Tiếng thơ ai động đất trời
HNTĐ
Kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, ta lại nhớ đến bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1965 cách đây nửa thế kỷ khi nhà thơ vào tuyến lửa Khu IV. Cũng năm đó thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của tác giả Truyện Kiều bất hủ.
Thật lạ, tên của bài thơ trang trọng như một lời đề từ: “Kính gửi cụ Nguyễn Du” của một lớp hậu thế với một bậc tiền nhân, trong mạch cảm hứng tri ân sâu sắc: “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/ Bâng khuâng nhớ cụ thương thân Nàng Kiều”. Bài thơ có cả không gian địa lý, và thời gian của tâm trạng viết theo thể thơ lục bát trong đó trích dẫn một số câu trong Truyện Kiều gắn với tâm thế và bối cảnh của xã hội hiện tại. Đó cũng là một lối tập Kiều theo kiểu mô phỏng lời thơ Truyện Kiều, cũng là mối giao cảm của thi nhân: “Tiếng thơ ai động đất trời”. Ta lại càng hiểu thêm mối tơ duyên của bút hiệu Tố Như và bút danh Tố Hữu. Chỉ một câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã dựng lại một loạt nhân vật phản diện trong Truyện Kiều: “Gớm quân Ưng Khuyển ghê bầy Sở Khanh”.
Đọc lại những bài thơ viết về Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều ta thấy mỗi thi sĩ từ những trải nghiệm sống của mình đều có những tâm trạng, nỗi niềm riêng nhưng tất thảy đều có sự đồng vọng, đồng cảm, đồng tình của người xưa với người nay như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Mai sau dù có bao giờ/ Câu thơ thuở trước đâu ngờ hôm nay”. Và đặc biệt là nỗi lòng trắc ẩn, tiếng thơ thảng thốt với nhân vật Thúy Kiều: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Hỡi ôi thân ấy biết là mấy thân” (Tố Hữu). Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã dựng lại một không gian tâm trạng của Đêm viết Kiều: “Đêm đặc thành thỏi mực/ Tiếng vạc mài nghiên/ Từng giọt, từng giọt máu đêm/ Nhỏ xuống Thúy Kiều”. Số phận, thân phận của Thúy Kiều đã ám ảnh thi sĩ: “Ta nhờ vãi Giác Duyên ngồi gác/ Đón em về từ cuối màn sương”. Nhà thơ đã hóa thân thành Nguyễn Du trong đêm viết Kiều dồn nén lại bao cung bậc, dựng lại bao khung cảnh, cám cảnh của: “Phải ta đã cùng em mười lăm năm đất Bắc/ Gió bấc ăn dần từng mái tranh/ Đêm mọt kêu rụng tóc”. Nhà thơ Trương Nam Hương trong Tâm sự Nàng Thúy Vân lại hóa thân thành nhân vật Thúy Vân để tâm sự cùng chị Thúy Kiều. Đây cũng là một tứ thư độc đáo: “Chị yêu lệ chẳng đã đành/ Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim” để: “Em thành vợ của chàng Kim/ Ngồi ru nước mắt tượng hình chị trao”. Đó là một bi kịch mà nhiều nhà sân khấu đã khai thác. Nhưng trong thơ chính là những cung bậc tâm tình, tâm cảm: “Là em nghĩ vậy thôi, Kiều/ Sánh sao đời chị ba chiều bão giông” với sự vị tha bao dung của người con gái Việt lấy từ cốt truyện của “Thanh Tâm tài nhân”. Đó cũng chính là bút pháp thơ tài tình, sự trắc ẩn cảm thông của thi hào Nguyễn Du.
Nhà thơ Lý Hoài Xuân trong bài Gặp Nguyễn Du ở bãi biển Nhật Lệ đã viết: “Trong giấc mơ tôi gặp ông” khi mà: “Nỗi buồn thi nhân lớn hơn nỗi buồn ông Cai Bạ”. Cuộc đời của thi nhân là một chuỗi thăng trầm để cuối cùng: “Tố Như thật khó hiểu/ Để lại cho đời cả núi thơ mà không để lại bức chân dung nào”. Câu hỏi đó của Lý Hoài Xuân cũng là nỗi trăn trở trong lòng chúng ta. Vì thế bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du của nhà thơ Vương Trọng đã có sự đồng cảm sâu sắc với bạn đọc: “Tưởng là phận bạc Đạm Tiên/ Ai ngờ cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây”. Bây giờ thì khu mộ của Nguyễn Du đã xây lại khang trang, những ngày đó Vương Trọng đến vẫn còn cảnh: “Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề”. Trong tuyệt tác Truyện Kiều nhiều lần Nguyễn Du viết về thiên nhiên lấy cảnh để tả tình, với những câu thơ đặc sắc làm phong phú thêm vẻ đẹp của tiếng Việt. Vì thế mà nhà thơ Vương Trọng đã khái quát một phẩm chất thi sĩ trong hồn cốt của Đại thi hào “Trái tim lớn giữa thiên nhiên”.
Đọc lại những bài thơ viết về Nguyễn Du, các nhà thơ nghiêng nhiều của thân phận cuộc đời lắm thâm trầm của ông. Đau đời sâu sắc để có sự cảm thông lớn lao của chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo không chỉ của riêng mình mà rộng ra mang dấu ấn của cả thời đại. Đó chính là nỗi niềm của nhà thơ Võ Văn Trực trong bài: Trước trang thơ Nguyễn Du: “Tiếng nàng như giọt máu rơi/ Lật nghiêng trang sách chói ngời nỗi đau”. Nguyễn Du không chỉ nổi tiếng ở Truyện Kiều mà thơ chữ Hán của ông cũng là những viên ngọc quý như: “Bắc Hành, Tạp Lục” trong lần đi sứ Phương Bắc. Có lẽ cội nguồn: Quê vợ ở Thái Bình, quê cha Hà Tĩnh và những năm tháng sống ở quê mẹ Kinh Bắc, hồn quê, hồn dân ca Việt đã ngấm vào ông như một mạch nguồn tinh hoa văn hóa Việt. Đặc biệt là làng Tiên Điền – Cái làng quê nghèo, thiên nhiên khắc nghiệt mà Yến Thanh đã viết trong Lục bát Tiên Điền: “Làng tôi củ lạc thắt ngang/ Quả dưa buộc dọc cho chàng đi thi” đã hội tụ trong thi nhân cái quyết chí của tinh thần hiếu học, coi trọng chữ nghĩa để làm rạng danh văn chương nước nhà với một Truyện Kiều bất hủ.
Truyện Kiều đã đi vào lòng dân tộc đã biến thể sang các hình thức sân khấu như trò Kiều và đặc biệt là cả tâm linh. Nhà thơ Anh Thơ trong bài Bói Kiều với giọng điệu thơ thủ thỉ tâm tình phảng phất chất đồng quê mộc mạc của một thời xa xưa đồng vọng hiện về: “Cô bói quẻ Kiều bên khóm Cúc/ Phòng riêng đêm ấy nở hoa đèn”. Mới biết Truyện Kiều có biết bao cung bậc, bao linh nghiệm như là một điểm tựa của đời sống tinh thần và cao hơn đó là sự giao cảm từ trong sâu thẳm cõi người.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh trong một lần đi thăm Trung Quốc đã tìm đến những địa danh mà ngày xưa Nguyễn Du đã qua để bâng khuâng với một tâm trạng “Đến đâu con cũng gặp người/ Xin dâng chén rượu giữa trời Trung Hoa”. Và ông bỗng nhận ra sức sống muôn đời của Truyện Kiều: “Cỏ cây thành lũy khác rồi/ Hoàng Hà đã cạn, thơ người vẫn sâu”. Đứng lặng bên sông Tiền Đường – Con sông của số phận chạy dọc Truyện Kiều với bao vơi đầy, bao thẳm sâu nước xiết, bao trắc trở trái ngang, Trần Nhuận Minh thảng thốt: “Tiền Đường sầm sập đêm mưa/ Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều”. Có thể nói bóng dáng thi nhân và thân phận Thúy Kiều cứ đeo đẳng vào nhau, vận vào nhau, vào người, vào thơ đến cả đời sau các nhà thơ vẫn còn chưa trả hết món nợ của mối đồng tâm, đồng cảm như ý thơ của Nguyễn Công Ký trong bài Về Giang Đình: “Xa xăm Kiều khuất hiên tây/ Tố Như vẫn tựa thang mây trông vời”.
Nhà thơ Hung-ga-ri Hollo Andras có một tứ thơ khá độc đáo bằng một tư duy triết lý cô đọng mà vẫn ấm nồng của một trái tim đa cảm đã tải được rất nhiều thông điệp, ngắn gọn mà có sức gợi, sức ngân vang không chỉ những con chữ nữa mà bằng sự đồng vọng vượt qua biên giới địa lý để gặp nhau ở một tâm điểm của chủ nghĩa nhân văn sâu sắc trong bài thơ Từ những điều Nguyễn Du dạy: “Anh đừng nói: Oan gia/ xin hãy nói: Tình thương cần họp mặt”. Hay: “Anh đừng nói: Báo ân/ xin hãy nói: tình người không thể cạn”.
Có một mảng thơ mà nhiều người viết khi đến thăm mộ Nguyễn Du, kính dâng Thi Nhân một nén hương lòng, rót xuống mộ Thi Nhân một ly rượu ấm, đặt lên mộ một bó hoa tươi và thắp lên một ngọn - lửa - thơ sưởi ấm cả một mùa đông buốt giá như tâm tình của nhà thơ Vương Trọng: “Lặng yên bên nấm mộ rồi/ Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm”. Hay như nhà thơ Hoàng Trung Thông trong bài “Thăm mộ cụ Nguyễn Du” đã tinh tế khi ông nhận ra: “Thật kỳ lạ nơi Nguyễn Du nằm đó/ Cũng cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia/ Cũng nấm mộ sè sè ngọn cỏ/ Trong trang Kiều tôi đọc dưới đèn khuya”.
Sinh thời Nguyễn Du đã từng viết: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” nghĩa là: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng” cũng chính là nỗi niềm trăn trở của nhà thơ Thạch Quỳ trong bài Viết bên mộ cụ Nguyễn Du: “Cụ không về trong mắt/ Cụ không nằm trong thơ/ Muốn hỏi hồn dưới đất/ Đã ngủ yên nấm mồ”. Ta lại nhớ đến một nhận định khá tiên cảm của học giả Phạm Quỳnh từ những năm 30 của thế kỷ trước: “Truyện Kiều còn thì nước Nam còn”. Vâng, đọc lại những bài thơ viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều với “Tiếng thơ ai động đất trời” ta lại càng tin ở: “Hỡi người xưa của ta nay/ Khúc vui xin được so dây cùng người” (Tố Hữu). Bởi trong lòng của mỗi người dân Việt luôn có một Nguyễn Du mà nhà thơ Xuân Hoài trong bài thơ Bên tượng cụ Nguyễn Du đã ao ước: “Đừng dựng tượng Người với áo mũ cân đai/ Hãy để Người là chàng trai lên Trường Lưu hát ví/ Khi chiều hôm buồn trông cửa bể/ Lúc đi săn núi Hồng hay câu cá ở sông Lam”.
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Nguồn: https://nhandan.vn/
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Những câu thơ bất hủ của Đại thi hào Nguyễn Du
Nguyễn Du là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa của thế giới. Các tác phẩm văn học của Nguyễn Du, trước hết là Truyện Kiều, là sự kết tinh tài tình và vô cùng điêu luyện bản sắc văn hóa Việt Nam mà trước hết là tiếng Việt. Chính thông qua Truyện Kiều, thế giới...