Về miền văn hóa Nghi Xuân
HNTĐ
Nghi Xuân - Hà Tĩnh là một vùng “Địa linh - Nhân kiệt”, thời nào cũng xuất hiện những bậc anh hùng hào kiệt, những danh nhân, chí sĩ. Trong đó, Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du là một trong những con người tiêu biểu. Ông đã để lại một di sản văn chương đồ sộ, trong đó có kiệt tác Truyện Kiều - đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam, làm rạng rỡ văn hóa dân tộc nói chung và quê hương Nghi Xuân, Hà Tĩnh nói riêng
Năm 2020 là Kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765 - 2020), tưởng niệm 200 năm ngày mất (1820 - 2020) của Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới. Đây là một trong những sự kiện văn hóa có ý nghĩa lớn trên quê hương Hà Tĩnh. Vì vậy, năm nay tỉnh Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân cũng coi đây là một hoạt động văn hóa văn nghệ trọng tâm với nhiều hình thức khác nhau được tổ chức; nhằm qua đó tiếp tục gìn giữ, phát huy các di sản của Đại thi hào Nguyễn Du; chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục xây dựng quê hương Hà Tĩnh giàu về kinh tế, vững mạnh về chính trị, quốc phòng an ninh, đậm đà bản sắc văn hóa; Nhân dân có cuộc sống hạnh phúc, cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ, văn minh ngay trên quê hương của Cụ Nguyễn Du.
Cùng với Lễ kỷ niệm 255 ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du được tổ chức trọng thể tại Tỉnh, một trong những hoạt động trọng tâm là Lễ giỗ lần thứ 200 Đại thi hào Nguyễn Du do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hội Kiều học Việt Nam, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền tổ chức ngày 26/9/2020 tại Nhà thờ chính Khu lưu niệm Nguyễn Du (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân). Trong bầu không khí thiêng liêng, thành kính theo đúng phong tục truyền thống văn hóa Việt Nam, Lễ giỗ là dịp để Nhân dân và khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc những đóng góp thiên tài của Đại thi hào Nguyễn Du. Đồng thời là một lời hứa quyết tâm gìn giữ, phát huy các di sản quý báu của Đại thi hào để lại, từ đó tiếp tục lan tỏa những giá trị Việt, tâm hồn Việt cho hôm nay và muôn đời mai sau.
Trước đó, sáng 25/9, tại TP Hà Tĩnh, Hội Kiều học Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều”; UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ ra mắt Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tối 25/9, UBND thành phố Hà Tĩnh phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Không gian văn hóa Việt Media khởi chiếu bộ phim tài liệu nghệ thuật về Đại thi hào Nguyễn Du.
Một tiết mục đặc sắc trong chương trình nghệ thuật sử thi của buổi lễ Kỷ niệm 255 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du
Trong lịch sử văn học, có lẽ không có tác phẩm nào được đọc nhiều, thuộc nhiều, sử dụng nhiều trong cuộc sống như đối với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tác phẩm ấy đã đạt đến độ mẫu mực về cách dùng chữ, dùng từ và về tư tưởng nhân văn. Chính vì thế, Truyện Kiều đã được “nghệ thuật hóa” với rất nhiều hình thức thể hiện và được lan truyền sâu rộng trong dân gian, trong đời sống nhân dân lao động ở không chỉ trên quê hương Nguyễn Du mà cả ở nhiều vùng quê khác trên mọi miền đất nước: Lẩy Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, nhại Kiều; rồi phim từ Kiều, kịch từ Kiều… Đó cũng là những đóng góp vô cùng lớn lao của Đại thi hào Nguyễn Du cho dân tộc.
Trở lại với Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII, cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều”, “Viết văn tế Nguyễn Du” (được tổ chức tổng kết và trao thưởng vào ngày 25/9/2020 tại Nhà Văn hóa Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân). Trong đó, Giải thưởng VHNT Nguyễn Du là giải thưởng uy tín dành cho các văn nghệ sỹ Hà Tĩnh (do UBND Hà Tĩnh tổ chức trao tặng) nhằm tôn vinh những thành tựu văn học nghệ thuật của các văn nghệ sỹ trong tỉnh trong khoảng thời gian 5 năm và có sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống văn học nghệ thuật của tỉnh. Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần này, Ban tổ chức đã nhận được 281 tác phẩm của 88 tác giả thuộc tất cả các chuyên ngành: Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình - Văn nghệ dân gian, Văn học thiếu nhi, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Sân khấu biểu diễn, Âm nhạc, Kiến trúc. Cuộc thi “Viết văn tế Nguyễn Du” và “Bạn đọc thuộc Kiều” cũng là hai cuộc thi rất ý nghĩa, vừa nhằm tôn vinh tài năng của Đại thi hào Nguyễn Du, vừa là dịp vinh danh những người yêu mến Truyện Kiều, thuộc Truyện Kiều trên khắp mọi miền đất nước.
Trong suốt chiều dài lịch sử hơn hai trăm năm, tên tuổi Nguyễn Du gắn liền với núi Hồng Lĩnh, dòng Lam Giang, góp phần làm rạng rỡ non sông đất nước. Tư tưởng nhân văn của ông không chỉ nằm ở câu Truyện Kiều trên trang sách, mà còn là câu chuyện của cuộc đời, với những trăn trở của các tầng lớp nhân dân luôn mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, đất nước phát triển.
Trên cái nền chung ấy, mỗi hoạt động kỷ niệm đều mang ý nghĩa trao truyền sâu sắc. Triển lãm 'Hội họa Truyện Kiều' do Hội đồng Gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 18 đến 23/11, cũng với tinh thần ấy. Tại đây, riêng Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn - người đã có thâm niên hơn 20 năm sáng tác tranh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều và có nhiều hoạt động gắn với Truyện Kiều, đã có tới 96 tác phẩm được trưng bày trong triển lãm, mang lại cho công chúng những giá trị nhân văn mới về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Đặc biệt, không chỉ riêng các hoạt động văn hóa nghệ thuật liên quan tới Nguyễn Du và Truyện Kiều, mà Hà Tĩnh còn có những cơ chế chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung, với huyện Nghi Xuân nói riêng. Trong đó có Quyết định số 2542/QĐ-TTg ngày 20/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo khu lưu niệm Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, đồng ý Khu Lưu niệm Nguyễn Du tại Nghi Xuân là Khu Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt; là điểm du lịch văn hóa mang tầm cỡ quốc gia, phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hỗ trợ phát huy giá trị di sản trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa; là đối tượng nghiên cứu văn hóa, lịch sử; và Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca Trù, Truyện Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó quy định rất cụ thể về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cũng như cơ chế, chính sách và quy định trách nhiệm thực hiện công tác Bảo tồn các di sản văn hóa.
Trên cơ sở đó, trong những năm trở lại đây, nhiều Câu lạc bộ (CLB) Dân ca ở làng, xã trong tỉnh Hà Tĩnh đã ra đời, không chỉ góp phần giữ gìn, mà còn phát triển, phát huy giá trị vốn có của các loại hình nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại… Nghi Xuân là một trong những địa phương dành sự quan tâm lớn đến vấn đề này và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Huyện duy trì tốt hoạt động của các CLB văn nghệ dân gian tại các xã, khu dân cư, trường học..., đưa các hoạt động này trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Dẫu bận rộn bao công việc, nhưng người dân huyện Nghi Xuân vẫn dành cho Văn hóa, văn nghệ truyền thống sự quan tâm ngày một nhiều hơn. Các loại hình nghệ thuật dân gian như ca trù, trò Kiều, dân ca ví, giặm…được gìn giữ và phát huy trên quê hương Nghi Xuân nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, cộng với niềm đam mê cháy bỏng của rất nhiều người, nhất là của các nghệ nhân, không chỉ tạo nên phong trào ca hát, sinh hoạt nghệ thuật sôi động, mà còn là tiền đề cho việc phổ biến, trao truyền cho thế hệ sau các loại hình truyền thống… Tiêu biểu cho các hoạt này như Câu lạc bộ (CLB) trò Kiều xã Xuân Liên; các CLB hát ca trù ở Cổ Đạm; CLB văn nghệ dân gian xã Xuân Trường; hoạt động của nhiều CLB văn nghệ dân gian ở các địa phương, cơ quan, trường học khác nữa tạo nên sự sôi động và bức tranh sắc màu tươi sáng của đời sống văn hóa văn nghệ truyền thống ở Nghi Xuân.
Diễn Trò Kiều trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du
Trong những sự kiện lịch sử - văn hóa diễn ra ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vừa qua, việc tổ chức là Trưng bày và giới thiệu về Di tích khảo cổ học Bãi Cọi (là cụm di tích bao gồm Bãi Cọi, Bãi Lòi và Bãi Phôi Phối) thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, được dư luận quan tâm. Đây là di tích khảo cổ học đặc biệt, bởi nó mang đặc trưng của cả hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng, là nơi hội tụ, gặp gỡ của cư dân 2 nền văn hóa. Qua giới thiệu, trưng bày, công chúng có dịp tìm hiểu và có thêm nhận thức về vị trí, vai trò và giá trị của di tích Bãi Cọi trong tiến trình lịch sử, văn hoá Việt Nam. Gần 150 ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được lựa chọn với nhiều chất liệu, trưng bày cung cấp tư liệu khoa học góp phần làm sáng tỏ những khoảng trống lịch sử giai đoạn Sơ sử miền Trung Việt Nam và ghi nhận thành công của mô hình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.
Cùng với đó, sáng ngày 20/12/2020, UBND huyện Nghi Xuân phối hợp với Viện nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc Phong Thủy tổ chức Hội thảo khoa học “Thánh sư Địa lý Tả Ao với quê hương Nghi Xuân”. Ông được coi là thủy tổ khai môn, đệ nhất Địa lý Phong Thủy Việt Nam và là người quê ở Nghi Xuân (Xuân Giang). Hội thảo góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề về thân thế, sự nghiệp của một nhân vật trong lịch sử - được cho là một người nổi tiếng đời Hậu Lê (1549-1556), nhưng vẫn cần nghiên cứu để làm rõ thêm. Với ý nghĩa ấy, cuộc Hội thảo rất bổ ích, khẳng định Tả Ao một nhân vật có thật, một con người không màng danh lợi cho cá nhân, mà nguyện đi giúp ích cho đời. Hội thảo cũng đề nghị Đền thờ “Thánh Địa lý Tả Ao” là một di tích lịch sử văn hóa…
Những sự kiện và hoạt động văn hóa - lịch sử thời gian qua ở Hà Tĩnh nói chung và Nghi Xuân nói riêng là biểu hiện sinh động về sức sống, về nền tảng văn hóa truyền thống trên quê hương Nghi Xuân - Hà Tĩnh./.
Uyên Nhi
Nguồn: https://vietnamhoinhap.vn/
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Quê hương Tiên Điền với Nguyễn Du
Chung quanh thân thế, sự nghiệp và tác phẩm Truyện Kiều bất hủ của Nguyễn Du, cho đến nay vẫn còn một đôi điều chưa được giải đáp thuyết phục: có ảnh hưởng gì của quê hương xứ sở, nơi sinh thành nên Đại thi hào đối với thân thế, sự nghiệp và đối với cả Truyện Kiều của ông? Nguyễn... -
Làng Tiền - Cái nôi của trò Kiều Tiên Điền
Làng Tiền (nay là tổ dân phố An Mỹ, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân), không chỉ được biết đến là làng nghề truyền thống làm nón lá, làm rổ mà còn là cái nôi của trò Kiều – một loại hình nghệ thuật dân gian được chuyển tác từ “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du.