Ballet Kiều: Kinh điển và mới

HNTĐ

"Một vở diễn mới, mang tâm hồn bản sắc của Việt Nam nhưng cũng phải đạt được quy chuẩn của thế giới"

Vở ballet Kiều của Nhà hát Nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh được chuyển thể từ kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du - là dự án nghệ thuật lớn, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới chuyên môn và khán giả yêu múa trước ngày công diễn (20-6) tại Nhà hát TP.HCM, với những hứa hẹn về sáng tạo nghệ thuật mới mẻ dựa trên nền tảng kỹ thuật ballet hiện đại chuẩn mực.

Tổng đạo diễn, biên đạo múa Tuyết Minh đang chỉ đạo diễn xuất trong vở ballet Kiều. - Ảnh: Phúc Hải.

Lúc này trên sàn diễn, các nghệ sĩ đang nỗ lực tập luyện cho ngày ra mắt. Nghệ sĩ múa, biên đạo Sùng A Lùng chia sẻ: "Với hai vai diễn trong vở Kiều, mình rất mong muốn khi khán giả tới thưởng thức thì sẽ rất yêu hai nhân vật của Lùng cũng như yêu vở diễn Kiều. Khi mình được cống hiến tuổi trẻ, được làm việc với cả đội ngũ anh chị em biên đạo rất giỏi như thế này, mình học được rất nhiều và có được nhiều cơ hội để cống hiến cho nghệ thuật múa." 

Các nghệ sĩ trên sàn tập - Ảnh: Phúc Hải. 

Ballet Kiều quy tụ được một đội ngũ chuyên môn cao, như biên đạo Phúc Hùng, biên đạo múa, thạc sĩ Tuyết Minh; nghệ sĩ Phúc Hải thiết kế ánh sáng; nhạc sĩ Việt Anh, nhạc sĩ trẻ Chinh Ba đảm nhận phần âm nhạc. Vai Thúy Kiều do nghệ sĩ ưu tú Trần Hoàng Yến, Kim Trọng do nghệ sĩ Đàm Đức Nhuận, Từ Hải do nghệ sĩ Hồ Phi Điệp thể hiện.

NSUT Trần Hoàng Yến, người thể hiện vai Thúy Kiều - Ảnh: HBSO 

Nàng Kiều - NSUT Trần Hoàng Yến cho biết, cô và các nghệ sĩ tham gia đều có sự phấn khích, niềm vui khi được tham gia vở diễn: "Vì diễn viên múa chúng tôi, nhất là diễn viên múa ballet, rát hiếm cơ hội để có những vở diễn lớn như vậy, để được tham gia tập luyện và biểu diễn những vở diễn mang tính nghệ thuật cao như vậy. Vào vai Kiều là vai diễn xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn, nên có thể là một vai diễn khá thử thách nhưng với tôi được thử thách mình như vậy cũng rất thú vị. Đến ngày 20/6 khi vở được công diễn, hy vọng khán giả có thể hiểu được, cảm nhận được những điều mà ê kíp nghệ thuật của chúng tôi muốn mang tới."
 Hiệu ứng Hologram cảnh diễn Thúy Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên dưới đáy sông Tiền Đường góp phần làm nổi bật nội dung vở diễn muốn truyền tải. - Ảnh: Phúc Hải.

Biên đạo múa, tổng đạo diễn Tuyết Minh cho biết: ê kíp biên đạo kết hợp giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với khí chất của tuồng, chèo, vốn múa dân tộc Kinh để chuyển tải được linh hồn cho toàn bộ vở diễn: "Một vở diễn mới, mang tâm hồn bản sắc của Việt Nam nhưng cũng phải đạt được một tầm quy chuẩn của thế giới, ví dụ như phải được diễn tấu trên dàn nhạc giao hưởng lớn, với những khúc thức của những loại hình riêng biệt như vậy. Và đối với những tác phẩm ballet, người ta cũng phải nhìn được những khúc thức như duo, trio. ở đâu, những biến tấu solo như thế nào, phải đạt được quy chuẩn của ballet cổ điển Châu Âu"

Nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ, ballet Kiều có sự kết hợp hấp dẫn giữa ballet và hiệu ứng hologram (kỹ thuật trình chiếu nổi 3 chiều), với cảnh múa ballet dưới nước của hai nữ nghệ sĩ Trần Hoàng Yến và Kim Tuyền được đạo diễn dàn dựng kỳ công, thể hiện trong hai trường đoạn chính mở đầu và kết thúc, khi Kiều chìm dưới sông Tiền Đường gặp hồn ma Đạm Tiên.

Nghệ sĩ Hà Ôn Kim Tuyền trong vai hồn ma Đạm Tiên cho biết, cô rất háo hức và cũng rất hồi hộp  khi vai diễn cũng là vai khó được đặt song song với vai Thúy Kiều: "Vai của mình kết hợp giữa múa. ballet và có một chút múa đương đại. Khi tập mình đã phải tìm hiểu rất kỹ và phải tập luyện giày mũi cứng rất nhiều. Vì thế mạnh của mình về đương đại nhiều hơn. Mình hy vọng có thể đem tới cho khán giả cảm xúc với vai diễn Đạm Tiên cũng như nội dung của vở Kiều. Hy vọng thông qua vở diễn  mọi người có thể biết đến ballet nhiều hơn, hiểu nghệ thuật hàn lâm nhiều hơn."

 Diễn viên, biên đạo múa Sùng A Lùng - Ảnh: Báo Dân Việt

Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng- cũng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc của múa đương đại - trong vở diễn này anh thể hiện hai vai khác biệt là người kể chuyện và Tú Bà.

Diễn viên, biên đạo múa Sùng A Lùng cho biết: "Tôi diễn hai vai đối ngược nhau là ông lão đánh cá và Tú Bà. Ông lão thì rất thâm trầm, nho nhã của một nho sĩ về ở ẩn, nên cách diễn khác hoàn toàn với một Tú Bà rất thâm độc, rất ác, nguy hiểm.

Chị Tuyết Minh có nói với Lùng, khi muốn tôn những vai chính diện như Kiều, Kim Trọng, Từ Hải lên, thì những vai phản diện như Tú Bà phải thực sự rất sắc. Vai Tú Bà rất khó, nhưng Lùng cũng được chị Tuyết Minh động viên rất nhiều, là mình chỉ cần tư duy thêm một chút.

Khi xây dựng vở diễn, hai biên đạo Tuyết Minh và Phúc Hùng cũng cho Lùng rất nhiều khoảng trống để được tự do sáng tạo, từ tiềm năng biên đạo của chính mình để tôn được vai diễn lên, đưa sự am hiểu của mình về nhân vật vào tác phẩm."

Như biên đạo Tuyết Minh chia sẻ, ê kip thực hiện đã tìm tòi để vở diễn có sự hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng với âm nhạc truyền thống. Phần nhạc giao hưởng cho những đại cảnh, trữ tình do nhạc sĩ Việt Anh viết, những phân đoạn kết nối thể hiện nét tính cách, sự biến đổi được nhạc sĩ Chinh Ba phát triển trên những nét âm nhạc truyền thống.

"Cụ Nguyễn Du sinh thời ở Quảng Trị, làm việc trong cung đình Huế. Ở miền Trung đấy cũng là khoảng thời gian mà hát bội, hát tuồng Trung bộ trở thành một loại hình sân khấu phổ biến nhất. Tôi muốn làm việc với chị Tuyết Minh để đưa tuồng vào Kiều. Đó là cách tốt nhất để mình thể hiện hết mức về tinh thần của thời đấy."  - Nhạc sĩ Chinh Ba.

Nhạc sĩ Chinh Ba cho biết anh thấy mình may mắn khi được làm Kiều: " Vì tôi cảm thấy chất liệu âm nhạc của Việt Nam, tính bản địa Việt Nam quá mạnh, quá giàu đẹp. Khi làm việc với anh Việt Anh, chúng tôi đã phải làm việc với nhau rất nhiều để có thể kết hợp hòa trộn giữa hai thể loại âm nhạc rất khác nhau. Một bên, mọi người đều biết: nhạc sĩ Việt Anh là ông hoàng của âm nhạc lãng mạn. Kiều của Nguyễn Du, khi được nhạc sĩ Việt Anh chuyển tải sang âm nhạc rất giàu màu sắc, đẹp và có những quy chuẩn của một vở ballet. Còn tôi thì các chất liệu vẫn thường dùng lại ngược lại. Chất liệu của tôi là từ bản năng, là tính cách, là không gian và là sự tương tác trực tiếp. Khi làm nhạc tôi thường thể nghiệm những chất liệu nhạc khác nhau, cả âm thanh điện tử, âm thanh của chất liệu nhạc bản địa.
Vì thế, khi hai nhạc sĩ cùng làm việc với biên đạo Tuyết Minh, đã cùng thống nhất về mặt âm nhạc đây là một vở ballet, “nhưng tính Việt” vẫn phải được đảm bảo: "Nếu chỉ có lấy tuồng, sẽ bị địa phương, cục bộ hóa., tôi đã đẩy những chất liệu âm thanh bản địa vào. Có những đoạn tôi sử dụng rất nhiều keo âm thanh để tạo ra những âm hưởng mà người ta có thể nghe thoang thoảng đâu đó miền Bắc, hay miền Trung, hay miền Nam. Khi bạn nghe thoang thoảng đâu đó, bạn không biết nó nằm ở đâu, chính là tâm trạng tôi nghĩ về Kiều ở lầu Ngưng Bích. Kiều và Đạm Tiên... tất cả những thân phận đã bị trôi dạt, bị lưu lạc và không biết định hình mình đang ở đâu, chỉ có tiếng nói của thân phận ở giữa..

Khi kết hợp với âm nhạc của nhạc sĩ Việt Anh phải vừa giữ lại được tính cách của chất liệu vùng miền, chất liệu bản địa, chất liệu Việt Nam, vừa phải hòa trộn với quy chuẩn của ballet, quy chuẩn của âm nhạc hàn lâm.

Nhạc sĩ Việt Anh cũng sử dụng rất nhiều chất liệu dân tộc phối trộn trên tính hàn lâm của âm nhạc cổ điển. Như vậy về mặt bản chất âm nhạc sẽ dễ để hòa thuận hơn và diễn viên từ đấy có thể sống, biểu diễn trong ngôi nhà âm thanh ấy như một môi trường để sáng tạo." - Nghệ sĩ Chinh Ba cho biết.

Vở diễn dù chưa ra mắt chính thức đã được đặt hàng biểu diễn nhân kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Mỹ. 

Ngày 20.6, ballet Kiều do các nghệ sĩ múa Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM biểu diễn sẽ ra mắt tại Nhà hát TP.HCM; sau đó vào 22.7. Và sẽ đến với khán giả thủ đô vào 14.8 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.  

Và đặc biệt, dù chưa công diễn chính thức, ballet Kiều đã được Hội Việt Mỹ đặt hàng đêm diễn 22.7 nhân kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.

Kịch bản của Ballet Kiều do nghệ sĩ Tuyết Minh chuyển thể, được Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tuyển chọn trong cuộc vận động sáng tác kịch bản múa năm 2019. Ballet Kiều nằm trong chương trình hành động của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam năm 2020, được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam phối hợp với Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam tổ chức dàn dựng và công diễn.

Nguồn: https://vovworld.vn/

CÙNG CHUYÊN MỤC

Những bài thơ hay

Tản văn, bút ký

Truyện ngắn

Tác phẩm âm nhạc