Vì sao nguời ta tưới rượu mỗi khi viếng mộ Nguyễn Du
HNTĐ
Đi viếng mộ Đại thi hào Nguyễn Du tại Khu lưu niệm ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh người ta thường thực hiện một nghi thức bất thành văn. Đó là sau khi thắp hương tưởng nhớ và đặt hoa lên mộ cụ, bao giờ người hành hương cũng trang trọng châm một chén rượu nhỏ thành kính rưới lên mộ khoảng hai phần ba và tự hưởng chút lộc còn lại. Việc làm này đã thành lệ không mấy ai giải thích lý do bởi ai cũng nghĩ rằng đó là một việc làm đẹp và cần thiết khi tri ân một thi hào của dân tộc, một nhà thơ nhân đạo mà tên tuổi đã vượt khỏi không gian Việt Nam để hoà vào đại lộ văn minh của nhân loại.
Chúng ta sẽ thấy có ý nghĩa hơn và thú vị hơn khi biết rằng lúc sinh thời, nhà thơ lớn của chúng ta từng có một khát khao đầy chất tiêu dao khi nhắn nhủ với đời sau qua bài thơ Đối tửu dưới đây:
Phu toạ nhàn song tuý hữu khai
Lạc hoa vô số hạ thương đài
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu Thùy kiêu mộ thượng bôi
Xuân sắc tiện thiên hoàng điểu khứ
Niên quang ám trục bạch đầu lai
Bách kỳ đãn đắc chung tiêu tuý
Thế sự phù vân chân khả ai
Dịch thơ:
Ngồi uống rượu
Ngồi tựa bên song mở mắt say
Hoa rơi lấm tấm thảm rêu đầy
Sống không dốc cạn vài chung rượu
Chết hỏi ai người rưới rượu đây?
Xuân nhạt dần thôi chim cũng tếch
Năm trôi gấp khiến tóc phơ bay
Ước gì suốt sớm say luôn được
Thế sự buồn tênh thoảng bóng mây
(Nguyễn Huệ Chi – dịch)

Bài thơ tái hiện hình ảnh một người cô đơn, một tâm trạng buồn đang chờ đợi một cái gì mà không thật rõ, một cái gì đang tới hay sẽ tới? Vì không xác định được rõ ràng, nhà thơ đành chấp nhận một hiện tại, nhìn những cánh hoa rụng lấm tấm trên thảm rêu, uống rượu một mình ngắm xuân trôi, năm trôi qua những cánh chim biền biệt và mái tóc thì cứ bạc dần theo thời gian. Muốn say lắm mà càng uống vào lại càng tỉnh và nhìn thế sự, ngẫm cuộc đời thì sao mà thấy rất buồn?! Đã có lúc thi nhân đành chấp nhận: “Sống không dốc cạn vài chung rượu” và đặt ra một câu tự vấn: “Chết hỏi ai người rưới mộ đây?”. Câu hỏi này cũng tương tự như một câu hỏi mà nhiều người từng biết khi Nguyễn Du băn khoăn:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Ba trăm năm lẻ sau này nữa
Thiên hạ ai người khấp Tố Như)
Không đầy ba trăm năm sau câu hỏi của Nguyễn Du đã có hồi âm. Đó là rất nhiều thế hệ người Việt Nam đã đọc Nguyễn Du, đã phân tích, đánh giá thơ Nguyễn Du và Truyện Kiều, đã vinh danh Nguyễn Du không chỉ trong không gian quốc gia mà hai lần thế giới tôn vinh ông là một nhà thơ của tình thương, của lòng nhân ái.
Trở lại, trong thơ Nguyễn Du không chỉ một lần ông nhắc tới chuyện tưới rượu lên mộ. Ở bài Mạn hứng, nhà thơ viết:
Ninh tri dị nhật Tây lăng hạ
Năng ẩm trùng dương nhất trích vô?
(Có biết gò Tây khi nhắm mắt
Trùng dương, ai rưới rượu cho ông?)
và
Phục lạp tử tôn không lời tửu
Thế gian phú quý đẳng phù vân
(Con cháu giỗ chạp rượu rưới lùi
Giàu sang trên trời mây nổi đó?)
(Giữa đường ngẫu hứng)
Đây cũng chỉ là một mong muốn rất chân thành, mong muốn được một sự đồng cảm, mong muốn được một sự chia sẻ ấm áp tình người. Thực ra nỗi niềm của một con người không phải người ngoài ai cũng có thể hiểu. Nhà thơ chắc ý thức khá rõ điều này nên chỉ mong có một sự chia sẻ với mình. Chúng ta, những thế hệ hậu sinh, đọc thơ Nguyễn Du, gặp bài Đối tửu và cảm thông phần nào cái mong muốn của nhà thơ để khi có dịp viếng mộ Người, hãy rưới lên mộ thi nhân một ly rượu nhỏ tỏ bày một cảm tình trân trọng. Cái lý do tưới rượu lên mộ thi nhân khi chúng ta viếng Nguyễn Du cũng nhẹ nhàng tựa như một áng mây lướt qua mộ ông. “Thế gian phú quý đẳng phù vân”.
Mai Ngọc Chúc
Nguồn: http://hoikieuhoc.com/
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Lịch sử một câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”
Đó là câu nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Câu này ở trong bài diễn thuyết bằng quốc văn đọc tại buổi lễ kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày mất của nhà thi hào (10.8 âm lịch) do Ban Văn học của Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức tại Hà Nội ngày 8.9.1924. Khách... -
Nguyễn Du nghĩ gì về “thơ”? - thử tìm một lý giải
“Của tin, gọi một chút này làm ghi” (Nguyễn Du, Đoạn trường tân thanh) Trước tác thơ Nôm Truyện Kiều trong nội một đêm (theo truyền thuyết), Nguyễn Du kết thúc Đoạn Trường Tân Thanh bằng 6 chữ ngắn ngủi, - để nói theo cách hiện đại - “nhận định” về chính thơ ông: Lời quê chắp... -
Chữ “tôi” trong Truyện Kiều
Ngôn ngữ nói chung và chữ tôi nói riêng, khi bước vào tác phẩm văn học cũng có số phận thăng trầm liên quan mật thiết đến những thăng trầm của lịch sử nước nhà. Tìm hiểu chữ tôi trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam là một đề tài khá lý thú. Ở bài viết này, tôi chỉ đi sâu... -
Nguyễn Du và truyện Kiều từ góc nhìn giáo dục văn hoá
Giải mã ngôn ngữ trong Truyện Kiều người đọc sẽ cảm nhận, thụ hưởng và khai thác được các giá trị văn hoá đặc sắc nhất của người Việt mà Nguyễn Du đã kí thác trong đứa con tinh thần của mình. Đó là các giá trị làm nên hồn cốt Việt, không thể trộn lẫn, bao gồm: giá trị triết học,...