhưng tự giới hạn mình trong tầm nhìn như của một nhân vật (hạn tri), sử dụng điểm nhìn của nhân vật và kể chuyện như một người cụ thể: "Cảo thơm lần giở trước đèn…". Con người này bộc lộ tình cảm trực tiếp trong lời kể, khi thì mỉa mai: "Lạ gì bỉ sắc tư phong  - Trời xanh quen với má hồng đánh ghen", "Trong tay đã sẵn đồng tiền - Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì", "Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình",… khi thì dí dỏm: "Cho hay là giống hữu tình - Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong!"; khi lại thống thiết kêu trời: "Chém cha cái số hoa đào - Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi"… Nghị luận, bình luận trừu tượng trong tiểu thuyết là điều không thể chấp nhận, nhưng nghị luận kịch tính hoá như trên lại tăng cường hiệu quả thể nghiệm của người đọc đối với từng biến cố quan trọng của truyện.

Điều đặc biệt là người kể chuyện Truyện Kiều đồng thời là một nhà thơ trữ tình. Do thay đổi trọng tâm trần thuật sang thế giới tấm lòng của nhân vật, chứ không phải sự kiện bên ngoài, Nguyễn Du đã sử dụng chủ yếu không phải là kinh nghiệm tự sự Trung Hoa, mà là truyền thống trữ tình lâu đời. Nguyễn Du đã huy động tối đa các thủ pháp trữ tình để miêu tả tình cảm nhân vật. Ở đây có nhân người mà trữ tình, có nhân việc mà trữ tình, nhân sự vật mà trữ tình, nhân cảnh mà trữ tình, rồi thì nghị luận trữ tình. Bên cạnh trữ tình gián tiếp là trữ tình trực tiếp bằng những lời thiết tha, căm phẫn, cay đắng, đau đớn. Muốn đạt hiệu quả trữ tình lại phải tôn trọng quy luật của tình cảm, nghĩa là phải chân thành, tự nhiên, tinh tế, tạo thế, tạo đà. Lại phải biết sử dụng các phép tu từ, ngôn ngữ trau chuốt, tinh luyện, tao nhã. Nguyễn Du đã huy động tất cả vốn liếng trên các mặt để cực tả tấm lòng, tâm lý, ý nghĩ của nhân vật. Nhiều truyện Nôm, văn sở dĩ không hay là vì chỉ nặng về kể việc, không sử dụng vốn kinh nghiệm trữ tình tích luỹ hàng nghìn năm.

Nhân người mà trữ tình như khi Kiều nghe kể về Đạm Tiên, khi nhận ra chân tướng của Mã Giám Sinh, khi nhận ra cơ mưu của Hoạn Thư. Nhân việc mà trữ tình như đoạn Kiều sau khi gặp Đạm Tiên lại gặp Kim Trọng, các cuộc chia tay, hội ngộ. Nhân cảnh mà trữ tình như các đoạn kể Kiều trên đường đi tới Lâm Tri, Kiều trên lầu Ngưng Bích, trước cảnh vườn Thuý hoang tàn. Nhân vật mà trữ tình như khi Kiều trao kỷ vật cho em. Nghị luận trữ tình như những lời bộc bạch của người kể chuyện. Có thể nói Nguyễn Du đã cải tạo lại truyện để tạo thành một môi trường trữ tình lớn, và bất kể ai đọc đến những lời của người kể chuyện và của nhân vật đều không thể dửng dưng trước số phận nhân vật.

Lời trần thuật là lời mang chất thơ, sử dụng linh hoạt các thi liệu truyền thống. Những câu như "Thiều quang chín chục", "Cỏ non xanh tận chân trời - Cành lê trắng điểm một vài bông hoa"…. đều có tích từ thơ Trung Hoa.

Do sử dụng điểm nhìn của nhân vật, lời trần thuật thường hoà vào lời nhân vật, tạo thành lời nửa trực tiếp, tạo ấn tượng nghệ thuật sâu sắc hơn là lời tự bạch của nhân vật: người đọc thâm nhập vào tâm hồn nhân vật bằng sự chỉ dẫn của người kể chuyện.

Như vậy bằng cách đổi mới tư tưởng, đổi thay trọng tâm miêu tả nhân vật, đổi mới điểm nhìn trần thuật Nguyễn Du đã sáng tạo lại Truyện Kiều, biến một tiểu thuyết tài tử - giai nhân thành một tiểu thuyết tâm lý, đưa vào người kể chuyện mới, tổng hợp các truyền thống văn học Việt Nam và Trung Quốc, truyền thống tự sự và nhất là trữ tình, để tạo ra một kiệt tác vô song trong văn học Việt Nam và văn học thế giới.

 TRẦN ĐÌNH SỬ

(1), (2) Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX, tập II. Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978, tr. 64-76.

(3) Lê Văn Hoè. "Truyện Kiều" chú giải. Quốc học thư xã, Hà Nội, 1952, tr.10.

(4) Nguyễn Lộc. Sách đã dẫn, tr.82.

(5) Phan Ngọc. Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong "Truyện Kiều". NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.30,32,51,75,76 và các trang khác.Xin xem bình luận của chúng tôi, trong sách Lý luận và phê bình văn học. NXB, Hội nhà văn, H., 1976, tr.310-324.

(6) Trong nghiên cứu văn học hiện đại chủ đề là phạm vi quan tâm chủ quan của nhà văn đối với thế giới, là hằng số tâm lý của nhà văn, gắn với quan niệm về thế giới của anh ta. Xem Từ điển thuật ngữ văn học. Tôi đồng chủ biên, NXB Giáo dục, H., 1992, tr.44.

(7) Diệp Lãng. Mỹ học tiểu thuyết Trung Quốc, NXB Đại học Bắc Kinh, 1982, tr.202.

(8) L. Ghindơbur. Bàn về văn xuôi tâm lý. NXB Văn học Nghệ thuật, Lêningrát, 1977, tr.276.

Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/

CÙNG CHUYÊN MỤC

Những bài thơ hay

Tản văn, bút ký

Truyện ngắn

Tác phẩm âm nhạc