Bàn về bói Kiều

HNTĐ

Trong cuộc sống có một số người lúc bình thường xem bói, lúc khác thường cũng xem bói. Con người có mơ màng, có nghi vấn là thuộc tính bản chất. Nếu như con người không có mơ màng, không có nghi vấn thì cuộc sống của con người đó thiếu chân thật, không sâu sắc. Nhưng lúc nào cũng mơ màng, lúc nào cũng nghi ngờ thì con người ấy sẽ điên loạn.

Trong cuộc sống thường nhật, một số người có thói quen bình an vô sự, thậm chí có những người bị lừa đảo vẫn không dám phát hiện, phát giác kẻ bịp bợm. Trong cuộc sống của con người bình thường là như thế, nhưng khi gặp khó khăn lại cầu viện đến thần linh phán đoán tốt - xấu, họa - phúc, cho nên dẫn đến việc xem bói. Và người ta cho rằng luật nhân quả, luật bù trừ, thuyết tài mệnh tương đố là hiện thực của cuộc đời. Nhất là khi khoa học chưa phát triển, con người sống phụ thuộc vào tự nhiên, cho nên thường tin vào thần linh, ma quỷ. Song nói cho hết lẽ, tuy khoa học đã phát triển, nhưng người ta vẫn tin vào thần linh, tin vào tướng số để an ủi một phần nào của cuộc đời. Tin vào số mệnh, người ta tìm đến thầy bói, xin quẻ, đoán định tương lai, hay là đi chùa cúng lễ, cầu thần khấn Phật, xin thẻ phù hộ độ trì, cầu tài lộc.

Do thực tế nghề nghiệp đòi hỏi các thầy bói phải học bói, cho nên các thầy ít nhiều đều chịu ảnh hưởng Kinh Dịch. Nói chung, quẻ bói lại thường trúng với điều mà con người yêu cầu. Đó là nguyên lý thông tin tổng thể mà người xưa đã tổng kết trong Kinh Dịch, một nguyên lý phổ biến đã được chứng thực bằng hiện tượng sống. Nguyên lý ấy, theo quan niệm của Kinh Dịch - vũ trụ là thiên - địa - nhân hợp nhất, vũ trụ là một chỉnh thể. Đặc biệt qua trải nghiệm người xưa đã đúc kết, các hào của quẻ đều có mối liên hệ với cơ thể của con người. Các quẻ ở Kinh Dịch đều cấu tạo bởi các hào âm và dương. Quẻ đơn có ba hào, quẻ kép có sáu hào, tổng số hào của 64 quẻ là 384. Quẻ đơn có ba hào, các bộ phận thân thể của con người nối với nhau bởi ba đốt (khớp) xương. Kinh Dịch có 384 hào, trên thân thể người có 384 huyệt. Chín khiếu của con người được sắp đặt theo hình quẻ Thái. Hào thứ 1, dương là hậu môn, hào thứ 2, dương là lỗ tiểu, hào thứ 3, dương là miệng, hào thứ 4, âm là hai lỗ mũi, hào thứ 5, âm là hai lỗ tai, hào thứ 6, âm là hai con mắt. Các trường hợp trên có thể tóm tắt bằng hình quẻ như sau:

Quẻ Thái:

─ ─ 6 (hào trên cùng) - hai con mắt

─ ─ 5 hai lỗ tai

─ ─ 4 hai lỗ mũi

─ ─ ─ 3 miệng

─ ─ ─ 2 lỗ tiểu

─ ─ ─ 1 (hào đầu) - hậu môn

Qua hình quẻ Thái càng cho ta thấy Kinh Dịch liên quan mật thiết với âm dương, ngũ hành, bát quái, thiên can, địa chi v.v... Do đó, các thầy bói dùng bát quái, thiên can vào việc bói Kiều.

Bát quái là hệ thống phù hiệu hình quẻ của Kinh Dịch: “Dương” biểu thị bằng vạch ngang liền “─ ─ ─ ” âm biểu thị bằng vạch ngang đứt “─ ─”. Bát quái, 64 quẻ đều là cấu tạo bởi hai phù hiệu âm và dương xếp chồng lên nhau mà thành. Phạm vi tượng trưng của âm và dương rất rộng, hai cái đó có thể lần lượt biểu thị cho tất thảy các tượng vật đối lập trong xã hội loài người và giới tự nhiên, như trời đất, con trai con gái, ngày đêm, trên dưới, thắng thua, vua tôi, vợ chồng v.v..., cho đến khái niệm số chính, số phụ, điện âm, điện dương trong khoa học hiện đại cũng tương thông với nó. Có thể nói, nghĩa rộng của âm dương ở trong Kinh Dịch là một nguyên lý triết học về sự phát triển, biến hóa, vận động của sự đối lập thống nhất, phản ánh tính chất phác trong hình thức “tượng trưng” đặc biệt. Bát quái có quan hệ đối ứng nhất định của hình quẻ, tên quẻ, vật tượng trưng như trong bảng dưới đây:

Tên quẻ

Hình quẻ

Vật tượng trưng

Kiền

Trời

Khôn

Đất

Chấn

Sấm

Tốn

Gió

Khảm

Nước

Ly

Lửa

Cấn

Núi

Đoài

Đầm (ao)


Bát quái còn có ý nghĩa tượng trưng đặc biệt: kiện, thuận, động, nhập (= vào), hãm, lệ (= phụ thuộc), chỉ (= ngăn) dừng, duyệt (= vui mừng). Tám ý nghĩa tượng trưng đại thể không biến đổi, nhưng tám tượng vật tượng trưng thì có thể dựa vào loại mà suy ra nghĩa rộng. Như Kiền tượng trời, lại có thể tượng vua, rồng, kim (loại), ngọc (châu báu), ngựa tốt v.v... đều là phù hợp với ý nghĩa cương kiện (cứng, mạnh). Các quẻ khác cũng suy đoán như thế.

Còn Thiên can là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Dựa vào Bát quái, Thiên can, người ta tạo dựng nên mười tám điều bói nhằm thỏa mãn một trong mười tám điều theo yêu cầu của người đến bói:

BÁT QUÁI

1.KIỀN: Niên vận - cả năm tốt hay xấu.

2.KHẢM: Công danh - thăng bổ sớm hay muộn.

3.CẤN: Tài lợi - tiền của dồi dào hay hao hụt.

4.CHẤN: Âm tín - muốn hỏi tin tức của một ai.

5.TỐN: Tranh tụng - kiện tụng được hay thua.

6.LY: Bình an - vận nhà bĩ hay thái.

7.KHÔN: Hôn nhân - việc vợ chồng tốt hay xấu.

8.ĐOÀI: Thương mại - buôn bán lỗ hay lãi.

THIÊN CAN

9.GIÁP: Thiên di - đổi dời chỗ ở êm hay động.

10.ẤT: Tật bệnh - bệnh tật nặng hay nhẹ.

11.BÍNH: Khoa đồ - Thi đỗ hay hỏng.

12.ĐINH: Tử tức - đường con cái ra sao.

13.MẬU: Xuất hành - ra đi may hay rủi.

14.KỶ: Truy tìm - tìm kiếm thấy hay mất.

15.CANH: Ưu tư - lo sợ lành hay dữ.

16.TÂN: Thám yết - đi thăm có được không.

17.NHÂM: Kỹ nghệ - nghề nghiệp lợi hay hại.

18.QUÝ: Tâm sự - tình riêng có toại (nguyện) hay không(1).

Những điều này chứng tỏ thầy bói cần phải chuẩn bị điều kiện để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đến bói. Vì khách hàng đến bói, thế nào cũng hỏi những điều cần thiết ấy. Mà nội dung Truyện Kiều thì vô cùng phong phú. Truyện Kiều là một tác phẩm thể hiện cuộc sống thông qua sự bày tỏ tình cảm, cảm xúc của chủ thể sáng tạo. Nội dung tác phẩm là những cảm nghĩ mà cuộc sống gợi lên trong chủ thể sáng tạo. Nó mang đậm màu sắc chủ quan, cho nên chủ thể sáng tạo có một lối thể hiện riêng, từ con người, tính cách, cuộc sống, cho đến sắc thái tình cảm và những quan hệ xã hội, tất cả đều tùy theo cá tính và bản lĩnh. Tâm trạng cá biệt ấy được phản ánh trong tác phẩm là cả một quá trình cảm nhận cuộc sống của con người. Nhờ những nội dung của tâm trạng ấy, chúng ta có thể nhận thức được tác động của cuộc sống vào thế giới nội tâm con người, và từ đó hiểu được cái thế giới tâm tư và tình cảm của con người đã, đang và sắp xảy ra. Cũng nhờ đó mà chúng ta có thể xác định được phẩm chất tâm hồn của chủ thể: ước mơ, hy vọng, lo lắng, yêu thương và căm ghét. Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài, cho nên ông hay dùng phương thức tạo hình để phác họa ra cái tính cách nhân vật với những dáng vóc to lớn của Tú Bà hoàn toàn khác với dáng vóc to lớn của Từ Hải. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, hai nhân vật này vừa xuất hiện đã bộc lộ hai cá tính, hai cuộc sống nội tâm hết sức khác nhau. Đoạn miêu tả Tú Bà:

"Thoát trông nhờn nhợt màu da,

Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao?

Trước xe lơi lả han chào,"

(K, c.925)

Còn đoạn miêu tả Từ Hải:

"Lần thâu gió mát trăng thanh,

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.

Râu hùm hàm én mày ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao."

(K, c.2168)

Trong thực tiễn thơ ca, những đoạn thơ hay được xây dựng theo phương thức tạo hình nhiều khi giống như những bức tranh hoàn chỉnh hiện ra trước mặt người đọc. Truyện Kiều là truyện thơ mang đậm tính chất trữ tình (hình tượng - cảm nghĩ) và tự sự (hình tượng - tính cách). Tác giả đã thâm nhập cuộc sống, biết chọn lọc, trau chuốt từ ngữ và những cảm xúc mãnh liệt của mình trước thiên nhiên, sự vật và con người thì phương thức tạo hình vẫn là một phương thức quan trọng trong việc tạo nên hình tượng trữ tình ở trong thơ. Đoạn thơ tả Tú Bà và Từ Hải ở trên, chính là trường hợp như thế.

Trong thơ ca, khi cần miêu tả những sắc thái nội tâm, những sự biến đổi trong tình cảm của con người, nhà thơ cần nhiều đến phương thức biểu hiện. Ngược lại, khi cần miêu tả về không gian, thời gian, những bối cảnh trong đó có con người hoạt động thì nhà thơ lại cần nhiều đến phương thức tạo hình. Qua cách tạo hình ấy, nhà thơ muốn cho người đọc thấy một nội tâm, một cá tính của nhân vật đang nói tới hay là của chính nhà thơ. Trong thơ ca cổ, các nhà thơ thường sử dụng phương pháp tạo hình để phô diễn tài năng sử dụng ngôn ngữ khi miêu tả những cảnh vật của trời đất, của thiên nhiên. Trong thực tế, người đọc ở bất kỳ thời đại nào cũng đều có nhu cầu thưởng thức những bài thơ hay, những vẻ đẹp của thơ. Chính vì lẽ ấy, trong Truyện Kiều thơ tả tình thường gắn với tả cảnh. Một bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du có sức lôi cuốn người đọc. Tác giả đã phác họa tâm tư con người ẩn giấu, biểu hiện dưới hình ảnh của cảnh vật thiên nhiên. Càng ở đoạn thơ tình tứ gay go bao nhiêu, ta lại càng thấy bút lực của nhà thơ lại càng phát huy đến tột đỉnh đa nghĩa của một từ ngữ, một hình tượng.

Do cuộc đời Nguyễn Du gắn bó với cảnh vật thiên nhiên, với quê hương xứ sở, với những con người lao khổ, cho nên ngòi bút cũng rung cảm theo tâm hồn của nhà thơ. Nguyễn Du vừa là nhà thơ vừa là nhà tâm lý. Ông hiểu và xét tâm lý của đời rất sành, cho nên ở Truyện Kiều có nhiều đoạn thơ tả tình liên quan đến cảnh. Tình cảnh ảnh hưởng đến lý chí, đến hoạt động, đến cảm giác của con người, cùng một cảnh ngộ, mỗi người cảm nghĩ một cách, không ai giống ai, hiểu được tâm tình của con người đã khó, diễn tả cho đúng tình cảm của con người lại càng khó hơn. Nguyễn Du là nhà thơ đã hiểu thấu nội tâm của từng nhân vật, cho nên những câu thơ tả tình trong Truyện Kiều thực là thần diệu, thể hiện một bút pháp điêu luyện, một tài năng mẫn cảm ngôn từ của nhà thơ. Ví như đoạn thơ tả Kim Trọng tương tư. Chàng Kim nặng gánh tương tư đến nỗi quên cả đèn sách, phím đàn, trong lòng vấn vương, đầu óc luôn nhớ đến nàng Kiều. Ngồi nghe tiếng gió đập vào mành, chàng cũng nhớ đến nàng, nỗi nhớ ấy là: “hương đốt càng thơm càng thêm nhớ, nhớ đến nỗi uống trà nhiều càng khản giọng ân tình”:

"Phòng văn hơi giá như đồng,

Trúc xe ngọn thỏ, tơ phùng phím loan.

Mành tương phân phất gió đàn,

Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình."

(K, c.256)

Như trên đã nói, trong Truyện Kiều có nhiều đoạn thơ tả tình liên quan đến tả cảnh. Nguyễn Du tả cảnh là để người đọc hình dung được cảnh vật mà sinh cảm, sinh tình như đứng trước thiên nhiên bao la, mênh mông, hùng vĩ. Nguyễn Du là nhà thơ tả thực vô cùng xuất sắc, những câu thơ tả cảnh đều có tính hình tượng rất cao. Ví như câu:

"Cỏ non xanh rợn chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa."

(K, c.42)

Ở đây, tác giả làm cho ta phải suy tư về từ “rợn” sau tính từ “xanh”. “Rợn” là một từ giàu sắc thái biểu cảm, vừa có ý nghĩa chỉ một trạng thái của “xanh” vừa có ý nghĩa chỉ trạng thái cảm giác của con người giống như là các từ “rờn rợn”, “rùng rợn”, “sợ hãi”. Tác giả biểu thị trạng thái, tình cảm đối với đối tượng. Dường như sau cái vẻ đẹp trong sáng của mùa xuân mà tác giả miêu tả, người đọc sẽ linh cảm thấy một cuộc đời, một số phận éo le sắp xuất hiện.

Với bút pháp tả cảnh thần tình, chỉ một vài câu thơ, Nguyễn Du tả một cảnh rất đầy đủ, tinh tế, thú vị. Đó là nhờ những yếu tố nghệ thuật vốn có với sự kết hợp tài năng sáng tạo của một nghệ sĩ thiên tài, Nguyễn Du đã phác họa nên cảnh sắc thiên nhiên gắn bó với hoàn cảnh xã hội, với nội tâm nhân vật. Ở mỗi nhân vật, tác giả lại có từ ngữ riêng để diễn tả từng người. Như khi tả hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân thì Nguyễn Du tả mỗi người mỗi khác. Tác giả tả Thúy Vân:

"Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt, đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da."

(K, c.22)

Tác giả tả nhan sắc Thúy Kiều:

"Làn thuy thủ, nét xuân sơn,

Hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai."

(K, c.28)

Nhan sắc “Một hai nghiêng nước nghiêng thành” của Thúy Kiều chẳng những làm cho mọi người ham muốn, khao khát mà Kiều còn có tài hơn người “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Nguyễn Du diễn tả cái tài thiên bẩm của Thúy Kiều có đủ cả thơ, đàn, họa.

Nổi bật nhất là, trong Truyện Kiều con người và cảnh vật thường hòa quyện vào nhau:

"Đòi phen gió tựa hoa kề,

Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."

(K, c.1244)

Từ những mối quan hệ khăng khít đó với sự sống còn của con người, với những biến đổi của chúng thì chúng ta có thể khẳng định: Truyện Kiều không phải là một sách bói như Kinh DịchTruyện Kiều là một cuốn tiểu thuyết tâm lý - xã hội, là một bản cáo trạng bằng thơ lên án chế độ phong kiến thối nát, tàn bạo. Tác giả dùng bút pháp tự sự, giới thiệu nhân vật, tả cảnh thiên nhiên hay đối thoại v.v..., những biện pháp này đều không tồn tại độc lập, mà nó liên quan hữu cơ với nhau. Tuy có những yếu tố đối lập nhau, nhưng các yếu tố này đều diễn biến trong quá trình biện chứng của tâm hồn của từng nhân vật. Những mâu thuẫn trong tâm lý, quá trình phát triển khách quan của xã hội, của các thời đang sống của chính nhân vật, bất cứ là các nhân vật tích cực như Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải... hay là những nhân vật tiêu cực như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến... cũng đều là phác họa theo bút pháp của tác giả. Nghĩa là tác giả thấu hiểu tâm lý của từng nhân vật theo quy luật sống và biến đổi của xã hội. Đó là bút pháp nghệ thuật thiên tài của Nguyễn Du cho mọi người yêu mê Truyện Kiều và có thể vận dụng những câu thơ Kiều vào mọi phương diện, mọi tìn huống theo mục đích riêng của mình, thậm chí có những người biến Truyện Kiều thành sách bói để hỏi những điều liên quan đến đời sống tương lai của mình.

Rõ ràng Truyện Kiều là một tác phẩm hiện thực, xuất phát từ những tiền đề rộng lớn, phong phú, hướng con người vào tình thương bao la quí trọng mọi sự sống. Vì thế, số thứ tự của câu thơ trong Truyện Kiều có sự trùng hợp ngẫu nhiên mà ta tưởng đấy là những câu đoán. Ví như câu Kiều 83 nói về phụ nữ: "Đau đớn thay phận đàn bà" lại trùng với ngày Quốc tế phụ nữ tháng 3.

Hay là câu Kiều 1954: "Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai". Đọc câu này, khiến ta suy tưởng đến năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ tạm thời chia đất nước ta làm hai miền.

Những hiện tượng trùng hợp này là ngẫu nhiên, tình cờ, chứ không phải là những câu thơ nhằm phục vụ cho việc xem bói. Nếu như Nguyễn Du có chủ ý để người đời xem bói thì số thứ tự của các câu Kiều khác sẽ thế nào? Cố nhiên, việc sử dụng Truyện Kiều, mỗi người có một mục đích riêng, tùy sở thích của mỗi người. Nhưng có sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, ta mới thấy hiệu quả giá trị của Truyện Kiều - một tác phẩm văn học cổ điển tiêu biểu của nền văn hóa truyền thống dân tộc. Qua những mẩu chuyện Bác Hồ sử dụng Truyện Kiều dưới đây, ta sẽ thấy rõ điều này:

“Tháng 3 năm 1945, khi tiếp xúc với các đại biểu về dự đại hội Tân Trào, Bác Hồ xúc động nói:

"Đến bây giờ mới thấy đây

Mà lòng đã chắc những ngày một hai".

(K, c.2282)

Năm 1930, một đêm nọ, trên đất nước Trung Hoa, Bác hỏi đồng chí Trần Phú:

- Đồng chí Lý ngủ hay thức đấy?

- Tôi mới chợt dậy ạ!

- Mình vừa có một giấc mơ về bên nhà.

Nói xong, Bác ngồi lặng yên trên giường, mắt nhìn vào màn đêm thăm thẳm. Lúc lâu, Người khe khẽ đọc:

"Tình sâu mong trả nghĩa dày

Hoa kia đã chắp cánh này cho chưa?

Mối tình đòi đoạn vò tơ

Giấc hương quan luống ngẩn ngơ canh dài

Song sa vò võ phương trời

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng..."

(K, c.1268)

Bác còn sử dụng Kiều trong hoạt động đối ngoại, và đem lại hiệu quả lớn.

Năm 1946, khi sang thăm chính thức nước Pháp với tư cách thượng khách của nước này. Bác có dịp thăm và nói chuyện với bà con Việt kiều tại Paris. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác đọc hai câu Kiều:

"Gìn vàng giữ ngọc cho hay,

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời".

(K, c.546)(2)

Những trường hợp trùng hợp nêu ở trên là do người đọc suy diễn, chứ Nguyễn Du không có ý bói toán. Bởi vì, chính Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều, bói toán là quàng xiên:

"Chẳng qua đồng cốt quàng xiên,

Người đâu mà lại thấy trên cõi trần".

(K, c.1702)

Nhưng trong những ngày tết âm lịch, những ngày nông nhàn, các bà, các chị nhẹ dạ cả tin lại đem Kiều ra đọc, rồi lẩy Kiều, tập Kiều, bói Kiều. Theo cách bói dân dã, người ta thắp hương khấn vái biểu thị sự thành tâm: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, con tên là... ở... cầu xin câu đầu, câu cuối hoặc đoạn giữa trang”. Theo thông lệ “trai tay trái, gái tay mặt”, người ta dựa vào đó để tìm câu trả lời, và tự mình suy ngẫm thấy ứng nghiệm, liền vận vào mình và tấm tắc khen: Kiều nói đúng, nói hay.

Thế là, có người sưu tầm, sắp xếp và lựa chọn các câu tập Kiều lập nên 15 đáp án mà các thầy bói trước đây sử dụng để trả lời khách hàng đến xem bói theo yêu cầu một trong 18 đề mục kể trên.(3)

Mỗi đề mục, người ta tạm nêu ra 15 đáp án, mỗi đáp án có hai câu tập Kiều. Ví dụ: Khách hàng hỏi về việc kiện tụng (Tốn) thì ở đề 5 đã có những cách trả lời như sau:

"Tha ra thì cũng may đời

Ngắn ngày thôi chớ dài lời làm chi".

(K, c.2375)

Kết quả đã được tha.

"Mặt sao dày gió dạn sương,

Giơ tuồng nghỉ mới kiếm đường tháo lui".

(K, c.1188)

Báo hiệu nên rút lui.

Về cách bói này, trước hết người đến bói phải xem mình cần hỏi mục nào thì xem số thứ tự nằm trong 18 đề mục. Ví như khách hàng hỏi về đường công danh thì tìm ở mục 2 - Khảm, rồi tìm số thứ tự câu trả lời trong 15 đáp án(4). Những đáp án này đều ở Truyện Kiều, mà Truyện Kiều không phải là sách bói, cho nên chúng ta đừng quá tin vào bói Kiều.

Thêm vào đó, Phạm Đan Quế lại thừa nhận: “Sách bói toán phương Đông thì Kinh Dịch của Trung Quốc là một tác phẩm lớn thời cổ đại mà các nhà bói toán thường dựa vào như một cuốn sách cẩm nang”.(5)

Nếu nói như thế thì ngay cách bói về kiện tụng đã nêu ở trên lại mâu thuẫn với Kinh Dịch. Vì trong Kinh Dịch đã có sẵn quẻ Tụng nói về thời kiện tụng, chứ không phải quẻ Tốn như đề mục đã ghi...

Nói về bói Dịch thì vô cùng khó. Chẳng những người xem bói phải tham khảo lời quẻ, lời hào, mà còn phải căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra những lời phán thích hợp. Người xem bói chẳng những hiểu sâu đạo lý của Kinh Dịch mà còn phải có kinh nghiệm sống mới có thể đưa ra những dự đoán tương đối chính xác, ít sai lầm. Ở ta hiện nay có người tự cho mình giỏi về bói Dịch, chẳng qua chỉ là dùng phép lạ, lợi dụng Kinh Dịch làm bức bình phong để đề cao mình.

Lịch sử Việt Nam cũng đã ghi chép, từ thời xa xưa nước ta đã có những nhà Dịch học nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn v.v... đều là những bậc danh Nho của một thời. Cũng cần nói thêm, không phải có chữ Nho là có thể bàn về Dịch. Cụ thể Nguyễn Trường Tộ là người vùa giỏi Tây học lại vừa giỏi Nho học, những năm Tự Đức thứ 24 (1871), ông viết một bài điều trần, trong đó ông dùng thuyết âm dương, ngũ hành tương sinh tương khắc của Kinh Dịch để chứng minh, giải thích việc Pháp xâm chiếm nước ta, việc nước Việt Nam bại trận, là thuộc “lẽ thường của trời đất”. Nguyễn Trường Tộ viết: “Chúng tôi thiết nghĩ trong thiên hạ chỉ có cái “thế” mà thôi. Chữ thế gồm cả thiên thời và nhân sự. Những ai hiểu rõ chữ thế thì không trái trời, không sai thời, không hại người, không hỏng việc. Nay xin trước lấy đạo trời mà nói: khí trời từ bắc xuống nam, vận trời từ tây sang đông. Xem trong bản Hà đồ ở Kinh Dịch thì thủy ở bắc, hỏa ở nam, kim ở tây, mộc ở đông. Thủy diệt hỏa, kim diệt mộc, đó là lẽ thường của trời đất”. Vậy nước ta ở phía nam đối với Trung Quốc, ở phía đông đối với Pháp, mà nam là hỏa, bắc là thủy, thủy diệt hỏa, tức là Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ; đông là mộc, tây là kim, kim diệt mộc, tức là Pháp đánh bại Việt Nam, Pháp lấy Việt Nam làm thuộc địa; đó là điều mà âm dương, ngũ hành đã nói rõ rồi, đã khiến chắc như thế, chạy đâu cho khỏi. Làm gì được nữa? Đấy, âm dương, ngũ hành dắt đến những giải thích, những kết luận tai hại, ngu ngốc như thế đấy(6). Qua đó, ta thấy vận dụng Kinh Dịch, âm dương, ngũ hành vào việc suy đoán vận mệnh con người và đất nước không phải dễ dàng. Ở ta hiện thời các thầy bói cũng chỉ là học mót nói dựa. Các thầy nghe lời truyền trong dân gian: Tí Ngọ Mão Dậu tứ hành xung; Tị Dần Thân Hợi tứ hành xung; Thìn Tuất Sửu Mùi tứ hành xung, và các thầy lại nghe người ta nói đến ngũ hành tương khắc: kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim mà cho là xung và hạn.

Nhưng thật đáng tiếc, các thầy bói còn chưa hiểu hết 60 hoa giáp tý. Người xưa đã lập bảng 60 hoa giáp tý như sau:

NĂM

MỆNH

NĂM

MỆNH

NĂM

MỆNH

NĂM

MỆNH

NĂM

MỆNH

Giáp Tý

Kim trong biển

Bính Tý

Thủy dưới khe

Mậu Tý

Hỏa thu lôi

Canh Tý

Thổ trên tường

Nhâm Tý

Mộc dâu tùng

Ất Sửu

Đinh Sửu

Kỷ Sửu

Tân Sửu

Quý Sửu

Bính Dần

Hỏa trong lò

Mậu Dần

Thổ tường thành

Canh Dần

Mộc tùng bách

Nhâm Dần

Kim vàng dát mỏng

Giáp Dần

Thủy ở khe lớn

Đinh Mão

Kỷ Mão

Tân Mão

Quý Mão

Ất Mão

Mậu Thìn

Mộc rừng

tốt

Canh Thìn

Kim trong

nến

Nhâm Thìn

Thủy trường

lưu

Giáp Thìn

Hỏa đèn

thờ

Bính Thìn

Thổ trong

cát

Kỷ Tỵ

Tân Tỵ

Quý Tỵ

Ất Tỵ

Đinh Tỵ

Canh Ngọ

Thổ

bên đường

Nhâm Ngọ

Mộc dương liễu

Giáp Ngọ

Kim trong cát

Bính Ngọ

Thủy thiên hà

Mậu Ngọ

Hỏa trên trời

Tân Mùi

Quý Mùi

Ất Mùi

Đinh Mùi

Kỷ Mùi

Nhâm Thân

Kim mũi kiếm

Giáp Thân

Thủy trong suối

Bính Thân

Hỏa dưới núi

Mậu Thân

Thỏ bãi rộng

Canh Thân

Mộc thạch lựu

Ất Sửu

Ất Dậu

Đinh Dậu

Kỷ Dậu

Tân Dậu

Giáp Tuất

Hỏa đầu núi

Bính Tuất

Thổ nền nhà

Mậu Tuất

Mộc đất bằng

Canh Tuất

Kim trâm thoa

Nhâm Tuất

Thủy biển cả

Ất hợi

Đinh Hợi

Kỷ Hợi

Tân Hợi

Quý Hợi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Sự sắp xếp của thiên can địa chi trong năm tháng, ngày, giờ sinh của con người có thể tra trong bảng này. Trong bảng phân chia ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ tức là chia đời người 60 năm theo 5 loại mệnh: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Trong bảng, cứ hai năm là một hàng, là một năm mệnh. Người sinh năm kim là mệnh kim, người sinh năm hỏa là mệnh hỏa. Ví dụ, người sinh năm 1924, 1984 (năm Giáp Tý), năm 1925, 1985 (năm Ất Sửu) đều là mệnh “kim trong biển, gọi tắt là mệnh kim”. Các mệnh khác thì trong bảng đã nêu, 60 năm là một chu kỳ, tròn một vòng thì bắt đầu lại.

Trong bảng 60 Giáp Tý, phân chia con người thành 5 loại mệnh: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Năm loại mệnh này tồn tại và phát triển theo quan hệ sinh khắc trong ngũ hành, đặc biệt là từng cặp tương khắc. Như hỏa khắc kim, nhưng “kim trong biển”, “kim trong cát”, thì hỏa không dễ dàng khắc kim. Như “kim mũi kiếm” thì lại mừng có hỏa (lửa) luyện kim, vì nó chỉ có qua lửa nung luyện mới có thể thành kiếm sắc. “Kim trong biển”, “kim trong cát” tuy không dễ khắc hỏa, nhưng nó cũng sợ “hỏa thu lôi”, vì hỏa thu lôi có thể đánh xuống tận đáy biển, đánh vào tận tầng đất sâu.

Kim có thể khắc mộc, nhưng cột gỗ phần nhiều lại thích kim chế ngự, kim đóng vào gỗ lâu ngày đến lúc kim suy không thể khắc mộc vượng. Nói chung, mộc yếu gặp kim vượng thì bất lợi, nhưng “mộc rừng tốt”, “mộc đất bằng” rất khó bị kim khắc. Mộc rất sợ “kim mũi kiếm”, vì “kim mũi kiếm” là kim đã thành vũ khí.

Mộc có thể khắc thổ, nhưng “thổ trên tường”, “thổ nền nhà” rất khó bị mộc khắc. Thổ rất dễ bị “mộc rừng tốt”, “mộc đất bằng” khắc.

Thổ có thể khắc thủy, trái lại, thủy nhiều, thủy vượng bao vây thổ, có thể tưới ruộng, tưới nhuần muôn vật, thổ suy không thể khắc thủy vượng. Nếu như thủy suy thổ vượng tất phải bị thổ khắc.

Thủy có thể khắc hỏa, nhưng hỏa nhiều hỏa vượng thích chế ngự thủy. Hỏa vượng thủy suy, không sợ thủy khắc. Như “hỏa trên trời”, “hỏa thu lôi” chẳng những không sợ thủy khắc, trái lại trời càng mưa to lại càng lợi hại, còn có thể chui xuống đáy biển khắc thủy...(7)

Ở đây, mới chỉ tạm nói đến ngũ hành tương khắc mà chúng ta đã thấy quá phức tạp. Một quẻ bói không phải chỉ có quyết định bởi tương sinh tương khắc mà còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nữa, như cung, cục v.v... Cố nhiên, âm dương ngũ hành tương sinh tương khắc có ảnh hưởng quan trọng đối với cuộc đời con người. Nhưng xử lý quan hệ giữa con người với nhau, đặc biệt là quan hệ giữa vợ chồng, tuổi mệnh tương sinh là tốt. Nếu như hai người gặp tuổi mệnh tương khắc thì cần phải xem có thể khắc được không, lại còn phải sắp xếp tổ hợp tứ trụ của đôi bên, tương sinh, tương chế và tương hợp. Ngoài ra còn phải tính đến những qui luật khác của tự nhiên, của xã hội, của truyền thống, của tâm lý nữa v.v... Không thể vừa thấy tuổi xung khắc đã cho là không tốt. Đó là cách nhìn không đầy đủ, không chính xác. Nhất là đối với loại thầy bói “buôn thần bán thánh” lại càng không nên tin cậy. Họ đưa ra những điều xung khắc là để hù dọa người khác để lừa người nhẹ dạ, cả tin, làm điều hại nhân trước sau cũng bị trừng trị.

Trong cuộc đời của mỗi người, tốt nhất là chúng ta không làm điều gì trái với đạo lý làm người, giữ vững truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chịu khó học tập, cần cù lao động, luôn luôn hướng thiện, làm việc nhân nghĩa thì đời sống của ta sẽ thanh thản, đời con cháu ta, gia đình ta sẽ hạnh phúc, phồn vinh. Chúng ta chẳng phải cầu thần xin quẻ, bói Kiều vướng mắc vào vòng luẩn quẩn “bói ra ma quét nhà ra rác”.

 Chú thích:

1.Phạm Đan Quế: Bình Kiều, Vịnh Kiều, Bói Kiều, Nxb. Hải Phòng, 1998, tr.111.

2.Trần Đương: Bác Hồ với Truyện Kiều trong những năm xa nước. Hội nhà văn Việt Nam, Văn nghệ số 6+7+8, 2007, tr.2.

3.4.5. Phạm Đan Quế: Sđd, tr.114, tr.116, tr.163.

6. Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1978, tr.150-151.

7. Thiệu Vĩ Hoa: Chu Dịch dữ dự trắc học, Hoa Sơn văn nghệ xuất bản xã, 1990, tr.82; tr.91./.

GS.TS. LÊ VĂN QUÁN

                                                                                                           Trường Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (106) 2011, Tr.3 - 12)


CÙNG CHUYÊN MỤC

Hoạt động dòng tộc

Thông tin khuyến học

Tấm lòng nhân ái

Tin tức trong tỉnh