Truyện Kiều trong tâm thức người xa xứ

HNTĐ

Như mang cả “hồn cốt” dân tộc, Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh) thực sự là một phần quê hương mà những người xa xứ có thể mang theo trong tâm thức của mình.

Truyện Kiều đã nhiều lần được dàn dựng trên sân khấu và phim ảnh. 
(Trong Ảnh: Hình ảnh được lưu giữ tại Khu di tích Nguyễn Du)

Chị Lâm Thúy Uyên (46 tuổi) là một doanh nhân đang định cư ở Califonia (Mỹ) chia sẻ: “Từ thuở bé, ba mẹ tôi đã đọc Truyện Kiều cho tôi nghe. Lớn hơn chút, tôi đã có thể đọc thuộc gần hết cuốn Kiều. Khi còn là một diễn viên đoàn cải lương ở TP Hồ Chí Minh, tôi tham gia nhiều vai diễn cổ trang trên sân khấu và phim truyền hình nhưng chưa lần nào được diễn vai Thúy Kiều… Cho đến lúc này, dù sống ở nước ngoài nhưng nhớ, nghĩ về Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là tôi cảm thấy quê hương ở trong tim mình. Tôi vẫn thường đọc cho các con nghe những câu thơ hay, như những triết lý của cuộc sống trong Truyện Kiều. Hiện tôi đang quan tâm đến những thông tin xung quanh các dự án phim về Kiều và biết đâu đó, tôi sẽ trở lại với sân khấu và màn ảnh”.

Không đơn thuần là một Việt kiều tha thiết với quê hương, tha thiết với Truyện Kiều mà hơn thế nữa, chị Sông Hương (Paris, Pháp) luôn muốn gìn giữ và lan tỏa những giá trị của Truyện Kiều đến bạn bè quốc tế. Chị Sông Hương cho biết: “Là một người học văn, dạy văn và từng nghiên cứu về Truyện Kiều, về Nguyễn Du, tôi hiểu được những giá trị to lớn mà Truyện Kiều mang lại. Sau này khi ra nước ngoài học tập và nghiên cứu, tôi càng mong muốn mang tiếng nói của văn hóa Việt Nam nói chung và đặc biệt là Truyện Kiều nói riêng đến bạn bè thế giới nhiều hơn”.

Chị Sông Hương (áo đỏ) chụp ảnh lưu niệm nhân dịp về nước và tặng sách cho 
Khu di tích Nguyễn Du tháng 5/2018.

Hiện tại, chị Sông Hương đang công tác tại Ban Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ của Trường Sorbonne Université (Đại học Paris VI UMPC và Đại học Paris IV Sorbonne-Paris) - Cộng hòa Pháp. Trong quá trình sinh sống và nghiên cứu ở Pháp, chị Sông Hương đã không ngừng nỗ lực sưu tầm sách, hiện vật liên quan đến Truyện Kiều ở nước ngoài và có sự kết nối thường xuyên với quê hương Hà Tĩnh thông qua hoạt động tặng sách, hiện vật cho Khu di tích Nguyễn Du (Tiên Điền, Nghi Xuân).

Nhiều bản dịch Truyện Kiều quý hiếm được sưu tầm và trưng bày tại 
Khu di tích Nguyễn Du.

Ngoài 9 cuốn sách là các bản dịch Truyện Kiều cùng các hiện vật khác được chị Sông Hương trao tặng Ban Quản lý Khu di tích Nguyễn Du vào tháng 5/2018, đến nay, chị đã sưu tập được 80 bản dịch Truyện Kiều bằng 20 thứ tiếng và hơn 250 đầu sách nghiên cứu về Truyện Kiều ở nhiều nước trên thế giới. Trong số đó có rất nhiều bản dịch Kiều quý giá như các bản dịch: Truyện Kiều năm 1884 bằng tiếng Pháp, tiếng Ba Lan (1929), Tiệp Khắc (1926)…

Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu và sưu tầm sách, hiện vật về Truyện Kiều, chị Sông Hương còn đang thực hiện một dự án nhằm quảng bá rộng rãi những giá trị văn hóa to lớn từ Truyện Kiều tại Paris, trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du năm 2020, sắp tới.

Khu nhà lưu niệm Nguyễn Du.

Ngoài chị Sông Hương (Pháp), chị Lâm Thúy Uyên (Mỹ) còn nhiều kiều bào Việt Nam ở hải ngoại khác như Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Nga)… cũng đã và đang dành tình cảm đặc biệt đối với Truyện Kiều, đối với Nguyễn Du bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực. Với họ, có một quê hương “vô hình” luôn nằm trong tâm thức đó là Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn…” (Phạm Quỳnh) - có lẽ trong tâm hồn người Việt cho dù ở bất cứ nơi đâu, mỗi khi nhắc nhớ quê hương, ai cũng sẽ nhớ đến di sản văn hóa này của dân tộc, nhớ về cụ Nguyễn Du và nhớ về Hà Tĩnh.

Nguồn: Baohatinh.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC