Sự tích trạng Cậu , trạng Cháu làng Canh Hoạch

HNTĐ

Đất Cổ Hoạch (nay là Canh Hoạch) – xã Dân Hòa – huyện Thanh Oai, vốn được coi là địa linh, từ thời Hùng Vương đến thời Trần, đã từng lưu chân Hoàng tử và các danh tướng khi đi tuần thú qua đây, sau đó lại được tôn thờ các Ngài làm thành hoàng bảo trợ cho dân làng, đó là một diễm phúc lớn.

Người xưa nói “Địa linh sinh nhân kiệt” (đất thiêng sinh người tài giỏi), người Canh Hoạch về văn đã từng đỗ Trạng nguyên, Tiến sỹ làm tới Thượng thư, về võ làm tới Thái bảo và nhiều vị công, hầu, bá, tử.
Các vị có nhiều công lao đóng góp cho dân cho nước, có nhiều ân nghĩa với dân làng, chúng tôi xin chép lại sơ lược sự tích “Trạng cậu, Trạng cháu” để mọi người càng thấy tự hào “Đất Canh Hoạch ngàn năm văn hiến”.
Xưa kia. Tại xã Cổ Hoạch – huyện Thanh Oai – Phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam có ông Nguyễn Bá Ký cách đây gần 600 năm là vị thủy tổ dòng họ Nguyễn Canh Hoạch, là người khai đại khoa đầu tiên cho xã Dân Hòa.
Ông thi đỗ Đệ tam giáp, đồng tiến sỹ xuất thân năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) dưới triều vua Lê Thánh Tông (đỗ đầu khoa này là trạng nguyên Lương Thế Vinh ).
Ông được phong đến chức Binh bộ thượng thư (như chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay). Ông có người con trai là Nguyễn Đức Lượng sinh năm 1465 và người con gái là Nguyễn Thị Hiền (có tài liệu viết là Nguyễn Thị Thanh Hiền).
Ông Nguyễn Đức Lượng lúc gần 30 tuổi thì thân phụ ông là Cụ Nguyễn Bá Ký quá cố. Một thời gian sau, ông Lượng đón thầy địa lý về tìm đất tốt, chờ đến khi cải cát sẽ táng mộ cha. Ông nuôi thầy địa lý hàng năm trong nhà đãi là thượng khách. Cuối cùng thầy địa lý tìm được một ngôi đất cạnh làng, thuộc địa phận xã Cao Xá là hơn cả, mạch chìm, khe nhỏ theo hướng Mão chảy lại, Tây long có 5 cái bút, đóng hướng tại cấn Dần, giáp Mão, tốn, ly đều chìm dưới mặt nước, về phương hợi có 3 cái gò ở khe nhỏ quay chầu vào, lập hướng tại Mão thu nước tại Hợi, phóng nước tại đinh Mùi. Kiểu đất này đặt trên con hoả tinh khai khẩu rất to, đằng trước có tam kỳ giang làm minh đường, thần bút tẩm thủy, cờ, trống, võng, lọng la liệt ngay trước mặt.
Thầy địa lý nói: “Đất này rất quý nhưng phải đợi ngày tháng tốt mới có thể để được, tôi ra đi hẹn đúng ngày tháng thích hợp, sẽ trở lại đây tiếp phúc cho ông”.

Ông Lượng đem tiền gạo tiễn thầy địa lý lên đường, không giám thổ lộ việc đất tốt ra bên ngoài, đúng như lời thầy địa lý đã dặn.
Bất ngờ gần đến ngày đặt mộ lại xảy ra một chuyện: Nguyên ông Nguyễn Doãn Địch nguyên quán thôn Cảo Dương (nay là thôn Tảo Dương) cùng huyện (có tài liệu viết đã định cư tại thôn Canh Hoạch). Ông Địch đã thi đỗ: Đệ nhất giáp, tiến sỹ cập đệ, đệ tam danh (tức Thám Hoa) năm Tân Sửu (1481) niên hiệu Hồng Đức thứ 12 dưới triều vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hữu thị lang (như chức thứ trưởng ngày nay).
Ông có người con trai tên là Nguyễn Doãn Toại không may bị mắc bệnh phong, không giám ở trong làng, tránh lời dị nghị nên ra chỗ gò cao giữa hai xã giáp nhau làm một lều con để ở. Cái lều ấy lại đúng ngay trên huyệt thầy địa lý đã chọn cho gia đình ông Lượng.
Gia đình ông Lượng đã đôi ba lần ra gặp ông Toại, xin ông chuyển lều đi chỗ khác nhưng không được. Khi thầy địa lý trở lại, thấy không còn cách nào khác, ông Lượng phải nói thật là gia đình mình đã có công đón thầy địa lý về tiếp phúc, nay sắp đến ngày thích hợp mà gặp sự như vậy, mong ông Toại giúp đỡ.
Sau khi cùng nhau trao đổi ông Toại nói: “Việc này cũng dễ thôi, các ông và chúng tôi đều là con nhà khoa bảng, môn đương (đăng?) hộ đối, tôi nghe trên ông có người em gái chưa đính ước cùng ai, muốn cho hai nhà có tình hòa hiếu với nhau, xin cho cô ra đây trò truyện với tôi một đêm, đến sáng mai tôi xin chuyển đi ngay, để tiện việc mong ước của ông”.
Ông Lượng trở lại nhà than thở cùng thầy địa lý về ý nguyện của công tử kia.
Thầy địa lý nói: “Đất này rất quý, văn chiếm khôi nguyên, võ chuyên tướng mạc, thiên hạ ít ai bì, nếu ta bỏ phí sau này hối lại không kịp”.
Không ngờ cuộc trao đổi trên bà vợ ông Lượng biết được, bà đem nói lại cho em gái chồng là cô Nguyễn Thị Hiền biết.
Biết được câu chuyện trên, sau một hồi đắn đo suy nghĩ người em gái quyết định lên gặp thầy địa lý và anh trai thưa rằng: “Thưa thầy và thưa anh, việc này là việc trọng đại của gia đình, nếu đất ấy là đất tốt, yên được hài cốt của cha, anh thì công thành danh toại nối nghiệp cha, thì một thân em ra nói chuyện một đêm có xá gì, em xin tình nguyện làm việc này để đền đáp lại công sinh thành dưỡng dục”.
Ngay đêm hôm đó, vào hạ tuần tháng 11 mưa phùn gió bấc, cô Hiền đội nón, sách (xách?) đèn, một mình lặn lội ra tận lều tranh chuyện trò cùng công tử. Thấy công tử tuy rằng bệnh tật, nhưng nói năng tỏ ra người tài đức kiêm toàn, thiếu nữ tỏ lòng thương mến và cũng là duyên số, thiếu nữ cùng công tử đã tâm đầu ý hợp.
Vào khoảng canh tư công tử ngộ phòng đột tử, nàng sợ hãi quá, vội xô xác chết xuống đất chạy về báo cho anh biết. Người anh nghe tin khác nào như sét đánh ngang tai, vội vàng cùng gia đình đến trình báo trong xã và đến báo tin cho gia đình ông Nguyễn Doãn Địch biết, cùng bày tỏ sáng sớm hai gia đình làm thủ tục an táng công tử ở nơi khác.
Được gia đình ông Địch đồng ý, đến sáng hai gia đình ra tới lều thì mối đã đùn lấp chỉ còn hở hai chân của công tử Toại. Gia đình ông Địch nói: “Đây là thiên táng không chuyển đi nữa” và nói: “Tốt thay công tử này đã được người tốt lại được cả đất tốt”.
Thấy vậy ông Lượng than: “Thật là hết phúc, công tử kia đã được người lại còn chiếm cả đất này”.
Thầy địa lý an ủi: “Việc giời làm vậy, đất này tuy mất huyệt chính, còn huyệt bàng, táng vào vẫn kết phát được, ông nên nghe tôi táng mộ cụ vào huyệt bàng”.
Tin lời thầy địa lý ông Lượng đã nghe theo, dù công tử bệnh phong, chết đột tử, không tẩm liệm, không áo quan, mối mới đùn còn hở cả hai chân, ngay trong ngày hôm đó ông vẫn mang hài cốt cụ Ký táng vào bên cạnh. Năm ấy là năm 1494 ông Lượng đã 30 tuổi.
Sau đó em gái ông có thai, ông buồn phiền vô hạn, để tránh tiếng dị nghị, ông làm một căn nhà nhỏ ở cuối làng cho em gái ở (ngôi nhà đó ở khu vực nhà thờ Sắc bây giờ). Cuối năm 1495 bà Hiền sinh ra một người con trai đặt tên là Thiến (Sảnh).
Lúc này ông Lượng mở trường tập văn (dạy học) và giao lưu với các sỹ tử trong vùng để chờ ngày thi cử.
Khi ông Nguyễn Thiến được 6 tuổi, một đêm ông Lượng đương hưu hưu (hiu hiu?) giấc ngủ chợt nghe thấy có người bảo: “Ngày mai ông dọn dẹp nhà cửa có quan đồng khoa đến chơi”. Ông Lượng chợt tỉnh giấc, thấy mình chiêm bao, đến sáng sớm ông vẫn cho người dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ gọn gàng có ý chờ đợi. Nhưng cả ngày không thấy khách nào tới, cũng nghĩ là mộng mị hão huyền, mãi đến sẩm tối, thấy có em gái dắt cháu đến chơi và nói rằng: “Thưa anh cháu đã lớn, chỉ đòi đi học, em cho cháu lên đây, mong anh thương em dạy dỗ cháu, giúp cho em được phận nhờ”.
Ông Lượng vừa thương cháu vừa buồn phiền nghĩ bụng: “Ta ngần này tuổi đầu mà đồng khoa với đứa trẻ chưa dáo máu đầu thì đời ta còn gì”. Nghĩ vậy nhưng ông rất thương em, thương cháu, ông cho em gái và cháu xuống ở nhà dưới và thu xếp để từ hôm sau cho cháu lên học.
Đến năm 1514 triều đình mở khoa thi, ông Lượng thi đỗ: Đệ nhất giáp, tiến sỹ cập đệ, đệ nhất danh (tức Trạng Nguyên) năm Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) dưới triều vua Lê Tương Dực. Trước ông tên là Hề được vua ban đổi tên là Đức Lượng. Ông thi đỗ khi đã 50 tuổi, cách khi đặt mộ là 20 năm. Ông nêu một tấm gương sáng về lòng quyết tâm kiên trì học tập. Ông được phong chức Tả thị lang Bộ Lễ (như chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ngày nay). Ông được người đương thời ca ngợi: Văn chương lừng lẫy suốt bậc nho khoa, lẫm liệt tựa tùng bách với sương thu.
Khi ông mất được phong tặng Thượng thư.
Bà vợ của ông là người đảm đang tài giỏi, đã giúp chồng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được vua phong là “Liệt phu nhân” (người vợ tài giỏi oanh liệt).
Ông có người con trai tên là Nguyễn Lễ Khuông (1507 – ?) thi đỗ: Đệ tam giáp, đồng tiến sỹ xuất thân năm ất Mùi, niên hiệu Đại Chính thứ 6 (1535) triều vua Mạc Đăng Doanh (đỗ đầu khoa này là trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm). Ông được phong chức Hữu thị lang bộ lễ (như chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ngày nay). Ông được cử đi sứ phương Bắc, năm Cảnh Lịch ông đã đột ngột mất trên đường công vụ. Nhà vua đặc biệt thương cảm vì ông đi sứ đã nêu cao được danh tiếng nước Việt, giữ được thể diện nhà vua, làm rạng rỡ non sông đất nước, nhà vua đã truy phong “Đặc tiến kim tử, vinh lộc đại phu, hữu thị lang bộ lễ, tước Mỹ thạc hầu”.
Bài chiếu truy phong như sau:
“Thay trời hành đạo, Hoàng đế ban lời chế rằng:
Trẫm nghĩ: Lấy lễ nhạc mà làm kỷ cương, rộng mở giáo hóa bằng cách phô trần đạo thường; nghe tiếng đàn cầm đàn sắt thì nghĩ đến điều chí nghĩa, tỏ rõ ơn truy tặng. Minh chiếu đã ban, Huyền đường thêm phần rạng rỡ. Quan Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, thượng bảo tự khanh, tước Mỹ Thạc bá, Trụ quốc, thượng trật là Nguyễn Lễ Khuông: Sớm được thừa hưởng sự giáo dục trong gia đình, kế thừa nề nếp nho khoa, được nổi danh qua 5 kỳ khảo hạch, trải con đường làm quan dầu văn hay võ đều cáng đáng được công việc, có thể mang cờ tiết của sứ giả ruổi dong ngoài ngàn dặm, sự vụ của kẻ thần tử nào dám từ nan, thác hóa ngay khi trên đường đi, xiết bao cảm xúc của người dựa cửa. Hoàng thiên hậu thổ, chứng giám bình sinh trung hiếu dốc lòng; núi cao sông lớn, khí anh linh vạn cổ lại trở về. Để báo đáp, nay làm rạng rỡ nơi đạo lớn; cử hành điển lễ bao phong, đặng làm rạng rỡ bằng cách ban ân trạch, để thể hiện ơn sủng, để thỏa linh hồn trung trinh.
Hỗi ôi! Dung nghi nghiêm cẩn, gọng nói cương nghị, gắng gỏi cùng trời nóng sương thu; khiến kẻ ương gàn thành người liêm khiết, kẻ lười nhác biết lập chí hướng, mãi phò trợ cho đạo thường của dân và sự giáo hóa ở đời.
Vậy khá ban tặng là: Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hữu thị lang bộ lễ, tước Mĩ Thạc hầu.
Ngày 28 tháng 12 năm thứ 4 niên hiệu Cảnh Hưng (1743).
Bà vợ của ông được Vua phong là “Tự phu nhân”
Các đời sau: Có cụ Nguyễn Quý Công tự Đức Hoằng, được phong là Gia Hạnh đại phu, làm chi phủ, phủ Thiên trường (Phủ Thiên Trường thuộc tỉnh Nam Định ngày nay).
* Cụ Nguyễn Quý Công tự Đức Lập, thi đỗ Tam trường trong kỳ thi hội, triều Hoằng Định, làm chi huyện ở huyện Đan Phượng năm 1605, sau được thăng làm chi phủ, phủ Thái Bình, năm 1614.
* Cụ Nguyễn Quý Công tự Đức Doãn, nho sinh.
* Cụ Nguyễn Quý Công tự Công Đôn, thi đỗ Tam trường trong kỳ thi hội, triều Chính Hòa, được thăng làm Hiến Sát phó xứ các sứ ở Hưng Hóa năm 1686, sau được thăng Cung hiển đại phu, tham nghị các sứ ở Yên Quảng, năm 1699.
* Cụ Nguyễn Quý Công tự Lễ Chung, thi đỗ Tam trường trong kỳ thi hội, triều Dương Đức được thăng làm Điện Vệ trong cơ thánh vệ, năm 1674, sau được thăng làm đô quán sứ Thái Nguyên năm 1677, sau lại được thăng làm Viên ngoại lang ti thận hình, thuộc bộ hình năm 1681.
* Cụ Nguyễn Quý Công tự Đăng Quỹ, do có công đi thảo phạt đạo Lạng Sơn, được thi tướng sĩ lang, làm chi sự ở điện Thừa Hoa, Triều Cảnh Hưng năm 1746.
* Cụ Nguyễn Quý Công tự Duy Quý là thầy đồ giỏi, được triệu vào dạy học trong cung Thái tử, được đặc ban chức: Chiêm Sự, tước Hào Trạch Tử, Hoằng Tín Đại phu, triều Cảnh Hưng, năm 1748.
* Cụ Nguyễn Quý Công tự Đức Vỹ, làm quan chi sự ở Điện Thừa Hoa, cụ sinh được 5 người con trai.
– Nho sinh: Nguyễn Đức Hiển
– Sinh đồ: Nguyễn Đức Trứ
– Tổng trưởng: Nguyễn Đức Độ
– Chi lân: Nguyễn Đức Đạt
– Xã trưởng: Nguyễn Đức Vượng.
Do có nhiều đời đỗ đạt làm quan, nên nhà thờ Trạng nguyên có đôi câu đối:
– Cữu trạng nguyên, sanh trạng nguyên, nhất giáp khoa danh quang sử bút
– Phụ tiến sỹ, tử tiến sỹ, bát truyền chung đỉnh dụ gia khương.
Tạm dịch là:
– Cậu trạng nguyên, cháu trạng nguyên, khoa bảng đỗ đầu sáng danh sử sách.
– Bố tiến sỹ, con tiến sỹ, tám đời quyền quý phúc lớn gia truyền.
Lại nói về ông Nguyễn Thiến từ ngày đến học trường ông Lượng, ông tỏ ra là người thông minh, học giỏi lạ thường, văn chương lưu loát vượt xa các bạn học cùng trang lứa. Lúc này nhà Lê suy yếu, trong triều bè đảng nổi lên, ông chán cảnh lộng hành của các đại thần nên không ra thi cử.
Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê. Mãi đến khi Mạc Đăng Doanh lên ngôi được mấy năm, ông nể lời ông Lượng vừa là cậu ruột vừa là thầy dạy học và nghe lời khuyên của bạn là ông Nguyễn Bỉnh Khiêm nên đã đi thi.
Ông thi đỗ: Đệ nhất giáp, tiến sỹ cập đệ, đệ nhất danh (tức trạng nguyên) năm Nhâm Thìn niên hiệu đại chính thứ 3 (1532) đời vua Mạc Đăng Doanh. Ông đỗ Trạng Nguyên năm 38 tuổi và đỗ sau ông cậu 18 năm, ở hai triều vua khác nhau. Ông vẫn coi nhà Mạc là nguỵ triều, nên không có ý ra làm quan, do sự thúc ép của triều đình ông phải ra làm quan. Ông đã từng giữ chức: Lại bộ thượng thư, Ngự sử đài đô ngự sử, Đông các đại học sỹ, Nhập thị Kinh diên, Tước lại quận công (chức Thượng Thư bộ Lại như chức Trưởng ban tổ chức TW Đảng ngày nay).
Ông sinh được hai người con trai, một người con gái.
1. Con cả là Nguyễn Quyện, được phong Thái Bảo Thường quốc công.
2. Con thứ hai là Nguyễn Miễn, tước Phù Hưng Hầu
3. Con gái là Nguyễn Thị Ngọc Cẩn (có người đọc là Cẩm) có tài liệu viết là Nguyễn Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thị Ngọc Anh, bà còn có tên Huệ Lan nữ chúa, tục gọi là Bà chúa Thuận.
Thấy ông Nguyễn Thiến không thiết tha lắm với việc phục vụ nhà Mạc, lại nghe lời rèm pha của cha con Phạm Quỳnh, Phạm Giao, nên đến năm Mạc Cảnh Lịch thứ 3 (1551) Mạc Phúc Nguyên tỏ rõ ý nghi ngờ ông, đồng thời cho quân định vây bắt một số đại thần.
Bởi vậy Nguyễn Thiến cùng với thông gia là Phụng Quốc Công, Tể tướng – Lê Bá Ly đem toàn quân hai đạo Sơn Tây và Sơn Nam, hơn 1 vạn 3 ngàn quân cùng với gia quyến đến Thanh Hóa quy thuận vua Lê. Phụng rước xa giá từ sách Ngọc Khê tiến đóng Vạn Lại, mở rộng quy mô tiến đánh của nhà Lê (Vạn lại thuộc huyện Thụy Nguyên – Thanh Hóa).
Sau đó lại viết thư dụ bảo văn thần võ tướng về hàng, thấy thế các hào kiệt theo về rất đông. Được hai ông về quy thuận vua Lê Trung Hưng mừng lắm, sai ban thưởng và cho giữ nguyên chức tước. Thấy cha con ông Nguyễn Thiến là người có tài nên vua Lê và thái sư Trịnh Kiểm rất trọng dụng. Trịnh Kiểm xin lấy con gái ông là nàng Nguyễn Thị Ngọc Cẩn xinh đẹp làm vợ.
Ông đảm trách việc tuyển dụng quan lại cho nhà Lê được 8 năm, ông mất ngày 24 tháng 8 năm Thiên Hựu (1557) đời Lê Anh Tông, tại Thanh Hóa, thọ 63 tuổi.
Từ khi cha con ông Nguyễn Thiến theo vua Lê, vua Mạc rất lấy làm lo ngại.
Năm 1557 Nguyễn Quyện đem quân đánh nhà Mạc rất dữ ở vùng Sơn Nam, vua Mạc Phúc Nguyên lo sợ. Biết được Nguyễn Bỉnh Khiêm là thầy dạy học của Nguyễn Quyện, và bản thân Nguyễn Quyện rất mến phục Nguyễn Bỉnh Khiêm, lợi dụng điểm ấy Phúc Nguyên bèn sai sứ sang hỏi kế. Nguyễn Bỉnh Khiêm vì sống dưới uy quyền nhà Mạc, vốn tư tưởng không tán thành chiến tranh, tàn sát lẫn nhau nên đã gửi Nguyễn Quyện một bức thư.
Nguyên văn:
Đạo phi thân ngoại, khởi nan tầm
Huống hựu tương kỳ, trí khí thâm
Quân phụ cương thường, thiên cổ tại
Hiếu trung, thệ bất phụ sơ thâm
Tạm dịch:
Đạo ở trong ta có khó gì
Phương chi trí khí đã tương kỳ
Nghìn năm quân phụ cương thường đó
Trung hiếu một lòng chớ đổi đi.
Sau đó trước sự thúc bách của nhà Mạc, ông Khiêm tìm cách thuyết phục Nguyễn Quyện. Nể lời thầy học hai anh em ông Nguyễn Quyện lại đem quân trở về với nhà Mạc năm 1557. Vua Mạc được anh em ông Nguyễn Quyện trở về rất lấy làm vui mừng, úy lạo hai ông, phong chức tước và đem con gái tôn thất gả cho.
Trọng tài ông Nguyễn Quyện và yêu sắc đẹp con gái ông, thái tử Mạc Mậu Hợp xin lấy con gái của ông Nguyễn Quyện là Nguyễn Thị Nguyệt làm vợ, (Năm 1562 Mạc Mậu Hợp lên làm vua). Ông Nguyễn Quyện sinh được hai con trai và hai con gái.
Hai trai là:
1. Nguyễn Tín – Nhuệ quận công
2. Nguyễn Trù – Thọ nham hầu
Hai gái là:
1. Nguyễn Thị Nguyệt, lấy Mạc Mậu Hợp, lên ngôi vua năm 1562
2. Nguyễn Thị Niên, lấy Mỹ quận công – Bùi Văn Khuê
Em ông, ông Nguyễn Miễn sinh được 5 người con trai
Tháng 9 năm Đinh Tỵ 1557 Trịnh Kiểm đem 5 vạn quân thủy bộ đánh vào giữa trấn Sơn Nam đến sông Phượng Sí, bắc cầu qua sông phá tan một cánh quân Mạc, bắt được tướng Mạc là Khánh Quốc Công ở trên thuyền. Trịnh Kiểm tự đốc bộ binh giao cho Phạm đốc dẫn thủy quân thừa thắng tràn xuống vùng giao thủy, tiền quân của Phạm Đốc là Vũ Lăng Hầu gặp Nguyễn Quyện ra nghênh chiến. Vũ Lăng hầu nhảy sang đầu thuyền của Nguyễn Quyện, Nguyễn Quyện cầm gươm chém. Để tránh nhát chém hiểm Vũ Lăng hầu phải nhảy xuống nước, Nguyễn Quyện nhảy ngay sang thuyền của Vũ Lăng hầu, chém được đầu lính cầm lọng, giơ lên và hô to rằng: “Đầu Vũ Lăng hầu đây! lũ chúng mày còn địch nổi thế nào được ta” quân của Vũ Lăng hầu nghe thấy thế không kịp ngoảnh lại trông đều nhảy xuống nước, bỏ thuyền lên bờ. Quân Mạc đuổi theo chặn lối về, quân Trịnh bỏ lại thuyền bè, khí giới, tháo chạy được độ nửa số quân. Năm 1573 vua Mạc giao cho Nguyễn Quyện đem quân đánh Nghệ An. Tướng Trịnh là Hoằng Quận Công chống đỡ không lại, bỏ thuyền lên bờ chạy theo đường bộ đến Châu Bố Chính bị Nguyễn Quyện bắt được. Trịnh Tùng phải sai Thái phó Lai quận công Phan Công Tích và Trịnh Mô đem quân cứu Nghệ An chống nhau với Nguyễn Quyện được vài tháng. Sau đó thấy Nguyễn Quyện thu quân về kinh. Phan Công Tích tiến ra đóng quân ở Thanh Hóa. Năm 1575 nhà Mạc sai Kinh Điển đem quân đánh Thanh Hóa, còn Nguyễn Quyện dẫn binh lấy Nghệ An. Tướng Trịnh là Phan Công Tích ra cứu Nghệ An bị Nguyễn Quyện dùng kỳ binh bắt được giải về kinh sư.
Năm 1576 Nguyễn Quyện tiến đánh Nghệ An lần nữa. Trịnh Mô cầm cự được vài tháng phải chạy trốn bị Nguyễn Quyện bắt được ở Ngọc Sơn. Từ đấy uy danh Nguyễn Quyện ngày càng lừng lẫy là danh tướng nhà Mạc được phong là Thái bảo – Thường quốc công. Trai tráng làng Canh Hoạch và làng Tảo Dương theo ông đi đánh trận rất đông và phần lớn đều lập được công danh, bởi vậy lúc ấy dân gian có câu:
Gái thì bảy huyện Xứ Đông
Trai thì Gạo, Vác cháu ông già Thường
(Làng Gạo là Tảo Dương, làng Vác là Canh Hoạch, bảy huyện xứ Đông thuộc Hải Dương ngày nay)
Năm 1592 Trịnh Tùng dốc toàn quân ra đánh Nhà Mạc, quân Mạc tan vỡ, Nguyễn Quyện tổ chức lại tàn quân trấn giữ ở ô Cầu Rền để bảo vệ kinh thành nhưng bị thua trận. Tướng Nguyễn Liêu bắt được Nguyễn Quyện dâng lên Trịnh Tùng.
Trịnh Tùng cởi trói cho Nguyễn Quyện, đãi theo lễ thân khách, nhắc đến ân nghĩa của Tiên Vương nuôi dưỡng, không nỡ giết. Nguyễn Quyện than rẳng: “Tướng thua trận không thể nói mạnh được, trời đã bỏ nhà Mạc thì người anh hùng cũng khó thi sức”.
Trịnh Tùng nói: “Nay Mạc đã mất rồi, ông nên bảo trọng mà quy thuận triều đình, giữ lấy danh tiếng là con người thức thời”.
Nguyễn Quyện nói rằng: “Nể lời thầy học tôi ra Bắc, nhà Mạc lấy tình tri ngộ mà đối đãi với gia đình tôi rất hậu, cho nên tôi phải lấy ân giả ân, nay tôi đã làm tròn nhiệm vụ đến phút cuối cùng, thế là hả lòng rồi. Giờ đây tôi là kẻ bại tướng không còn kế sách gì mà trông thấy non sông đất nước nữa, nếu ông có lòng nghĩ đến tôi, xin cho cha con tôi trước khi chết còn được nhìn thấy nhau, đó là điều mong ước duy nhất của tôi”.
Chúa trịnh thấy vậy biết rằng không thể dụ dỗ được ông, bèn cho cả ba cha con ông vào ngục. Sáng mùng 4 tháng 11 nhuận năm Quý Tỵ (1593) ông Nguyễn Quyện và hai con trai là Nguyễn Tín và Nguyễn Trù cùng chết tại Ngục.
Hiện nay ở nhà thờ quan lớn thường quốc công có nhiều câu đối ca ngợi sự nghiệp của ông.
Trong đó có câu:
– Tuấn tích nan danh Mạc dĩ hậu
– Linh thanh trường hưởng hát chi đông
Tạm dịch là:
– Công lớn khó nêu, sau khi Mạc mất
– Tiếng thiêng vọng mãi sông Hát, bờ đông
(Sông Hát là sông Đáy)
Em giai ông Nguyễn Quyện là Nguyễn Miễn cùng hai con là Văn Bảng và Đô Mỹ cũng bị sát hại. Ba người con còn lại của ông Nguyễn Miễn. Trong đó có Nam dương công Nguyễn Nhiệm thu thập tàn quân, đánh phục thù ở sông Hoàng Giang định khôi phục lại nhà Mạc nhưng bị thất bại. Ông Nguyễn Nhiệm cùng gia quyến chạy vào Hà Tĩnh, ở một bãi đất hoang bên hữu ngạn sông Lam cách biển Xuân Thành 4km cách cửa Hội hơn 10km sinh cơ lập nghiệp. Bãi đất này ngày một to, con cháu ông ngày một đông, ông cho khai khẩn bãi đất hoang mà nhân dân gọi là Hoang Điền thành ruộng đồng màu mỡ và đặt tên cho là Tiên Điền (ngụ ý là ruộng tiên ban cho). Ngày nay Tiên Điền là tên một xã của huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Dòng họ này có nhiều người nổi tiếng thi thư kế thế như Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Du .v.v. có nhiều người làm Tể Tướng, làm Phúc thần, như ông Nguyễn Nghiễm là cha, Nguyễn Khản là con giữ chức Tham Tụng (như chức Thủ tướng ngày nay). Ông Nguyễn Huệ là anh, ông Nguyễn Nghiễm là em đều được tôn là Phúc Thần. Có anh em ông Nguyễn Khản, làm quan to các triều vua đối lập nhau như triều Lê – Trịnh, Triều Tây Sơn, Triều nhà Nguyễn.
Truyền đến đời thứ 6 kể từ ông Nguyễn Nhiệm có Tể tướng Xuân quận công, Nguyễn Nghiễm sinh được 21 người con, 12 con trai, 9 con gái. Trong đó có người con trai thứ 7 là Nguyễn Du đã từng đi sứ sang Trung Quốc là tác giả Truyện Kiều được tôn là Đại Thi hào Nguyễn Du và là Danh nhân thế giới.
Ở nhà thờ Sắc hiện nay có câu đối:
Văn Trạng Nguyên, vừ Quốc công mãn triều Chu Tử
Nam trung thần, nữ liệt phụ, tín sử đan thanh.
Tạm dịch là:
Văn đỗ Trạng Nguyên, võ làm Quốc công, áo tía đầy triều
Nam thì trung thần, nữ thì oanh liệt, sử sách ngợi ca
Và đôi câu đối:
– Bút giá xâm vân, văn chiếm khôi nguyên, võ chuyên tướng mộ
– Ngân hoàng diễn phái, ốc cư Canh Hoạch, quán tại Tảo Dương

Tạm dịch là
– Ngọn bút lấn mây, văn chiếm trạng nguyên, võ chuyên chức tướng
– Cành bạc chia nhánh, nhà ở Canh Hoạch, quán tại Tảo Dương
Là nói về sự tích gia đình ông trạng cháu Nguyễn Thiến và các con, cháu ông là danh tướng Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn ….v….v…. Tuy quê ở Tảo Dương nhưng nhà cửa và sống ở trên Canh Hoạch.
Hàng năm ngày giỗ ông Nguyễn Quyện ngày 4 tháng 11 dân làng Canh Hoạch tế lễ để tưởng nhớ đến công lao và sự nghiệp của ông. Đặc biệt hơn nữa vào ngày đại kỳ phước của làng Canh Hoạch ngày 12 tháng 3 âm Lịch (Ngày sinh Đức thánh Trần Quốc Úy) dân làng tổ chức rước long ngai bài vị của các vị thánh, đồng thời tổ chức rước bát hương ở nhà thờ quan lớn Thường Quốc công và rước bát hương ở nhà thờ quan Trạng Nguyên Nguyễn Đức Lượng về tại đình chung vào chiều hôm trước (11/3) để dự tế lễ của dân làng. Đến chiều 13/3 lại rước hai bát hương về yên vị ở hai nhà thờ. Câu “11 rước ra, 13 rước về” là người Canh Hoạch nói về tục rước ấy. Trong không khí tưng bừng của ngày lễ hội, thật là kỳ thú, tinh thần văn hiến của làng Canh Hoạch được hiện ra rất rõ nét trong loại hình nghệ thuật của cuộc rước. Hỏi có làng nào lại có truyền thống trọng văn đến nhường ấy, khi tái hiện lại niềm vui của cả làng thưở nào đi đón ông Trạng vinh quy bái tổ. Hỏi có làng nào có tinh thần trọng võ đến vậy, khi cả làng đi rước ông quan võ danh tướng lừng lẫy một thời.
Với lòng thiết tha các di sản văn hóa của tổ tiên.
Với lòng thành kính các bậc danh nhân, chúng tôi mong những cố gắng của mình có thể làm rõ thêm được những nhân vật lịch sử, đồng thời cũng là niềm tự hào đất Canh Hoạch có một truyền thống vẻ vang, đã có thời chói lọi bảng vàng bia đá, văn Trạng nguyên, võ Quốc công, nam Trung thần, nữ Liệt phụ, thật là một nơi hiếm có.
…………….

-NNC Nguyễn Văn Thắng
Nguồn: http://hoikieuhoc.com/

CÙNG CHUYÊN MỤC

Hoạt động dòng tộc

Thông tin khuyến học

Tấm lòng nhân ái

Tin tức trong tỉnh